Trong số thứ 5, "Chuyện 25 giờ" đã lựa chọn chợ đầu mối Thủ Đức để ghi lại những câu chuyện xoay quanh cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đây, trong đó có bà lão tóc bạc bán trái cây dạo và người đàn ông hối tiếc vì không sinh được con.
Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức vào buổi sáng
Nếu như ở các chợ khác 6 - 7 giờ người dân mới bắt đầu đi chợ để chuẩn bị cho bữa ăn gia đình, thì với những người lái buôn của chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, họ đã phải bắt đầu từ 1 - 2 giờ đêm hôm qua.
Làm việc từ khuya đến sáng sớm nhưng các tiểu thương ai nấy cũng còn tươi rói. Theo lời chị Thanh - một tiểu thương bán trái cây thì họ mãi lo buôn bán để mưu sinh nên cũng đã quên đi cái mệt.
Các tiểu thương bắt đầu công việc từ khuya
Tấp nập vào những ngày rằm nhưng có một số chủ gian hàng vẫn lo lắng. Anh Chia (Bạc Liêu) than thở hai ngày qua anh bán lỗ vốn là vì chợ vào ngày cúng không bán sầu riêng được. "Bon chen kiếm sống vậy chứ có ngày kiếm được vài trăm, có ngày thì trớt quớt. Bán được vài năm chắc anh cũng về quê làm ruộng. Ở đây mệt quá", anh cho biết.
Bà lão bán trái cây dạo mong ước có chuồng heo để... ở
Ngoài những tiểu thương lớn thì cũng có người bốc vác hàng, người chạy xe ba gác, người chuyển trái cây cho khách, có người phải đi quãng đường xa để lấy hàng về bán... Trong đó có bà Nguyễn Kim Bé, một mình đi xe buýt từ Bình Dương về chợ để lấy trái cây bán gần trường học, kiếm đồng ra đồng vào.
Ấy vậy mà bà nuôi đến hai người bệnh dù đã gần 70 tuổi. Bà nói: "Đâu phải tôi mua vậy là xong, về nhà phải xào mắm ruốc bán kèm trái cây. Một mình tôi bán phải nuôi hai người bệnh". Một người là chồng bà bị tai biến, người còn lại là cháu nội bị não bẩm sinh.
Bà Kim Bé bán trái cây dạo nuôi chồng và cháu
Nói về người cháu, bà cho biết khi vừa sinh ra, người mẹ thấy cô bé có tật nên bỏ lại trong bệnh viện Từ Dũ. Thấy bé tội nghiệp nên bà bồng về nuôi. Bây giờ đã 22 tuổi nhưng cô bé chỉ biết mừng thôi chứ không biết đòi gì.
Còn người chồng bị tai biến do bà đã bán nhà để chữa trị cho ông nên giờ ông vẫn đi tới đi lui được. Mỗi khi bà đi lấy hàng để hai ông cháu ở nhà tự giữ với nhau. Sau khi bà đi chợ về sẽ nấu cơm cho họ ăn. Buổi chiều bà đẩy xe trái cây ra vòng xoay gần trường học để bán, tới 8 - 9 giờ bà mới về nhà. Bà cho biết bán trái cây chỉ để sống qua ngày, có bữa sáng bán rồi chiều về trả tiền hết, nên đôi khi bà cũng không có tiền.
Bà chỉ ước có một chuồng heo nho nhỏ để... ở
Đối với nhiều người, niềm hạnh phúc của họ là chỉ cần thấy con mình chạy nhảy, thì với bà Kim Bé, mỗi ngày khi về nhà chỉ cần được thấy hai sinh mệnh kia đòi ăn cơm hay uống thuốc là bà đã mãn nguyện lắm rồi. Bà chia sẻ: "Ông trời đã sắp đặt sẵn, cuộc sống phải có người giàu, người nghèo. Tôi cũng không có gì hối tiếc hết. Giờ tôi chỉ mong ước có cái chuồng heo nho nhỏ cũng được, ở để đỡ... tốn tiền mướn hàng ngày".
Người công nhân vệ sinh và những điều tiếc nuối của tuổi trẻ
Câu chuyện thứ hai là của chú Trần Văn Quý thuộc đội vệ sinh của chợ. Lúc 7g sáng, ê-kíp Chuyện 25g gặp được chú Quý đang ngồi chờ anh em tập hợp để đúng 8g bắt đầu công việc.
Theo quy định của chợ, đúng 12g trưa mọi người không được phép buôn bán nữa thì cũng là lúc đội vệ sinh bắt đầu tăng tốc. Gặp lại chú Quý vào giờ nghỉ trưa của đội. May mắn hơn những anh em trong đội, chú Quý được vợ dở cơm mang theo suốt 11 năm qua. Hạnh phúc vì được vợ chăm sóc, được làm công việc phù hợp, thế nhưng với chú, có những điều tiếc nuối mà chỉ khi thời gian quay trở lại mới có thể giúp chú mà thôi.
Ông Quý là công nhân vệ sinh tại chợ đầu mối
Nói về khó khăn trong công việc của mình chú Quý cho biết, mỗi mùa có một cái cực riêng. Mùa nóng thì mau làm mình mệt nhưng dọn dẹp sạch sẽ hơn. Thêm nữa là gió bay quá nên dọn xong phải quay lại dọn tiếp rác nhỏ. Mùa mưa thì chú phải mặc áo mưa, có thể nghỉ khi đụt mưa, nhưng rác thấm nước hốt nặng hơn, mùi cũng hôi hơn. Thế nhưng, miễn chú có đồng thu nhập, công việc lương thiện để nuôi vợ là được.
Trong cuộc sống, điều chú tiếc nuối nhất là hồi trước chú cũng được đi học đàng hoàng. Đi nghĩa vụ quân sự xong về làm biếng không chịu học nghề để có nghề nghiệp vững vàng, lương cao hơn. Thứ hai là chú không có con được. Chú cười chua xót chia sẻ: "Đôi khi mình cũng tủi vì thấy ai về già cũng có con cái lo, nhưng thôi cái số mình nó vậy rồi. Lỡ có nằm xuống không biết ai lo...".
Ông tiếc nuối về tuổi trẻ đã qua
Đã qua rồi thời thanh niên trai trẻ, là một anh bộ đội vừa xuất ngũ, chú Quý giờ đây chỉ mong mình mãi là người chồng tốt. Chứ còn mong có đứa con để la rầy, có đứa gọi ba ơi thì thật khó làm sao.
Đón xem chương trình thực tế "Chuyện 25 giờ" phát sóng lúc 15g thứ bảy hàng tuần trên kênh HTV7.
Phi Giao