Công nghệ in ấn hiện đại đang vô tình tiếp tay cho nạn sách lậu. Chỉ cần scan một bản sách mới ra đời, người ta có thể in lại sách mới với chất lượng gần bằng 90% bản sách gốc. Nhưng sách lậu không chỉ là sách in lậu…
Sách lậu bày bán trên vỉa hè (Nguồn: báo SGGP)
Sách lậu có thể in lại bằng cách chế bản mới, thiết kế bìa mới nhưng cũng có loại photocopy y chang sách gốc bằng công nghệ chụp phim cao cấp. Sách lậu còn là sách dạng tập tin PDF được lưu hành trên mạng, hoặc là dạng sách nói được lưu thành tập tin âm thanh chép vào ổ nhớ lưu động (USB) để dùng trên xe hơi, hoặc lưu hành trên mạng (có thu phí)…
Chiêu thức bán hàng: giảm giá khủng!
Trong quá trình in lậu lại một cuốn sách, các người ta sửa giá gốc thành giá mới rất cao. Khi rao bán sách lậu, họ thông báo giảm từ 50 đến 70% giá bìa. Chiêu thức giảm giá này đánh vào tâm lý của rất nhiều đối tượng đọc sách và những kẻ làm hàng lậu rất thành công. Vì sao?
Thông thường, khi nhìn thấy giá cao in trên bìa sách, người tiêu dùng dường như có sự tin tưởng đây là hàng chất lượng, đây là hàng thật. Nhưng kết quả khảo sát của những đơn vị xuất bản gần đây cho thấy, nhiều cuốn sách best-seller của họ tổ chức bản thảo và công phu xuất bản được rao bán trên mạng là sách lậu. Những cuốn sách lậu ấy sao chép không khác gì sách thật.
Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 2 năm 2017 và 2018, đơn vị này đã xử phạt 838 triệu đồng đối với 13 tổ chức và 6 cá nhân vi phạm pháp luật về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.
Tháng 5/2019 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống in lậu trung ương đã phát hiện và xử lý một cơ sở kinh doanh sách ở phố Trần Bình (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tàng trữ trên 16.500 bản sách không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp.
Những cuốn sách được làm giả phổ biến là sách kỹ năng mềm, kỹ năng ứng xử như: Đắc nhân tâm, sách học ngoại ngữ, sách học kinh doanh. Các loại sách tài liệu dạy ngoại ngữ hoặc sách luyện thi các loại chứng chỉ ngoại ngữ được làm giả rất nhiều lần.
Ngay đến sách giáo khoa cũng bị làm giả. Mùa hè là thời điểm mà các nhóm làm giả sách giáo khoa hoạt động mạnh để tung sách ra dịp đầu năm học mới. Một bộ phận phụ huynh học sinh gia cảnh còn khó khăn thường chọn mua sách giáo khoa giá rẻ, có nơi tổ chức bán trên lề đường như hình thức bán sách cũ. Sách văn học của các tác giả bán chạy như Nguyễn Nhật Ánh, hoặc các sách dịch nổi tiếng cũng bị làm giả với hàng chục phiên bản.
Sách lậu có thể làm giả tinh vi giống y sách thật
Kẻ hở in ấn, kẻ hở pháp lý
Để in ấn một lượng sách lớn cần có giấy phép, cần phải di chuyển nguồn giấy in và vận chuyển sản phẩm đến các nơi phân phối. Những việc này khó có thể qua mắt được cơ quan chức năng, nhưng vì sao sách lậu vẫn tồn tại?
Theo các nhà chuyên môn, đối tượng làm hàng sách lậu cấu kết với nhiều nhân viên biến chất để làm giả các quyết định xuất bản, qua mặt nhà in. Đó có thể là các quyết định xuất bản đã hết hiệu lực để in vượt số lượng. Đó cũng có thể là các quyết định xuất bản làm giả con dấu nhưng các cơ sở in không nhận ra.
Thủ đoạn in ấn của các đối tượng tổ chức làm sách lậu rất tinh vi. Họ phân chia các công đoạn làm sách ở nhiều địa điểm khác nhau, xa nhau. Sau đó gia công, hoàn thiện cũng ở nhiều nơi và được phân tán nhanh về các điểm phân phối tung ra thị trường. Bên cạnh đó, thương mại điện tử còn nhiều kẻ hở, bất cập trong quản lý cũng vô tình tiếp tay cho sách lậu.
Sách lậu được bán trên mạng từ các fanpage lập ra với nick nặc danh để qua mặt cơ quan quản lý. Sách lậu nhiều khi vô tình được các trang thương mại điện tử chào bán vì hoa hồng cao.
Theo các chuyên gia xuất bản, hiện mức xử phạt nạn sách lậu vẫn chưa đủ sức răn đe. Hệ thống văn bản, chế tài xử lý của pháp luật chưa thật đầy đủ; khung hình phạt đối với hành vi thực sự chưa nghiêm khắc.
Đơn cử, theo quy định của Bộ Luật Hình sự hiện hành có cả khung hình phạt tù lẫn phạt hành chính khiến cho việc áp dụng, xử lý thường được chuyển sang phạt hành chính (từ 20 triệu đến 200 triệu đồng). Đồng thời, mới chỉ có chế tài đối với hành vi in lậu mà chưa quy định đối với hành vi phát hành sách in lậu, sách giả. Trong khi lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ sách lậu là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm thì những khoản phạt này là không đáng kể.
Sách lậu được bán với giá chỉ bằng khoảng 30 - 40% giá sách thật (Nguồn: internet)
Không tiếp tay cho hành vi ăn cắp
Chúng ta đã hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia công ước Berne, công ước bảo hộ quyền tác giả (Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2004), sách lậu là một tình trạng không thể chấp nhận được và nếu không xử lý triệt để sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại trong tương lai.
Làm sách lậu là ăn cắp. Những đối tượng làm sách lậu ăn cắp tài sản tri thức. Và vì thế, mua sách lậu, sách giả là tiếp tay cho bọn ăn cắp, là dùng hàng trộm cắp.
Chúng ta khuyến cáo văn hóa đọc nhưng tình trạng sách lậu tràn lan sẽ làm điêu đứng ngành xuất bản, phát hành sách. Thiệt thòi quyền lợi nhất là người đọc, người học.
Chính vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước nên rà soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, in trái phép, tàng trữ, tiêu thụ sản phẩm in giả… sao cho đầy đủ, bao quát được thực tiễn, với chế tài xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe cao để các đối tượng không dám vi phạm.
Phú Trang