Quy định mới về xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú

6/4/2024, 09:58

Chính phủ mới ban hành Nghị định số 35/2024/NĐ-CP ngày 02/4/2024 quy định về xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.

Chính phủ mới ban hành Nghị định số 35/2024/NĐ-CP ngày 02/4/2024 quy định về xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân (NGND), nhà giáo ưu tú (NGƯT).

Nhiều thay đổi trong xét công nhận danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú

Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, so với Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng NGND, NGƯT, nghị định vừa ban hành có một số điểm mới nhằm giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua, đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục...

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP quy định các thành tích để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT phải đạt được trong thời gian công tác trong ngành giáo dục. Cá nhân được hưởng lương và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT tại đơn vị đó.

Cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục trong thời gian giữ chức vụ quản lý, có tham gia nuôi dạy, giảng dạy đủ định mức tối thiểu theo quy định thì được tính thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy và được quy đổi theo các mức cụ thể.

Căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của từng đối tượng, loại hình cơ sở giáo dục có tính chất tương đồng, Nghị định 35 chia thành 7 nhóm đối tượng thống nhất ở cả tiêu chuẩn NGND và tiêu chuẩn NGƯT để xây dựng tiêu chuẩn theo 7 nhóm đối tượng, tạo sự mạch lạc trong văn bản cũng như sự tôn vinh của cấp học, bậc học đó và thuận lợi cho các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện nghị định.

Bổ sung tiêu chuẩn cho đối tượng đặc thù 

Một điểm mới đáng chú ý trong Nghị định 35 là xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Cụ thể, thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của chính phủ được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Bổ sung tiêu chuẩn đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục có 15 năm trở lên liên tục công tác tại các trường, điểm trường ở vùng xa xôi hẻo lánh thuộc thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, vận động được nhiều người học đến trường và duy trì sĩ số học sinh được cấp huyện khen thưởng.

Lý giải về thay đổi này, Bộ GD-ĐT cho rằng: thực tế qua 16 lần xét tặng cho thấy, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giảng dạy học sinh khuyết tật, công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được phong tặng còn rất ít, chưa phản ánh hết những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thầy giáo, cô giáo công tác tại môi trường đặc thù.

Do vậy, việc điều chỉnh về tiêu chuẩn, thời gian trực tiếp giảng dạy tạo động lực để các nhà giáo tiếp tục phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao hơn trong giảng dạy, giáo dục, góp phần đưa giáo dục vùng khó khăn chuyển biến tích cực.

Bổ sung tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo

Nghị định 35 bổ sung một số tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo. Cụ thể như biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng… để thể hiện năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và tính lan tỏa, ảnh hưởng của nhà giáo tại địa phương nơi công tác.

Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi, bổ sung danh hiệu giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi… vì thực tế trong ngành giáo dục còn có danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi, giảng viên nghiệp vụ sư phạm giỏi, giáo viên, giảng viên đoạt giải tại các kỳ thi, cuộc thi, hội thi cấp bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên... Các quy định về nội dung, tiêu chuẩn, hồ sơ, thẩm quyền tổ chức hội thi của các hội thi này là tương đương nhau.

Đối với tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ, hiện nay không phải trường đại học nào, ngành học nào cũng được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ, nhất là đối với các trường đại học tư thục, trường đại học trực thuộc địa phương. Vì vậy, Bộ GD-ĐT khi soạn thảo nghị định trình Chính phủ đã đề xuất thay thế thành tích đào tạo tiến sĩ đối với các ngành, trường không được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng thành tích hướng dẫn học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú.

Nhà giáo hướng dẫn sinh viên, nhóm sinh viên đoạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường hoặc nhà giáo có đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải (hoặc khen thưởng) cấp trường trở lên… nhằm tạo điều kiện cho các nhà giáo thuộc trường đại học thuộc địa phương, tư thục có cơ hội tham gia xét tặng.

Nghị định cũng quy định rõ về sáng kiến để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy hoặc quản lý và có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh.

Rút gọn quy trình xét tặng

Bộ GD-ĐT cũng phân tích, nghị định số 35 cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình, thời gian, cụ thể hóa các tiêu chí theo hướng định lượng tiêu chuẩn, tạo thuận lợi cho các đối tượng được xét tặng, cũng như các cấp hội đồng.

Chỉ còn 3 cấp hội đồng (cấp cơ sở; cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đại học quốc gia; cấp nhà nước). Không quy định việc thành lập hội đồng xét tặng tại các cơ sở giáo dục, đơn vị; việc lấy phiếu tín nhiệm, hướng dẫn khai hồ sơ, xác nhận hồ sơ, đánh giá uy tín, tầm ảnh hưởng của nhà giáo sẽ do hội đồng thi đua - khen thưởng đơn vị thực hiện nhằm giảm bớt 1, thậm chí có hồ sơ nhà giáo giảm được 2 cấp hội đồng trong quá trình xét tặng.

Nguồn: Thanh Niên

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 đã chọn ra 27 ứng viên xuất sắc nhất để vinh danh. Đây là các nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia marketing, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc đã đóng góp cho sự phát triển bền vững.
(HTV) - Thương hiệu dẫn dắt bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tận dụng sức mạnh của thương hiệu để thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.
(HTV) - Xây dựng thành phố thông minh là vấn đề được đưa ra lần đầu tiên vào khoảng đầu thế kỷ 21. Ở giai đoạn đầu, được quan tâm nhất là các thiết bị công nghệ, xây dựng chính quyền số, thì những năm qua trọng tâm đã chuyển sang các nền tảng xã hội số.
(HTV) - JBL Việt Nam vừa ra mắt ba mẫu tai nghe TWS mới – JBL Tour Pro 3, JBL Tune Beam 2 và JBL Wave Beam 2, với công nghệ âm thanh tối tân, chất lượng chống ồn đỉnh cao và thiết kế hiện đại, mang đến trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời cho người dùng.
(HTV) - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị lần thứ 2, Khóa XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029, thống nhất các tờ trình quan trọng và tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc.
(HTV) - Quốc hội thảo luận về những đổi mới trong hoạt động chất vấn và giám sát, nhấn mạnh tính minh bạch và hiệu quả trong các dự án luật sửa đổi.
(HTV) - Quốc hội vừa nghe báo cáo về dự án sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh.