Làn sóng "đổ bộ" của các sàn thương mại điện tử lớn từ Trung Quốc

HỒNG DIỄM - THANH PHONG - THIỆN TÙNG - THU HẢI - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 18/10/2024, 09:26

(HTV) - Với tốc độ tăng trưởng 25% trong năm 2023, Việt Nam thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trong 10 năm, quy mô thị trường tăng hơn 09 lần, từ 2,2 tỷ USD lên 20,5 tỷ USD vào năm 2023.

Đây cũng là lý do mà các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc có sự quan tâm đến thị trường 100 triệu dân. Mới đây nhất, nền tảng Temu – dù chưa công bố chính thức vào Việt Nam, tuy nhiên đã có ứng dụng (app) trên điện thoại với phiên bản tiếng Việt, cho phép người dùng có thể tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này.

Giao diện của nền tảng Temu

Thách thức đối với thị trường bán lẻ Việt Nam

Ứng dụng Temu tung nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn cho người dùng

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đánh giá: "Các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Temu, Taobao, 1668 của Trung Quốc có lợi thế giá rẻ, mẫu mã đẹp, chính sách đổi trả trong 90 ngày mà không tốn phí. Đặc biệt, với hệ thống logistics hoàn thiện, đơn hàng từ Trung Quốc về gần như được miễn phí, thời gian giao hàng khá nhanh, chỉ 3-4 ngày."

Ông Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ về những lợi thế của các doanh nghiệp thương mại điện tử từ Trung Quốc

“Sự đổ bộ này của các sàn TMĐT Trung Quốc, với những lợi thế sẵn có đang tác động rất lớn đến thị trường bán lẻ trong nước, gần như thị phần của doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng rất nhiều", ông Nghĩa nhận định.

Theo số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023, mỗi ngày trung bình 4-5 triệu đơn hàng có giá trị nhỏ dưới một triệu đồng từ Trung Quốc chuyển về Việt Nam qua các sàn TMĐT. Như vậy, ước tính, hàng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, tương đương một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Hàng hóa giá trị nhỏ ở nước ngoài “ồ ạt” vào Việt Nam, một phần nguyên nhân là được hưởng ưu đãi theo Quyết định 78/2010 miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với đơn hàng giá trị nhỏ dưới một triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh. 

Ông Trần Quốc Kỳ - Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Gigan phân tích: hàng giá rẻ từ các sàn như 1688, Taobao, Temu sẽ đẩy doanh nghiệp sản xuất/ nhà phân phối Việt Nam vào cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá thành, tính đa dạng của sản phẩm và năng lực dịch vụ khách hàng nhất là năng lực vận chuyển.

“Đối với xã hội có thể gây ra sự hỗn loạn về hàng hóa đang phân phối trên thị trường. Đối với hàng nhập không chính ngạch thì việc kiểm soát gặp nhiều thách thức vậy nên một khi các sàn như 1688, Taobao, Temu phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam thì thách thức kiểm soát xuất xứ hàng hóa và chất lượng hàng hóa càng thách thức hơn”, ông Trần Quốc Kỳ đánh giá. 

Doanh nghiệp Việt không chạy đua hàng giá rẻ

"Biết người biết ta", thay vì cạnh tranh trực diện về giá cả, các thương hiệu Việt hiện nay đã chọn cho mình chiến lược cạnh tranh phù hợp.

Cùng với đồ gia dụng, thời trang có thể nói là mặt hàng chịu sức ép rất lớn từ hàng giá rẻ Trung Quốc. Hiểu được điều này, thương hiệu thời trang La Boutique không định hướng phát triển hàng giá rẻ mà tập trung vào xây dựng thương hiệu mạnh. Kết quả là doanh thu từ mảng online của thương hiệu tăng gấp nhiều lần qua từng năm.

“Mình tập trung xây dựng thương hiệu mạnh bằng chất lượng sản phẩm, bằng kết nối cảm xúc với khách hàng thông qua các “điểm chạm” khi mua sắm online và giao tiếp, chăm sóc khách hàng sau đó”, chị Võ Yến La - Nhà sáng lập Thương hiệu thời trang La Boutique chia sẻ.

Chị Yến La chia sẻ về định hướng của doanh nghiệp mình

Một số sản phẩm đến từ thương hiệu La Boutique

Với biên độ tăng trưởng hai con số mỗi năm của TMĐT Việt Nam, chuyên gia đánh giá, biên độ đó không hoàn toàn dựa vào nội lực của quốc gia hay xu hướng thị trường mà chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của các nền tảng đến từ nước ngoài như Lazada,Tiki, Shopee. Các nền tảng này có một điểm chung là có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, những đơn vị này đang kinh doanh tại Việt Nam, có sự kiểm soát của pháp luật của đất nước Việt Nam. Còn đối với các sàn không có trụ sở tại Việt Nam thì cần có giải pháp phù hợp.

Ông Trần Quốc Kỳ - Giám đốc Điều hành - Đồng sáng lập Công ty Cổ phần Gigan cho biết: "Đối với một số sàn có yếu tố nhà đầu tư nước ngoài như Shopee, Tiki, Lazada, tuy nhiên họ có trụ sở tại Việt Nam nên chúng ta ủng hộ, khuyến khích họ. Còn đối với các sàn như Temu, Taobao, 1688 thì lại không có. Họ ở nước ngoài mà bán tại Việt Nam. Để kiểm soát một cách tức thời nhà nước có thể cân nhắc áp dụng một số phương pháp kiểm soát thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng quốc gia bằng cách áp dụng mức thuế phí cao hơn khi người dùng thanh toán cho như nền tảng được chỉ định như 1688, để hạn chế phần nào việc dòng tiền trong nước chảy ra nước ngoài và hạn chế sự bành trướng nhanh chóng của 1688 hay tương tự".

Ông Kỳ đưa ra một số đề xuất để hạn chế dòng tiền trong nước bị đổ ra nước ngoài

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết: “Đối với đơn hàng dưới một triệu hiện nay đang được ưu đãi miễn thuế. Chúng tôi kiến nghị cần có giải pháp để hạ thấp mức, thay vì một triệu thì 100.000-200.000 đồng thì miễn vì điều này sẽ không có sự công bằng với doanh nghiệp Việt.”

Trước đó, thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu thu thuế đối với hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ dưới 01 triệu đồng nhằm hạn chế thất thu ngân sách nhà nước, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: