(HTV) - Theo Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, trong đó sẽ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP.
TP.HCM có nhiều làng nghề lâu đời, vì vậy việc đưa làng nghề trở thành điểm du lịch, cũng như xây dựng các sản phẩm từ làng nghề đạt OCOP sẽ góp phần bảo tồn, và phát triển làng nghề truyền thống bền vững hơn.
Làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân là làng nghề lớn ở Nam Bộ
Được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012, làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân là làng nghề lâu đời ở TP.HCM, và làng nghề lớn ở Nam Bộ. Trải qua bao thăng trầm, dù có nhiều khó khăn, nhưng người dân vẫn bám trụ với nghề. Và mới đây, Sở Du lịch đã công bố, làng nhang ở xã Lê Minh Xuân là một trong 10 điểm checkin thú vị ở TP.HCM. Tuy nhiên, hiện do đô thị hóa, quy mô làng nghề cũng thu hẹp dần. Vì vậy việc xây dựng làng se nhang trở thành điểm du lịch được kỳ vọng vừa giúp bảo tồn làng nghề, vừa cải thiện cuộc sống của người dân.
Chị Nguyễn Cát Bụi Thúy - Tổ Trưởng Tổ Hợp tác Se nhang Ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM chia sẻ, khách du lịch ở nước ngoài hay đi tham quan, ghé chụp hình, trải nghiệm tại làng se nhang này, vì vậy nguyện vọng là tới đây hỗ trợ mở phòng trưng bày để người ta đến tham quan nhiều hơn và biết làng nhang này.
Là ngành nghề lâu đời ở huyện Cần Giờ, diêm dân hiện nay đã nâng cao giá trị hạt muối bằng cách chế biến sâu để đạt chuẩn OCOP. Du khách đến du lịch ấp đảo Thiềng Liềng ngoài việc trải nghiệm du lịch với nghề muối, còn có thể mua sản muối đạt OCOP về làm quà tặng.
Diêm dân ở huyện Cần Giờ đã nâng cao giá trị hạt muối bằng cách chế biến sâu để đạt chuẩn OCOP
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Du lịch Thương mại Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ, TP.HCM bày tỏ, hiện đơn vị đang có sản phẩm muối OCOP 3 sao. Trước đây sản xuất muối thô, khi thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, thì nghĩ ra cách tạo ra sản phẩm từ địa phương để làm quà. Và muối chế biến giúp giá trị kinh tế nâng lên.
Hợp tác xã Thiềng Liềng đã chuyển đổi từ sản xuất muối thô sang sản xuất muối chế biến
Làng nghề ở TP.HCM nắm bắt thời cuộc, cập nhật xu hướng khá tốt. Có những làng nghề đã vượt qua giai đoạn khó khăn, tự nâng cấp để nhập cuộc và được người tiêu dùng đón nhận. Với tiềm năng sẵn có, trong đề án chương trình OCOP gắn với du lịch, TP.HCM tiếp tục đưa ra nhiều hỗ trợ để phát triển làng nghề.
Theo Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Và Du lịch TP.HCM nhận định, du lịch và OCOP là hai chương trình trọng điểm quốc gia. Các điểm đến mà được công nhận OCOP sẽ có cơ hội quảng bá tốt hơn và khẳng định thương hiệu. Chương trình OCOP và phát triển du lịch là hai hệ sinh thái nương tựa nhau. Kế hoạch của Viện là triển khai xây dựng điểm đến trở thành sản phẩm OCOP. Khi được công nhận OCOP, sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu để giúp nhiều bên liên quan, đặc biệt là ở Thiềng liềng, Cần Giờ hình thành không gian tạo nên sức hút cho giới học thuật, nghiên cứu.
Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM định hướng rõ phát triển sản phẩm OCOP phải gắn với phát triển du lịch, phải góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Do đó, trong chương trình OCOP, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp trình UBND Thành phố theo hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, và du lịch là sản phẩm OCOP cần thực hiện. Thời gian tới để chủ thể OCOP có thể phát triển sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch thì cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết tại sao phải gắn với du lịch, lựa chọn sản phẩm nào.
Bảo tồn làng nghề gắn với xây dựng sản phẩm OCOP
Gắn làng nghề với chương trình OCOP và phát triển du lịch là cách bảo tồn hiệu quả, không chỉ giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc, mà đó cũng là các để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9