Tại nhiều sân bay Đông Nam Á, hợp tác công tư đã thay đổi hoàn toàn cách thức du lịch, từ các tính năng thông minh đến việc liên kết những ứng dụng thanh toán kỹ thuật số.
Du khách chụp ảnh lưu niệm với mô hình rồng lượn đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM. Nguồn ảnh: T.T.D.
Thành công đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 đặt nền tảng vững chắc cho mục tiêu tham vọng của Việt Nam là đón 18 triệu du khách quốc tế vào năm 2024. Sự tự tin vào con số này đang ngày càng được củng cố với những số liệu của quý 1/2024.
Có một cách để Việt Nam vượt qua được các giới hạn tăng trưởng chính là mô hình hợp tác công tư (PPP).
Mục tiêu mà các dự án hợp tác công tư tại nhiều sân bay Đông Nam Á hướng đến là kết nối liền mạch và nâng cao tiện nghi cho du khách. Và đây cũng là con đường Việt Nam tiếp tục khai thác để dẫn dắt ngành du lịch trong năm nay.
Thêm sự tham gia của khối tư vào ngành du lịch Việt Nam sẽ được thúc đẩy, đặc biệt hiệu quả nếu tập trung vào ba trụ cột chính gồm chính sách thị thực và quan hệ hợp tác xuyên biên giới tạo thuận lợi cho trải nghiệm du lịch liền mạch, phát triển các tiện ích kỹ thuật số để đảm bảo kết nối từ đầu đến cuối cho du khách, và cuối cùng là nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Hoạt động đáng chú ý khác là Việt Nam tích cực ký kết các thỏa thuận song phương với các quốc gia khác để thúc đẩy hợp tác du lịch, mở rộng kết nối hàng không bằng cách thiết lập các tuyến bay mới, và tăng số chuyến bay thẳng đến các điểm đến mới nổi.
Du khách nước ngoài thích thú xay lúa, xay ngô bên thềm nhà của người Mông - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Câu chuyện Đà Nẵng với gần 2 triệu du khách quốc tế đến thăm vào năm 2023, tăng 4,2 lần so với năm 2022, đang gây chú ý. Hiếm ai biết đây là kết quả mở rộng kết nối hàng không giữa các địa phương.
Cùng với sự gia tăng về kết nối vật lý, các giải pháp kỹ thuật số cũng cần được cải thiện. Có hơn 70% du khách hiện nay lựa chọn tự tổ chức chuyến đi của mình thông qua các nền tảng du lịch trực tuyến.
Bằng cách hợp tác với những công ty phát triển các công cụ kỹ thuật số, Việt Nam có được những hiểu biết sâu sắc về sở thích và xu hướng của du khách để phục vụ họ tốt hơn.
PPP ở Việt Nam đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng - một yếu tố quan trọng cho trải nghiệm du lịch. Bên cạnh nguồn vốn truyền thống, đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị và năng lượng.
Một tin vui đến vào cuối năm 2023 khi Chính phủ ban hành nghị quyết thí điểm nâng mức vốn nhà nước tham gia các dự án PPP lên 70% tại một số lĩnh vực nhất định, so với mức 50% ban đầu. Đây là một bước tiến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào các dự án PPP.
Tuy nhiên, số lượng dự án PPP mới còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải, bên cạnh đó còn tồn tại những thách thức trong việc chuẩn bị dự án, phân bổ rủi ro và khung pháp lý. Để duy trì đà phát triển, các doanh nghiệp du lịch có thể đóng góp chuyên môn và tham gia vào các dự án PPP có yêu cầu cao.
Ngành du lịch Việt Nam sẵn sàng bứt phá trong năm nay với sự hỗ trợ kết hợp của các chính sách mới và các sáng kiến ứng dụng công nghệ. Và bằng việc mở ra cơ hội cho tư nhân cùng tham gia, du lịch Việt Nam có thể nâng cao sức cạnh tranh và đạt được tăng trưởng bền vững.
Nguồn: Tuổi Trẻ
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9