Quốc hội nhất trí thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 29/6/2024, 15:16

(HTV) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, trong phiên làm việc sáng nay tại hội trường, với 454 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt 93,42%, Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Luật, các đại biểu cũng biểu quyết lấy ý kiến về hai phương án liên quan đến quy định về trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng Bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận Bảo hiểm xã hội một lần. Kết quả, có 456/470 đại biểu có mặt biểu quyết lựa chọn Phương án 1.

Theo đó, người lao động có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 01/7/2025), sau 12 tháng không tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng Bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được rút Bảo hiểm xã hội một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành sẽ không được rút Bảo hiểm xã hội một lần nữa. Báo cáo tiếp thu, giải trình Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nêu rõ phương án được đa số đại biểu lựa chọn cũng là phương án có nhiều ưu điểm hơn, bảo đảm tính kế thừa quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội nên sẽ hạn chế gây xáo trộn trong xã hội.

Về lâu dài, người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong một số trường hợp đặc biệt nên sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách Nhà nước sau này ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.

Tuy có quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mong muốn người lao động yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động cần tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức lưu ý Chính phủ trong thời gian tới cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như có chính sách tín dụng phù hợp.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gồm 11 chương, 141 điều, (tăng 1 chương và 5 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình; tăng 2 chương và 16 điều so với Luật hiện hành) cùng 9 nhóm điểm mới.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: