(HTV) - Hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023), trường Đại học Văn hóa TP.HCM phối hợp với trường Đại học Osaka tổ chức toạ đàm khoa học quốc tế.
Kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, tọa đàm khoa học quốc tế: "Giao lưu học thuật giữa các nhà nghiên cứu của trường Đại học Văn hóa TP.HCM và Đại học Osaka Nhật Bản" đã nhìn lại các thành tựu nghiên cứu, quan hệ hợp tác Việt Nam và Nhật Bản trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Tọa đàm thu hút hơn 30 bài tham luận từ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Nội dung đa dạng và phong phú từ việc đúc kết những thành quả, kết quả giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, đến việc giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu, độc đáo của hai quốc gia, đặc biệt, vấn đề ngôn ngữ Hán Nôm được các nhà nghiên cứu quan tâm.
Toạ đàm khoa học quốc tế: "Giao lưu học thuật giữa các nhà nghiên cứu của trường Đại học Văn hóa TP.HCM và Đại học Osaka Nhật Bản"
"Nhật Bản đã dùng chữ Nôm của mình để mà tạo ra loại chữ căn cứ theo chữ Hán. Việt Nam cũng dùng chữ Nôm của mình căn cứ theo chữ Hán, thế nhưng ngôn ngữ của Việt Nam đơn lập, ngôn ngữ Nhật Bản chấp dích, do đó cấu trúc chữ Hán Nôm của Việt Nam giống như rubic, xoay chuyển trong khối rubic đó phi tuyến tính. Còn riêng đối với Nhật Bản, cấu trúc tuyến tính theo chiều dài giống như lắp ráp toa xe. Rất thú vị khi nghiên cứu hai dòng chữ Nôm này", PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Việt Nam học, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Trung ương nhận định.
Ở góc độ chính sách, các diễn giả cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản về cơ chế thu hút đầu tư. Cụ thể là đưa mảng văn hóa vào Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, qua đó sẽ cụ thể hóa được chính sách liên quan đến thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030.
"Riêng TP.HCM có một điều đặc biệt là TP.HCM được thực hiện theo cơ chế đặc thù, trong đó chúng ta được thực hiện phát triển văn hóa theo hình thức đối tác công tư. Tôi mong trong thời gian tới, chúng ta cụ thể hóa bằng những chính sách cụ thể để ngành công nghiệp văn hóa của TP.HCM có cơ hội phát triển tốt hơn", Tiến sĩ Nguyễn Hồ Hải Phong, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP.HCM cũng nhận định rằng: "Buổi tọa đàm cũng là dấu ấn bước đầu để nâng tầm cho việc hợp tác về trao đổi giảng viên, sinh viên, tọa đàm, nghiên cứu khoa học cũng như các công trình nghiên cứu khác nữa, để giúp cho giảng viên, sinh viên hai trường hiểu biết nhau hơn".
Các đại biểu tại tọa đàm
Nhiều tham luận tại tọa đàm cũng đề xuất những giải pháp thiết thực cho sự hợp tác sâu rộng hơn nữa cho sự phát triển của trường Đại học Văn hóa TP.HCM và Đại học Osaka Nhật Bản trong giai đoạn mới trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, truyền thông và xuất bản, di sản văn hóa và du lịch.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9