Nhìn nét mặt hân hoan, rạng rỡ của các bậc cao niên, tôi thoáng nghĩ, dẫu đã qua cái dốc bên kia cuộc đời, nhưng dường như người già vui Lễ Mừng thọ cũng “ngây ngô” như con trẻ háo hức ngày sinh nhật về.
Tổ chức Lễ mừng thọ được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được gìn giữ và phát huy
Ở quê tôi, vào mùng 4 Tết Nguyên đán, khi mọi chộn rộn lo toan ngày Tết đã qua, những cuộc thăm chúc đầu năm cũng dần vãn, chính quyền địa phương tổ chức Lễ Mừng thọ cho các cụ, chuẩn bị một ngày Lễ trang trọng, chu toàn nhất cho các bậc cao niên.
Truyền thống “kính lão đắc thọ” của dân tộc - theo cùng sự phát triển của nền kinh tế và sự tiến bộ của xã hội - dường như ngày càng trở nên được chú trọng hơn. Được tận hưởng sự no ấm của ngày hôm nay khiến người ta biết ơn nhiều hơn công dưỡng dục trong khốn khó của đấng sinh thành ngày trước.
Nguồn gốc của Lễ Mừng thọ được cho là bắt nguồn từ thời vua Tự Đức. Tương truyền rằng, vào thế kỷ 19, vua Tự Đức ban một sắc lệnh huy động những trai đinh trong độ tuổi 18 – 55 phải đi lao. Lệnh vua ban khó bề trốn tránh, thế nhưng những người lớn tuổi trong làng ai cũng e ngại bởi lao dịch vốn “đi dễ, khó về”. Hiểu tâm lý đó, đồng thời cũng muốn tri ân những người lớn tuổi trong làng, viên quan Chánh tổng Ngãi Âm, người làng Hàm Dương, tổng Ngãi Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay là làng Hàm Hương, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã tìm cách chống lệnh vua ban bằng việc ra quyết định: Phàm những người đến tuổi 55 vào dịp Tết Nguyên đán sẽ ra trình lão. Bởi theo luật, những người đã lên trình lão sẽ không còn bị bắt đi lao dịch, không còn phải lo sợ bỏ xác nơi đất khách quê người.
Người cao tuổi Làng k130, xã Tiến Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh được tổ chức Lễ mừng thọ nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020
Hàng thế kỷ trôi qua, kể cả trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, tục lệ tốt đẹp và nhiều ý nghĩa này vẫn được dân làng Hàm Dương duy trì đến ngày hôm nay. Theo thời gian, tục lệ này cũng dần được lan rộng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là những tỉnh thành thuộc khu vực miền Bắc vì tính nhân văn và ý nghĩa cao đẹp của nó. Bởi theo quan niệm dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được phúc lớn trời ban. Vì có phúc nên mới được sống lâu và có con cháu đề huề, mừng thọ chính là mừng cái phúc ấy. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được có thêm niềm vui, niềm tự hào.
Những nghi lễ trong tục Mừng thọ ngày nay vẫn được gìn giữ như thuở xưa. Điểm khác biệt duy nhất là càng ngày độ tuổi các cụ được mừng thọ lại càng tăng lên, bởi khác với ngày xưa “thất thập cổ lai hy”, với điều kiện sống như hiện nay thì độ tuổi 55 không còn được xem là “hiếm hoi” nữa. Lễ Mừng thọ thường được tổ chức vào khoảng từ ngày mùng 4 cho tới ngày mùng 10 Tết Nguyên đán tại nhà văn hóa hoặc đình làng tùy theo những nghi thức, phong tục truyền thống của mỗi địa phương. Trong buổi lễ, ông bà sẽ mặc trang phục trang trọng, thường là y phục khăn đóng, đi hài, áo quần màu đỏ hoặc màu vàng tùy mức tuổi thọ.
Chương trình văn nghệ trong Lễ Mừng thọ
Lễ Mừng thọ ở quê tôi thật rộn ràng và thiêng liêng. Ngay từ 6g sáng, loa phát thanh của các khối phố đã phát nhạc mừng cũng như kêu gọi các gia đình đến nhà văn hóa để cùng chung vui với các bậc bô lão. Xuân Canh Tý này, gia đình tôi làm lễ mừng Cụ tôi thượng thượng thọ tuổi 90, ông Nội tôi thượng thọ tuổi 80. Sáng mùng 4 Tết, Cụ tôi và ông tôi đều thức dậy sớm hơn mọi ngày, nét mặt rạng rỡ hẳn lên trong màu áo dài đỏ. Vẫn bỏm bẻm nhai trầu, cụ và ông không ngừng cười để lộ hai hàm răng đen nhánh ra chiều rất vui vẻ, cũng không quên thúc giục con cháu chuẩn bị thật nhanh để cùng cụ đi đến nhà văn hóa đúng giờ. Đã rất lâu rồi tôi mới thấy cụ và ông vui như thế, nhanh nhẹn hẳn lên và có nét gì đó tự hào lắm.
Những chén rượu đầu xuân chúc các cụ sống lâu trăm tuổi
Dọc cả con đường quê hôm ấy cũng xôn xao hẳn lên, bầu không khí như ấm sực giữa tiết trời đông xám xịt. Tôi có cảm giác như với các cụ, bây giờ mới đích thực là “vui như Tết”. Không chỉ riêng cụ và ông tôi háo hức mà các cụ khác được con cháu dắt dìu cũng tươi cười động viên chúc mừng nhau, màu áo đỏ áo vàng rực rỡ như lời chúc phúc may mắn cho câu đùa vui cũng là câu hứa hẹn: “Ta cố gắng sống vui sống khỏe với con cháu thêm chục năm nữa để lại được mừng thọ linh đình thế này.”
Thông thường, theo tục lệ, sau Lễ Mừng thọ chung tại nhà văn hóa, con, cháu về tổ chức mừng thọ tại gia đình cho bố mẹ, ông bà. Ông bà được bố trí ngồi nơi trang trọng, con cháu lần lượt đến kính cẩn dâng rượu và đào, kính lễ cha mẹ, ông bà rồi đến tiệc mừng thọ. Trong tiệc này, ngoài con cháu trong gia đình, còn có họ hàng nội ngoại gần xa và khách đến chúc mừng, chứng kiến niềm hạnh phúc của các cụ và con cháu. Truyền thống tốt đẹp này của dân tộc càng làm cho những ngày Xuân thêm phần ấm cúng, vui vẻ và cái Tết thêm phần ý nghĩa hơn.
Sau Lễ Mừng thọ tập thể, các cụ sẽ được con cháu rước về nhà để làng xóm, bà con đến chúc thọ và chia vui
Để bày tỏ lòng biết ơn đến những người cao tuổi, ở quê tôi, bên cạnh những lời chúc phúc, bậc con, cháu thường tặng kèm cho các cụ những lá bùa cầu may, những bức trướng thêu chữ, những câu đối cũng như những vần thơ hay như một sự tri ân tới bậc sinh thành. Những món quà dẫu đơn sơ mộc mạc, những lời chúc phúc dù ngắn gọn hay dạt dào cũng đều hàm chứa sự vui mừng của con cháu khi cha mẹ, ông bà vẫn còn hiện diện trên cõi đời và tấm lòng cầu chúc bố mẹ, ông bà sống lâu, sống khỏe để làm chỗ dựa cho con cháu.
Sự trưởng thành của mỗi người chúng ta là nhờ công sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Trân trọng và thành kính lớp người cao tuổi bằng những việc làm thiết thực như việc mừng thọ chính là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Trong không khí thiêng liêng của những ngày đầu năm mới, Lễ mừng thọ bên cạnh việc thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với người cao tuổi còn có ý nghĩa thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên và mừng thọ cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở có trước có sau với người đời, với xã hội.
Trang Anh