Các gia đình có con em thi vào đại học năm nay đang băn khoăn nhất xem nên cho con mình lựa chọn ngành nghề gì. Những ngành đang thu hút được đông đảo các thí sinh như kinh doanh và quản lý, máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kĩ thuật chiếm 46%, trong khi đó các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất là nông lâm nghiệp, thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, dịch vụ xã hội chỉ chiếm khoảng hơn 2%, qua đó thấy được có sự chênh lệch rát lớn giữa các ngành nghề. Dù có mức lương khi ra trường không hề thấp, đôi khi còn là cao thế nhưng nhiều ngành mỗi năm vẫn phải đối mặt với tình trạng "ế" người học.
Nhiều thí sinh băn khoăn không biết lựa chọn ngành học nào để đăng ký (Ảnh minh hoạ)
Địa chất, khí tượng thủy văn, hải dương học là những ngành khoa học cơ bản, là nền tảng của sự phát triển. Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây những ngành khoa học cơ bản này thiếu đi sức hấp dẫn đối với các thí sinh. Ngành hải dương học của trường đại học khoa học tự nhiên năm vừa rồi chỉ tuyển được 2 sinh viên, ngành khí tượng thủy văn thì mỗi khóa tuyển được trên 10 sinh viên. Với suy nghĩ học khó, cơ hội việc làm ít, thu nhập thấp khiến thí sinh chọn những ngành được cho là “việc nhẹ, lương cao”. Cùng chung cảnh “ế ẩm” tuyển sinh là các ngành nông lâm nghiệp và thủy sản. Khoa thủy sản Học viện nông nghiệp Việt Nam năm ngoái chỉ tuyển được 18 thí sinh, trong khi đó nhiều khoa thủy sản tại các trường đại học khác nhau trên cả nước đã phải đóng cửa vì không có người học. Với thực trạng này việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao của các ngành khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên đã diễn ra chứ không cần phải chờ 5 đến 10 năm tới.
Báo cáo của tổng cục thống kê quý 1 năm 2023 cho thấy lao động tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27,1%, trong khi đó số sinh viên nhập học của các ngành này chiếm chưa tới 2%. Lao động tại khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,9%, trong khi sinh viên kiến trúc, xây dựng chỉ chiếm 3,39%. Rất bất ngờ khi những sinh viên chọn những ngành học được coi là top dưới, khả năng tìm kiếm việc làm và thu nhập sẽ không bằng các nhóm trên; tuy nhiên tại lễ trao bằng tốt nghiệp, các sinh viên đã được chào đón ngay khi vừa nhận tấm bằng tốt nghiệp của mình. Lễ trao bằng tốt nghiệp tại trường đại học giao thông vận tải, trong hội trường các sinh viên đang nhận bằng thì ngay bên ngoài hành lang thì chục công ty đã xếp hàng để chào mời những tân kĩ sư đến làm việc với mình. Phó giáo sư , Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: Nhu cầu về lao động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông là lớn bởi vì hạ tầng được xem là 1 trong 3 đột phá của Đảng đã xác định.
Lợi thế khi học ngành ít thí sinh thi tuyển là điểm đầu vào sẽ không quá cao và khi học sẽ có nhiều ưu đãi. Có tới 50 học bổng khác nhau cho sinh viên ngành địa chất, khí tượng thủy văn, hải dương học. Sinh viên Vũ Hoàng Lâm, khoa địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Số tiền học bổng khá là ổn, có thể đủ tiền để học cho một năm. Với lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản hiện mức học phí đang ở mức thấp nhất trong các ngành đào tạo, học phí cả 4 năm chỉ hơn 40 triệu đồng. Tại khoa thủy sản của học viện nông nghiệp có ít nhất 40 doanh nghiệp luôn xếp hàng để nhận sinh viên ngay khi ra trường.
Thí sinh cần nghe tư vấn của các trường về ngành học và cơ hội làm việc sau khi ra trường (ảnh minh hoạ)
Có rất nhiều con đường dẫn đến thành công, điều quan trọng là nổ lực từ bản thân. Công việc sẽ chiếm một phần lớn thời gian trong cuộc đời của mỗi người, vì vậy chọn ngành, chọn nghề cũng giống như chọn một đôi giày vừa chân và thoải mái với mình; không nên đi theo xu hướng mà cần phải có sự phù hợp với năng lực, sở thích, thế mạnh của mỗi người.
>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9