Họ là những người say mê trò chơi dân gian đến nỗi không thể quên, không thể từ bỏ, mà mang nó theo trong suốt cuộc đời.
Anh Lê Xuân Tùng
Lê Xuân Tùng - nghệ nhân tò he tài hoa
Quê hương ở ngoại thành Hà Nội, Lê Xuân Tùng lớn lên trong ngôi làng mà người lớn, trẻ nhỏ đều biết nặn tò he. Ngồi nhìn ông bà nặn “con giống bột” hay “bánh chim cò” (người quê anh gọi tò he như thế) để cúng lễ, cái say mê, háo hức muốn tự tay tạo hình những trâu, bò lợn, cá... ngấm vào người lúc nào không biết. Đến khi trưởng thành, hiểu được trò chơi nặn tò he trong lũy tre làng kia chính là một nét văn hóa dân gian độc đáo, anh đã lặn lội đem nghệ thuật và cái hồn quê giản dị này đi khắp nơi.
Hành trình ấy bắt đầu từ cuộc xuôi nam đến thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2001, đem những con tò he đến khắp các trường học, lễ hội vừa làm, vừa bán, vừa giới thiệu. Đến nay, người miền Nam chẳng còn lạ lẫm với tò he mà còn xem đó là một loại hình nghệ thuật tạo ra món đồ chơi đẹp đẽ, có khả năng kích thích trí tưởng tượng của trẻ nhỏ. Không những thế, sản phẩm của anh còn được lên sóng truyền hình, các kênh internet, chu du đến các nước Pháp, Đức, Newzealand... chinh phục trái tim bạn trẻ khắp thế giới.
MC Phương Hiếu thán phục sản phẩm tò he làm theo mẫu MC Quỳnh Hoa - người kết nối chương trình
Thời điểm các bạn trẻ châu Âu ồ lên thích thú, chào đón sản phẩm tò he cũng là khoảnh khắc anh không thể nào quên. Nó còn hơn cả sự ghi nhận cho những năm tháng “làm nghề” trong cần mẫn và đam mê. Trình độ nặn tò he của anh giờ đã được liệt vào hàng nghệ nhân. Chỉ cần những cục bột màu dẻo làm từ bột nếp nấu chín, một cái lược, một que tre là đã đủ nguyên vật liệu để bắt tay tạo hình.
Nhân vật của anh có thể là những hình tượng quen thuộc trên truyền hình hay chính là người đối diện đang tò mò tìm hiểu về tò he. Nhanh nhất trong 30 giây hoặc nhiều nhất là 4 phút, những động tác tay thuần thục như múa đã cho ra đời một tò he đứng trên que tre, tác phẩm nghệ thuật sinh động mang đậm hồn quê Việt.
Phùng Quang Oánh –người đam mê tạo hình rối nước
Ông Phùng Quang Oánh
Làm nghề đã 25 năm, ông tự nhận mình là người đã quá “say đắm” với nghề tạo hình rối nước. Cái say được gieo mầm từ các lễ hội miền Bắc những ngày xa xưa, khi lũ trẻ con lon ton theo mẹ đi xem múa rối nước, một hình thức giải trí dân gian mùa nông nhàn do các phường rối tổ chức thi thố với nhau.
Những con rối bằng gỗ sung có màu sắc tươi tắn, được điều khiển “diễn” lại các trò chơi, những điển tích vui nhộn trong nhịp trống chiêng khua vang giòn giã trên mặt nước ao làng đã in sâu vào ký ức tuổi thơ, hình thành niềm khát khao được làm ra những con rối nước ấy. Cả cuộc đời ông, dù là khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Nhạc họa, hay đến nay trên đầu đã hai thứ tóc, chỉ có duy nhất một sở thích không đổi đó.
Những sản phẩm con rối nước ở xưởng điêu khắc của ông Oánh
Vào lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, ông đem cả cái tài nghệ của mình theo. Nghề làm rối nước là nghề duy nhất ông làm vì đam mê bởi bản thân sản phẩm rối nước không thể thương mại hóa. Nó được mua để thay thế cho các con rối đã hỏng hoặc làm quà lưu niệm cho khách nước ngoài.
Nghệ thuật múa rối nước ở miền Nam cũng chỉ trình diễn ở một vài nơi như Nhà hát múa rối Rồng vàng, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam và một vài điểm diễn của tư nhân, nên nhu cầu sản xuất con rối không nhiều.
Ấy vậy mà ông vẫn làm. Làm để lưu giữ lại hình tượng văn hóa dân gian, không để cho nó mai một. Để con cháu đời sau có cái tự hào, có thể nhìn thấy lịch sử thông qua những hiện vật sống động ấy. Ông đã làm như lời dặn dò của người cha “Có thể lưu giữ bao nhiêu thì làm bấy nhiêu”.
Nguyễn Ngọc Công Danh và nghề biểu diễn Lân Sư Rồng
Thành phố Hồ Chí Minh có hơn một trăm đoàn múa lân sư rồng, trong đó có đoàn Phước Anh Đường do anh Nguyễn Ngọc Công Danh sáng lập và hoạt động trên mười năm. Điểm đặc biệt là đoàn lân của anh không xuất phát từ một võ đường mà là tập hợp những người đam mê múa lân với quân số nhiều nhất lên đến 30 người.
Anh Nguyễn Ngọc Công Danh, người sáng lập đoàn lân Phước Anh Đường
Từ niềm đam mê tuổi thơ đối với loại hình múa lân như bất cứ đứa trẻ nào, Danh có duyên được vào tập luyện trong một đoàn lân sư rồng từ khi 12 tuổi. Đến năm 18 tuổi, anh quyết định thành lập đoàn lân của riêng mình, để được làm điều mình mong muốn là lưu giữ và sáng tạo nét đẹp cho loại hình nghệ thuật dân gian này.
Múa lân sư rồng tuy được du nhập từ nước ngoài nhưng đã được Việt hóa từ các thế võ đến bài múa. Điển hình có bài múa lân trên cà kheo – bài diễn sáng tạo riêng có của Việt Nam. Trong các bài múa thì múa lân trên giàn Mai Hoa Thung, lân leo cột là khó nhất. RiêngMai Hoa Thung, một sân khấu đặc biệt được tạo từ 24 cọc sắt cao từ 1,2 mét trở lên, tượng trưng cho cuộc đời của con người vượt qua khó khăn để đạt được điều tốt đẹp.
Phước Anh Đường biểu diễn múa lân trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”
Tuy thị trường cho múa lân sư rồng không nhiều, chủ yếu là dịp lễ, Tết Nguyên đán, trung thu và lễ khai trương, động thổ... nhưng đoàn lân Phước Anh Đường vẫn đứng vững vàng và khẳng định đẳng cấp của mình qua nhiều giải thưởng ở các cuộc thi trong nước và quốc tế. Đó là hiện thực hóa một giấc mơ, một đam mê chưa bao giờ từ bỏ của Nguyễn Ngọc Công Danh.
Những con người tâm huyết với văn hóa, nghệ thuật dân gian đa phần không sống bằng nghề. Nhưng họ sẵn sàng chấp nhận con đường chông gai, làm nhiều việc khác nhau để nuôi dưỡng đam mê, để nét đẹp đó được giữ gìn và sống mãi.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi