45 năm vinh dự được phục vụ người dân trên thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, HTV đã ghi dấu ấn bằng sự vươn lên mạnh mẽ, được gây dựng bởi nhiều thế hệ đầy tinh thần sáng tạo và tự chủ nối tiếp nhau, xây dựng nên nhiều chương trình mang màu sắc nổi bật.
Hình ảnh chương trình “Giai điệu tình thương”
Ngày 01/5/1975, những tín hiệu đầu tiên của chương trình vô tuyến truyền hình cách mạng đã lên sóng trên thành phố Sài Gòn vừa được giải phóng, đánh dấu mốc son trong tiến trình phát triển của nền báo chí nước nhà. Trải qua 45 năm đồng hành cùng sự phát triển, đổi mới của đất nước và Thành phố Anh hùng, đội ngũ HTV đã không ngừng nỗ lực, liên tục khẳng định bản lĩnh của một đơn vị chủ lực trên lĩnh vực truyền thông của Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Với rất nhiều chương trình mang dấu ấn riêng, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, HTV đã góp phần tích cực tuyên truyền phổ biến và động viên nhân dân tham gia thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, quảng bá hình ảnh của Thành phố và của đất nước, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam.
Táo quân
Ra mắt lần đầu tiên tại Việt Nam trên HTV9 vào đêm giao thừa năm Nhâm Tuất, 24/1/1982, Táo quân trở thành chương trình được mong đợi nhất vào đêm giao thừa từ ngày lên sóng đến nay.
Chương trình hài kịch phát sóng trong đêm cuối năm âm lịch và kết thúc đúng vào thời khắc giao thừa, với nhân vật chính là Táo quân - người tổng hợp những sự việc chính xảy ra trong năm. Thông qua Táo quân, các “vấn đề nóng” của xã hội đã được minh họa khéo léo, cụ thể, như ngầm lên tiếng bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công bằng, góp phần chấn chỉnh những hạn chế hay tiêu cực đang diễn ra trong xã hội từng thời kỳ.
Trong nhà ngoài phố
Ra đời những năm 1980, chương trình Trong nhà ngoài phố nhanh chóng được nhiều khán giả yêu thích và trở thành một “thương hiệu” riêng của HTV. Đây cũng là một trong những chương trình có “tuổi thọ bền nhất” với hơn 15 năm lên sóng và hàng trăm vở kịch.
Có thể nói, sự thành công của Trong nhà ngoài phố lúc bấy giờ, đã gợi nguồn cảm hứng cho nhiều chương trình kịch nói trên truyền hình về sau này. Tuy nhiên, đầu năm 2003, chương trình đã tạm ngưng phát sóng, để lại không ít tiếc nuối cho khán giả màn ảnh nhỏ cũng như những nghệ sỹ đã từng làm nên thành công cho chương trình này.
Cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình HTV
Là cuộc đua xe đạp đầu tiên được một Đài truyền hình tại Việt Nam tổ chức, với mục đích đẩy mạnh phong trào xã hội hóa thể thao và kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Ra mắt lần đầu vào tháng 04/1989 với lộ trình rất ngắn (TP.HCM - Đà Lạt và quay ngược lại), nhưng chỉ sau đó 2 năm (năm 1991), Cúp Truyền hình đã được Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam công nhận nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia.
Từ lần đua thứ năm (1993), Cúp Truyền hình lần đầu tiên có lộ trình xuyên Việt. Cho đến nay, Cúp Truyền hình đã trở thành một sự kiện quan trọng được mong đợi mỗi tháng Tư về.
Hình ảnh trong “Cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình HTV”
Trải qua 31 năm hình thành và phát triển, cuộc đua không ngừng lớn mạnh về quy mô, thay đổi linh hoạt về nội dung và hình thức, trở thành một cuộc đua chuyên nghiệp có quy mô toàn quốc, quy tụ tất cả các đội đua mạnh nhất cả nước cũng như sự tham dự của nhiều vận động viên xe đạp quốc tế.
