Được coi là phương pháp làm đẹp "thần kỳ", tuy nhiên nhiều người đã phải trả giá vì thiếu hiểu biết khi tiêm filler.
Filler được biết đến là một chất làm đầy, tồn tại tự nhiên và an toàn trong cơ thể người. Nếu như trước đây, chất làm đầy filler chỉ thường được dùng cho nâng mũi thì hiện nay, nó được vận dụng để định hình và làm trẻ hóa khuôn mặt như: tạo cằm V-line, nâng mũi cao, tạo dáng mũi S-line, L-line, tạo môi trái tim, xóa nhăn vùng mắt...
Với lời quảng cáo không cần phẫu thuật, tuyệt đối an toàn, không chảy máu, không đau đớn, không biến chứng... filler hiện đang được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn để có được vẻ đẹp tự nhiên.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại filler đến từ các quốc gia khác nhau. Và khi phương pháp này phổ biến thì ngoài các bác sĩ thẩm mỹ có chuyên môn, thì các cơ sở spa thông thường cũng tham gia vào. Và phần lớn các biến chứng đều bắt nguồn từ đây vì sự thiếu hiểu biết của cả khách hàng cũng như các cơ sở điều trị.
Biến chứng của tiêm filler không rõ nguồn gốc gồm: nhiễm trùng sau khi tiêm; tiêm quá liều dẫn đến việc chèn ép mạch máu gây hoại tử ở vùng mạch đó nuôi dưỡng; tắc mạch mắt gây mù mắt, thậm chí tắc mạch máu não gây đột quỵ.
Để đảm bảo sử dụng an toàn, phái đẹp cần lưu ý đến nguồn gốc của filler tại các cơ sở làm đẹp. Filler phải có giấy chứng nhận của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Hoa Kỳ). Bên cạnh đó, cần lưu ý một số trường hợp chống chỉ định với việc tiêm chất làm đầy filler gồm: Phụ nữ mang thai, cho con bú; vùng tiêm đang bị nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu – chảy máu; teo da; rối loạn phục hồi vết thương...
Hoàng Dương