Đội tuyển Việt Nam chưa tạo được sự yên tâm

14/10/2024, 09:13

Màn trình diễn của thầy trò HLV Kim Sang-sik trên sân Thiên Trường vào tối 12/10 khiến người hâm mộ VN không khỏi lo lắng khi AFF Cup 2024 đang đến gần, đặc biệt trong khâu tấn công.

Trước đối thủ Ấn Độ yếu hơn, đội tuyển Việt Nam không thể hiện được sự áp đặt, thậm chí bế tắc. Đó cũng là lý do các trung vệ như Quế Ngọc Hải, Thanh Bình phải tung rất nhiều đường chuyền dài. Từ một tình huống như vậy, Vĩ Hào mang về quả phạt đền cho đội tuyển Việt Nam. Trước đó, ở cuộc đối đầu Thái Lan hồi tháng 9, Tiến Linh lập công nhờ đường phất bóng chuẩn xác của Ngọc Hải. Cá nhân trung vệ CLB Bình Dương còn được HLV Kim Sang-sik giao trọng trách điều tiết lối chơi mỗi khi đội tuyển VN dồn trọng tâm tấn công sang cánh phải.

HLV Kim Sang-sik vẫn đang thử nghiệm để tìm ra bộ khung hoàn thiện cho đội tuyển VN. Nguồn ảnh: Thanh Niên

Không thể phủ nhận rằng đây là một miếng đánh hiệu quả của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng phơi bày một sự thật rằng các học trò HLV Kim Sang-sik bế tắc trong khâu triển khai bóng. Các tiền vệ trung tâm như Thành Long, Hoàng Đức gần như không tạo được mối liên kết với nhau và với Văn Toàn, Vĩ Hào trên hàng công. Cuối hiệp 02, Thành Long cũng phải chủ động tung nhiều đường chuyền dài ra biên nhưng hàng thủ đội tuyển Ấn Độ đã không còn bất ngờ và dễ dàng hóa giải.

Điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra ở AFF Cup 2024. Là ứng cử viên vô địch, đội tuyển Việt Nam sẽ luôn bị nghiên cứu rất kỹ và chắc chắn các đối thủ sẽ đề phòng miếng đánh này. Đồng thời, những đội cạnh tranh ngôi vương với chúng ta đều đang sở hữu dàn trung vệ cao to, đẳng cấp như Elias Dolah, Jonathan Khemdee (Thái Lan) hay Justin Hubner, Jay Idzes (Indonesia). Bóng dài chỉ nên dừng lại ở mức giải pháp tình thế, được sử dụng trong một vài tình huống, khoảnh khắc nhất định để tạo bất ngờ thay vì trở thành miếng đánh "đặc sản".

Đội tuyển VN cần phải có những pha phối hợp nhỏ, nhuyễn ở trung lộ, nách trung lộ hoặc hai biên để tận dụng những điểm mạnh của cầu thủ Việt Nam: nhanh nhẹn, khéo léo và tốc độ. Tuy nhiên, các tình huống như vậy rất ít xuất hiện. Trước đội tuyển Ấn Độ, chỉ có cặp đôi của CLB Nam Định là Văn Toàn, Văn Vũ làm được điều đó nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Các học trò HLV Kim Sang-sik cần "mài sắc" vũ khí này hơn nữa bằng cách thực hiện nhiều hơn, đa dạng hơn.

Lý giải cho sự đơn điệu trong lối chơi của đội tuyển Việt Nam, chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú nói: "Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất đang nằm ở hàng tiền vệ, và HLV Kim Sang-sik thử nghiệm nhiều nhân tố mới. Chiến lược gia người Hàn Quốc chưa hoàn thiện bộ khung cho đội tuyển Việt Nam. Ngoài Tiến Linh và Nguyễn Filip tương đối nổi bật, gần như chắc suất, các cầu thủ còn lại chưa đảm bảo chắc chắn vị trí của mình, kể cả bộ ba trung vệ. Ông Kim đang muốn kiểm tra con người nhiều hơn là định hình chiến thuật".

