Gắn bó với màn ảnh truyền hình từ hơn 40 năm qua, NSND Minh Vương cho rằng sự nghiệp nghệ thuật của ông may mắn có được sự đồng hành đáng quý của HTV.
NSND Minh Vương đã có 14 năm ngồi ghế giám khảo cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” và có hàng trăm lần tham gia chương trình Vầng trăng cổ nhạc, cải lương, giới thiệu bài ca cổ mới
Từ giải Khôi Nguyên vọng cổ đến danh hiệu NSND
Ôn lại nhiều kỷ niệm khó quên về giải Khôi Nguyên vọng cổ, ông tâm sự: “Giải Khôi nguyên vọng cổ năm 1964 cho tôi ý thức giữ gìn phong cách ca diễn chừng mực, khuôn thước, giữ cho câu vọng cổ sang trọng, nền nã, đúng chuẩn một danh ca. Ban giám khảo đã dựa theo tiêu chí chấm giải của cuộc thi này, để áp dụng cho việc bốc thăm chọn bài ca vọng cổ chung kết xếp hạng của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ”.
NSND Minh Vương cho biết: “Nhờ tinh thần hăng say trong lao động nghệ thuật mà tôi đã nỗ lực để có nhiều vai diễn được công chúng ngưỡng mộ như: Nguyễn Trãi (Rạng ngọc Côn Sơn), Hai Phước (Pha lê và cát bụi), Minh (Tô Ánh Nguyệt), Võ Minh Luân (Đời cô Lựu). Có được những thành công đó, tôi nhớ ơn thầy tôi, nhạc sĩ Bảy Trạch và nhạc sĩ NSND Văn Giỏi - cả hai đã giúp tôi rèn luyện giọng ca. Về diễn xuất, tôi cảm phục tinh thần chịu khó, luôn tìm tòi sáng tạo của thế hệ đi trước, trao truyền cho chúng tôi, để trên nền tảng kiến thức mà thầy đã đúc kết trong quá trình gần 60 năm gắn bó với sân khấu, tôi đã áp dụng và trao truyền lại cho đàn em”.
NSND Minh Vương, Bạch Tuyết, Lệ Thủy trong vở "Đời cô Lựu"
NSND Minh Vương là một trong số ba nghệ sĩ được UBND TP. Hồ Chí Minh gửi văn bản đề nghị Trung ương xem xét, đặc cách việc phong tặng danh hiệu NSND đối với ông và hai nghệ sĩ ưu tú: Thanh Tuấn, Giang Châu. Ba nghệ sĩ tài danh đã có nhiều cống hiến nhưng không đủ số lượng huy chương nên bị “đánh trượt” trong đợt phong tặng. Ngay sau khi đón nhận danh hiệu tại thủ đô Hà Nội, NSND Minh Vương đã tâm sự: “Tôi biết ơn lãnh đạo TP.HCM và Sở VHTT TP.Hồ Chí Minh đã hành động kịp thời. Hôm nay, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến cố Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu. Chính chị đã chủ trì việc xét chọn để chúng tôi được đón nhận danh hiệu trong niềm vui và vinh dự”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng chứng nhận danh hiệu cho NSND Minh Vương ngày 29/8/2019 tại Hà Nội
Tiếp tục làm điểm tựa cho đàn em
NSND Minh Vương chia sẻ thêm, đối với ông, nhận danh hiệu NSND là niềm tự hào. Qua đó, các nghệ sĩ đón nhận cũng đều nhận thức rõ trách nhiệm phải tiếp tục lao động không ngừng để xứng đáng với tình thương yêu của công chúng và sự ghi nhận của đất nước, nhân dân. “Tôi xem đó là trách nhiệm và bản thân người nghệ sĩ phải đồng hành, dìu dắt, tiếp lửa cho các thế hệ diễn viên trẻ. Vừa qua, tôi và NSND Thanh Tuấn đã ngồi trong Hội đồng nghệ thuật cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2019. 14 năm qua, tôi gắn bó với cuộc thi này và chiếc nôi nghệ thuật này đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của cả nước về việc giữ gìn sự chuẩn mực của bài vọng cổ. Đối với sân khấu cải lương đã hơn 100 năm hình thành và phát triển, tôi mong nhà nước hãy đề ra chiến lược bảo tồn, phát huy, đừng để bộ môn này bị mai một” – NSND Minh Vương mong muốn.
NSND Minh Vương và các diễn viên của CLB Sân khấu Lạc Long Quân nhận được chỉ đạo của Sở VHTT TP.Hồ Chí Minh đưa chương trình Sân khấu học đường đến trường học, khởi đầu cho 50 suất diễn trong năm học 2019 – 2020. Theo NSND Minh Vương, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nghệ thuật sân khấu truyền thống nước ta đang gặp khó khăn. Chính vì thế đưa sân khấu vào học đường nhằm thu hút một thế hệ khán giả trẻ tiếp cận, hiểu về nghệ thuật dân tộc, tạo dựng một tầng lớp công chúng đến với sân khấu truyền thống. NSND Minh Vương đã cố vấn cho CLB Sân khấu Lạc Long Quân dàn dựng hai vở: “Trần Quốc Toản ra quân” và “Triệu Thị Trinh” để lưu diễn quanh các trường học trong năm 2019.
NSND Minh Vương, Lệ Thủy và nhà báo Thanh Hiệp (ảnh Huỳnh Quý)
“Mục đích của chương trình này là tăng cường giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, giáo dục những hiểu biết về văn hóa - xã hội thông qua việc giới thiệu những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, đồng thời giảng dạy các kiến thức về bộ môn nghệ thuật cải lương, kịch nói và những ca khúc mang âm hưởng dân ca, cho các em học sinh các trường phổ thông trung học cơ sở, nhằm tạo ra một đội ngũ công chúng trẻ có hiểu biết, có nhận thức đúng, thẩm thấu được những cái hay, cái đẹp, những giá trị tinh hoa của nghệ thuật dân tộc” – NSND Minh Vương nhấn mạnh.
NSND Minh Vương và NSND Thanh Tuấn trong chương trình "Nghệ sĩ và sàn diễn"
NSND Minh Vương đặt kỳ vọng về một thế hệ trẻ tiếp nối đàn anh đi trước, ông nói: “Tôi thấy thú vị trước đánh giá của lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh trong đêm kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, là bộ môn nghệ thuật cải lương rất hào sảng, nghĩa hiệp, lạc quan, luôn tỏa sáng và soi đường để làm giàu đẹp nhân cách con người dù bất kỳ thời đại nào. Hiện nay, dự án “Sáng đèn cải lương” nhằm bảo tồn và phát huy loại hình sân khấu truyền thống dân tộc và tạo thói quen đến rạp xem biểu diễn nghệ thuật cải lương của công chúng, đồng thời giới thiệu đến khán giả những vở cải lương kinh điển, dưới sự hỗ trợ và tạo điều kiện của UBND TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hồ Chí Minh về mặt kinh phí.
Tôi vui mừng khi Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã dàn dựng các kịch bản cải lương kinh điển, vang bóng một thời như: Giấc mộng đêm xuân, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Nhân danh công lý, Lê Công kỳ án, Bàn thờ Tổ một cô đào… với lực lượng nghệ sĩ hùng hậu của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và các nghệ sĩ tài danh bên ngoài nhằm biểu diễn phục vụ miễn phí công chúng. Đây cũng là cách để cứu sàn diễn và tạo ra một lượng khán giả trẻ cho bộ môn nghệ thuật đã hơn 100 tuổi này. Tôi nghĩ các diễn viên đoạt giải CVVC cũng nên tích cực tham gia, góp phần mang lại hiệu quả nghệ thuật phục vụ công chúng”.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp