Báo viết thời 4.0

Hôm 9/10/2019, báo Utusan - một tờ báo tiếng Malay lâu đời nhất của Malaysia - đã đột ngột tuyên bố ngưng xuất bản. Hơn 800 nhân viên bị cho nghỉ việc với lý do báo giảm độc giả và quảng cáo, thu không bù chi, nợ nần chồng chất...

Báo Utusan ra đời năm 1939, khi Malaysia còn là thuộc địa của người Anh. Thời hoàng kim của báo vào những năm 90 của thế kỷ trước, hàng ngày có 350.000 bản báo được bán ra. Thế nhưng, thời của báo chí di động đã đẩy các tờ báo in lớn đi vào chỗ phá sản, báo Utusan không thoát khỏi quy luật ấy.


Nhân viên báo Utusan nhận được thư nghỉ việc từ Ban Biên tập báo tại tòa soạn ở Kuala Lumpur (Malaysia) hôm 9/10/ 2019 (Nguồn ảnh: website báo Utusan)

Trước đó nhiều năm, rất nhiều tờ báo lớn ở Mỹ cũng đóng cửa bản in, chỉ tập trung phát hành trên online. Mới đây, nhật báo Journal Tribune, một nhật báo lớn ở Mỹ, cũng tuyên bố đóng cửa bản in sau 135 năm hoạt động vào ngày 12/10 và giờ đây dồn sức cho phiên bản online. 

Ở Việt Nam, các tờ báo in hiện vẫn còn ra sạp nhưng trong điều kiện khá chật vật về tài chính, một số khác thì được bao cấp. Tuy nhiên, xu thế chuyển từ việc đọc báo in sang đọc báo di động đã dần hình thành trong nhiều giới, kể cả nhóm tuổi U60.

Lướt web bằng smartphone

Đã qua rồi cái thời buổi sáng ngồi cà phê đọc báo in. Hiện nay, vừa ngủ dậy, nhiều người có thói quen chộp lấy điện thoại để lướt tin tức. Ngay cả khi ngồi uống cà phê đọc báo, cho dù vẫn là ly cà phê muôn xưa cũ, nhưng “tờ báo” thì đã khác hoàn toàn. Thay cho những tờ báo in trên giấy là những trang báo online trên màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng.

Những năm gần đây, báo chí thế giới chứng kiến một xu hướng phát hành mới gọi là “distributed content”. Theo đó, các cơ quan báo chí chuyển nội dung của họ vào các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter mà không gắn kết trở lại với website hay ứng dụng của mình để người dùng di động có thể truy cập nhanh, không phải đợi… 5 hay 10 giây như trước!


Masthead Maine, chủ sở hữu tờ báo Tribune, hôm thứ ba tuyên bố rằng tờ báo sẽ bị đóng cửa và phiên bản cuối cùng của tờ báo 135 tuổi sẽ được xuất bản vào ngày 12 tháng 10. ED PIERCE / Tạp chí Tribune

Sự phát triển của công nghệ thông tin, tác động của quá trình toàn cầu hóa từ cuối thế kỷ XX đã tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ đến báo chí - truyền thông trên thế giới cả về lượng và chất, cả về nội dung thông tin và phương pháp thu thập xử lý thông tin, cả về tiềm lực được tích lũy cũng như khả năng tác động vào đời sống xã hội.

Tốc độ thông tin và phản hồi trên báo chí được rút ngắn nhờ các thiết bị cầm tay vừa trở thành phương tiện sản xuất, phương tiện truyền thông tin dưới dạng văn bản, ảnh, video, âm thanh, đồ họa cực kỳ nhanh nhạy; vừa là thiết bị “đọc” thông tin. 

Từ những năm 1990, với sự kết hợp giữa viễn thông và internet, tin tức dưới các hình thức tin nhắn SMS, MMS đã ra đời. Nhưng, có thể nói, phải đến khi các thiết bị di động dùng màn hình cảm ứng như các dòng điện thoại thông minh, máy tính bảng xuất hiện, quá trình hội tụ này mới thực sự tạo ra một kênh thông tin mới có ưu thế vượt trội, khai thác mạnh các đặc trưng của báo trực tuyến, đặc biệt là khả năng tương tác và tùy biến. 

Các thống kê cho thấy, số người sử dụng các thiết bị di động để truy cập internet trên toàn thế giới đã vượt qua số người sử dụng các dòng máy tính cho công việc tương tự. Số người tiếp cận các kênh báo chí qua thiết bị cầm tay hiện nay cũng vượt qua số người sử dụng máy tính để vào internet “đọc” báo. Doanh thu quảng cáo trên các kênh báo chí di động cũng đang tăng lên. Báo chí di động không chỉ có một chỗ đứng vững chắc trong những năm gần đây mà còn “đe dọa” các kênh báo chí truyền thống, thậm chí, cả hình thức báo trực tuyến trên nền tảng world wide web.

Thay đổi cách làm báo từ thói quen tiêu dùng tin tức

Các thiết bị di động gắn liền với sinh hoạt cá nhân, nhưng ngày nay nó tích hợp, hội tụ nhiều tính năng công nghệ vượt trội (chứ không chỉ dừng lại ở chức năng thông tin liên lạc) như ghi hình, ghi âm, nghe phát thanh, chụp ảnh, lưu trữ, lướt mạng, định vị vệ tinh, soạn thảo văn bản, xem thư điện tử, làm việc trực tuyến… nhờ các phát minh công nghệ của các công ty lớn mà điển hình là Apple, Google, Microsoft, Samsung... Nội dung báo chí hiện đại vì thế phải có những thay đổi trong quy trình sản xuất cho phù hợp với cách tiếp nhận thông tin, cách trải nghiệm truy cập, thói quen khai thác của công chúng báo chí trên những thiết bị mới. 

Những năm gần đây, cùng với xu hướng chung của báo chí thế giới, báo chí Việt Nam cũng có những nỗ lực thay đổi công nghệ để giành công chúng truyền thông trước sự phát triển của truyền thông trực tuyến. Đã có nhiều ứng dụng “đọc” báo trên điện thoại thông minh và máy tính bảng là các sản phẩm công nghệ thông tin thuần Việt như: Moza (Tinh Vân), Socbay iMedia (Naiscorp), Tin ngắn (Viettel), Báo Mới (ePi), Thanh Niên (báo Thanh Niên), Người Đưa Tin (Netlink), Vitalk (FPT - nguyên thủy là một sản phẩm hỗ trợ chat Yahoo trên di động thành một mạng xã hội tin tức cho mobile). 


Hiện nay hầu hết các cơ quan báo chí trên toàn thế giới đều phát hành nội dung trên thiết bị cầm tay. Và đọc báo di động đã trở thành thói quen của công chúng truyền thông hiện đại

Với gần 2 tỷ người sử dụng mỗi tháng trên toàn cầu, Facebook đã trở thành một “tờ báo” lớn nhất thế giới, nói cách khác là một nguồn tin lớn nhất. 44% số người tại 26 quốc gia trên thế giới tham gia cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters thuộc Đại học Oxford cho biết họ coi Facebook là nguồn tin chủ yếu. Truyền thông xã hội đang chi phối thời gian lướt mạng của mỗi người: trung bình một cá nhân tiêu tốn tới 1 tiếng 51 phút mỗi ngày cho truyền thông xã hội, trong đó, riêng Facebook đã là 50 phút. Ở một số nước, người ta còn dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội: đơn cử như ở Brazil, thời gian lên mạng xã hội là 3 giờ 37 phút, trong khi thời gian xem truyền hình chỉ là 1 giờ mỗi ngày.

Số lượng thuê bao 3G và người sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng ở Việt Nam ngày một tăng lên trong những năm gần đây. Báo chí di động ở Việt Nam cũng đang phát triển và có nhiều tìm tòi về hình thức để thể hiện nội dung tác phẩm phù hợp với nhu cầu, thói quen, tâm lý, hành vi tiêu dùng của công chúng truyền thông. Và điều đó đang đặt ra yêu cầu nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để giúp cho các nhà báo, các cơ quan báo chí khai thác hiệu quả hơn thế mạnh của báo chí di động trong truyền thông.
Phan Văn Tú