Đội tuyển VN hòa đội Ấn Độ trên sân Thiên Trường. Nguồn ảnh: Thanh Niên

Trong đội hình xuất phát ở 5 trận đã qua, HLV Kim Sang-sik đã sử dụng 4 cặp tiền vệ trung tâm khác nhau là Hùng Dũng - Hoàng Đức, Đức Chiến - Hoàng Đức, Văn Trường - Hùng Dũng (02 trận), Hoàng Đức - Thành Long. Tương tự, ông cũng dùng 4 cặp hậu vệ biên khác nhau là Xuân Mạnh - Văn Khang, Văn Thanh - Tuấn Tài (02 trận), Xuân Mạnh - Hồng Duy, Văn Vũ - Hồng Duy. Bộ ba trung vệ cũng đa dạng: Quế Ngọc Hải - Thành Chung - Thanh Bình (03 trận), Duy Mạnh - Đức Chiến - Bùi Tiến Dũng, Thanh Bình - Việt Anh - Duy Mạnh. Ở giai đoạn thành công cùng bóng đá VN, HLV Park Hang-seo gần như "đóng đinh" nhân sự cho các vị trí này. Tuy nhiên, điều tương tự chưa xảy ra dưới triều đại của ông Kim. Tân truyền trưởng đội tuyển Việt Nam vẫn đang loay hoay để chọn ra những mảnh ghép phù hợp nhất cho lối chơi ông đang xây dựng.

Ông Kim còn nhiều mối lo. Nguồn ảnh: Thanh Niên

Ngoài ra, sự đa dạng chiến thuật cũng là một vấn đề mà HLV Kim Sang-sik cần tính tới. Chuyên gia Phan Anh Tú nhận định: "Khi sơ đồ chiến thuật này chưa phát huy hiệu quả, HLV cần thử nghiệm, thay đổi sơ đồ chiến thuật khác. Tôi chưa thấy HLV trưởng thử nghiệm sơ đồ chiến thuật mới ngoài 3 - 4 - 3 để khai thác hết khả năng của cầu thủ Việt Nam. Chúng ta đang có nhiều cầu thủ chất lượng, giàu kinh nghiệm. Tôi tin họ đủ đẳng cấp để thích nghi được với mọi yêu cầu chuyên môn".

Sau trận gặp đội tuyển Ấn Độ, HLV Kim Sang-sik cũng tiết lộ ông và cộng sự cũng đang lên phương án thử nghiệm sơ đồ 4 hậu vệ truyền thống. Đây sẽ là một cuộc chạy đua với thời gian của ban huấn luyện, cầu thủ đội tuyển Việt Nam bởi AFF Cup sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 2 tháng nữa.

Nguồn: Thanh Niên

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Thành phố đã bắt đầu triển khai đề án phát triển hệ sinh thái du lịch theo trục "TP.HCM - Long Thành"; trong đó lấy việc "vận chuyển đường thủy" làm chủ đạo được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm và đang theo đuổi phát triển.
(HTV) - Giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 đã chọn ra 27 ứng viên xuất sắc nhất để vinh danh. Đây là các nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia marketing, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc đã đóng góp cho sự phát triển bền vững.
(HTV) - Thương hiệu dẫn dắt bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tận dụng sức mạnh của thương hiệu để thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.
(HTV) - Từ năm 1940, phương pháp "trị liệu nghệ thuật" được áp dụng trên thế giới cho các chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần. Theo một số nhà trị liệu, phim bộ Hàn Quốc có những thế mạnh quan trọng phù hợp với liệu pháp tâm lý.
(HTV) - Lâu đài Windsor của Hoàng gia Anh vừa hoàn thành việc trang trí Giáng sinh cho năm 2024. Những căn phòng được trang trí sẽ mở cửa cho du khách từ nay cho đến ngày 06/01, theo truyền thống.
(HTV) - Ngày 22/11, thẩm phán tòa án New York Juan Merchan ra phán quyết hoãn vô thời hạn việc tuyên án ông Donald Trump trong vụ chi tiền bịt miệng một diễn viên phim người lớn.
(HTV) - Ngày 22/11, tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Matxcova sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo trong thiết bị siêu thanh phi hạt nhân Oreshnik, và chuẩn bị sản xuất hàng loạt tên lửa này.