Trong khoảng thời gian ấy, ngoài việc cổ vũ cho phong trào thể thao bằng loại hình xe đạp ở mọi miền đất nước, Cúp Truyền hình còn truyền tải những thông điệp nhân văn về sự đoàn kết, tinh thần đồng đội, các hoạt động cộng đồng, sự trải nghiệm văn hóa lịch sử trên mỗi chặng đường mà đoàn đua đã đi qua thông qua nhiều hoạt động “Về nguồn”, thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng quà cho đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Ký sự truyền hình
Ngay từ khi thành lập (18-10-1991), Hãng phim Truyền hình TFS của HTV đã đặt ra mục tiêu cần có phim truyền hình ở lĩnh vực phim tài liệu và phim truyện. Một đặc điểm mà phim truyền hình có được là đem đến cho người xem những thông tin và hình ảnh ở ngay trên màn ảnh nhỏ tại nhà. Đây là một lợi thế mà TFS đã tận dụng khi làm các bộ phim tài liệu không chỉ dưới góc độ chính luận mà còn dưới góc độ văn hóa du lịch hay ký sự, du ký. Nhiều bộ phim được ra đời như: Trường Sơn hùng tráng, Ký ức Điện Biên, Đất chín rồng, Paris hoa lệ, Du lịch Cu Ba, Trung Hoa du ký… Hành trình gần 30 năm thực hiện ký sự truyền hình, TFS đã trở thành đơn vị mở lối tiên phong, khai phá phương pháp thể hiện thể loại ký truyền hình đầu tiên tại Việt Nam.
Đặc biệt, bộ phim Mekong ký sự năm 2006 - thành công vang dội đã tạo bước đột phá cho thể loại này. Tiếp nối Mekong ký sự, các bộ phim: Ký sự hỏa xa - Hành trình xuyên lục địa, Ký sự Amazon, Huyền bí sông Hằng, Hành trình theo chân Bác, Trở lại Volga, Bên dòng Missisipi, Ký sự Tân Đảo, Hành trình theo dấu ba vua, Chinh phục đỉnh Everest… mở nhiều góc nhìn về cuộc sống cho người xem, được các nhà làm phim tài liệu trong nước và bạn bè quốc tế nhìn nhận, đánh giá cao và được nhiều Đài truyền hình trong khu vực mua bản quyền phát sóng.
Đoàn làm phim “Mê Kông ký sự” tại Thượng nguồn Mê Kông
Với không gian đề tài rộng, phong phú (không chỉ trong nước mà cả nước ngoài), đề tài văn hóa, lịch sử, truyền thống... TFS đã góp vào sóng truyền hình của HTV và cả nước nhiều ký sự hấp dẫn, mới lạ. Nhiều bộ ký sự thu hút được số lượng lớn người xem bởi dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống và cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho khán giả xem truyền hình. Tính hấp dẫn của thể lọai sản phẩm này chính là hơi thở cuộc sống và thời đại, liên quan đến vận mệnh của đất nước, của nền văn hóa dân tộc, của khát vọng hùng cường cháy bỏng từ bao đời nay. Đó chính là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn của những người làm nghề ở Hãng phim Truyền hình TFS của HTV.
Ngôi sao tiếng hát truyền hình
Cuộc thi ca hát đầu tiên trên sóng truyền hình tại Việt Nam được HTV tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 1991. Ngay từ ngày đầu tổ chức, cuộc thi này đã mang tính định hướng thẩm mỹ lành mạnh, không chỉ là nơi để các thí sinh thể hiện tài năng mà đã trở thành sân chơi bổ ích, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả yêu ca hát trên khắp mọi miền đất nước.
Gần ba mươi năm tổ chức, Ngôi sao tiếng hát truyền hình (nay là Tiếng hát truyền hình) ngày càng được nâng tầm về quy mô, được đầu tư nâng cao chất lượng, ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp và đã lựa chọn được nhiều giọng ca triển vọng cho màn ảnh nhỏ và phong trào ca hát trong cả nước.
(Còn tiếp)
Văn Nguyễn