Đạo diễn Hoàng Duẩn đến với sân khấu của HTV từ năm 1994 trong vai trò đạo diễn, và vở múa rối đầu tiên phát sóng là "Ta là hổ đây". Từ đó đến nay, anh vẫn thường xuyên cộng tác với HTV trong rất nhiều chương trình sân khấu kịch, cải lương.
Nhiều tiết mục trong chương trình "Siêu thị cười", đặc biệt là chương trình "Chuyện 4 mùa" - một đặc sản của HTV do Hoàng Duẩn (bìa phải) làm đạo diễn với đề tài khá phong phú, nội dung sinh động, bám sát thực tiễn cuộc sống đang nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả.
Chào đạo diễn Hoàng Duẩn. Anh có thể chia sẻ về cơ duyên đến với công việc làm đạo diễn chương trình “Chuyện 4 mùa” của HTV?
Trước đây, tôi đã từng công tác với HTV qua các chương trình: Kịch nói, Cải lương, Vườn âm nhạc, Sân khấu thiếu nhi… sau đó là chương trình Siêu thị cười. Vốn tôi thích nhìn cuộc sống dưới lăng kính hài hước, vui vẻ, châm biếm sâu sắc (Hoàng Duẩn đã từng nhận giải thưởng Cù Nèo Vàng đạo diễn 2011 - PV) nên khi làm Siêu thị cười, tôi rất thích. Là một đạo diễn, và nhà biên kịch, tôi thích nhìn cuộc sống dưới lăng kính hài hước, lạc quan, hơn là nhìn nó dưới ánh mắt bi kịch. Và những tác phẩm tôi làm điều mang những giá trị thực tiễn nhất định, không hô hào suông, cũng không quá lố, thích chạm đến cuộc sống thực tế nhiều hơn. Có lẽ nhìn thấy điều đó nên các anh, chị biên tập và lãnh đạo Ban Văn nghệ đã mời tôi cộng tác chương trình Chuyện 4 mùa.
Chuyện 4 mùa mang bản sắc rất riêng của HTV (trước đây là Trong nhà ngoài phố), thu hút sự quan tâm của mọi người. Những vở diễn Chuyện 4 mùa không chỉ “cười”, “khóc” mà còn đưa đến cho khán giả những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, những suy ngẫm rất thực tế hiện nay. Để làm được điều đó, các tác giả, đạo diễn phải cập nhật thông tin, những vấn đề nóng trong cuộc sống hàng ngày, kịp thời nắm bắt được những định hướng phát triển của thành phố nói riêng và xã hội nói chung để rồi đưa nó thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Đạo diễn Hoàng Duẩn trong một chương trình Giao lưu nghệ thuật dành cho thương bệnh binh và người có công tại Long Đất. Đây cũng là sự kiện anh đưa sinh viên đi thi kết thúc học phần
“Chuyện 4 mùa” là chương trình có bề dày nhưng đang đứng trước áp lực rất lớn do sự xuất hiện của hàng loạt chương trình hài thực tế trên truyền hình. Áp lực này có ảnh hưởng đến anh?
Áp lực là có thật, không chỉ riêng cho Duẩn mà cả ê-kíp thực hiện. Hàng loạt chương trình hài xuất hiện trong thời gian gần đây với mức cát - xê rất cao trả cho các nghệ sĩ nổi tiếng, sân khấu được thiết kế hoành tráng đẹp mắt, được phát sóng vào giờ đẹp nên thu hút được nhiều khán giả đón xem. Chuyện 4 mùa không dồi dào kinh phí bằng, nhiều kịch bản muốn mời diễn viên nổi tiếng tham gia cũng rất khó khăn,…đó là những áp lực của những người làm Chuyện 4 mùa.
Tuy nhiên, nói về độ “hot”, “nóng” thì có lẽ chương trình Chuyện 4 mùa có một vị trí đặc biệt trong lòng khán giả, hơn nữa độ “sạch sẽ, tươm tất” cũng là yếu tố làm nên bản sắc riêng của chương trình. Chuyện 4 mùa không chỉ là những câu chuyện hài châm biếm mà còn là những vấn đề nóng của xã hội được xây dựng dưới nhiều thể tài khác nhau: hài kịch, chính kịch, bi kịch... chính vì vậy nên nghệ sĩ khi tham gia cũng cảm thấy mình có trách nhiệm trong đó, trách nhiệm trong từng câu thoại, hành động... không buông thùa, dễ dãi.
Chúng tôi vừa thu hình các vở diễn về việc “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhân 50 năm thực hiện di chúc của Bác, hay những vở liên quan đến chủ trương “Xây dựng thành phố văn minh, không xả rác, giảm ngập nước”. Nghe thì có vẻ to tát nhưng thực ra, đó chính là những việc làm tốt hàng ngày, những việc nhỏ hàng ngày chứ không phải điều gì cao siêu.
Đạo diễn Hoàng Duẩn quen thuộc với khán giả truyền hình HTV qua các chương trình như: Kịch thiếu nhi, Trong nhà ngoài phố, kịch dài, cải lương, Bác Ba Phì thời @, Siêu thị cười, Chuyện 4 mùa
Anh có thể chia sẻ về những đổi mới của chương trình thời gian qua để lôi cuốn khán giả?
Thời gian gần đây, Chuyện 4 mùa đã được lãnh đạo Ban Văn nghệ của HTV quan tâm nhiều hơn, có những định hướng về mặt nội dung và hình thức nên chương trình đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, kể cả các anh, chị em nghệ sĩ. Lực lượng nghệ sĩ tham gia chương trình trong thời gian vừa qua ngày càng đông, không chỉ là các nghệ sĩ gạo cội mà có sự tham gia của các diễn viên trẻ. Số lượng nghệ sĩ trong năm qua khi tham gia chương trình đã lên đến con số trên dưới 40 nghệ sĩ, diễn viên. Rất mừng là nhiều diễn viên trẻ mong muốn tham gia chương trình này, cho dù họ vẫn có nhiều show trong các chương trình khác.
Theo Hoàng Duẩn, cuộc sống sung túc và thành công của một vài nghệ sĩ không thể dùng để đánh giá cho tất cả số đông
Bên cạnh việc tăng cường đội ngũ diễn viên, tôi cùng với các anh, chị biên tập, đạo diễn hình, họa sĩ thiết kế… và các thành viên tham gia sản xuất tìm tòi hướng phát triển cho Chuyện 4 mùa. Đó là phải bám sát thực tiễn xã hội, phản ánh những vấn đề nóng mà xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, những người làm chương trình phải luôn có tính dự báo trong sáng tác và dàn dựng.
Trong vấn đề dàn dựng, chúng tôi chú ý đến việc làm sao cho hài hòa giữa chủ đề tư tưởng, chủ trương, định hướng và yếu tố giải trí, để sau những tiếng cười, những giọt nước mắt sẽ đọng lại “cái gì đó” trong lòng khán giả. Tiếng cười phải nhắm tới: cười mà đau, cười mà thấm, cười mà suy ngẫm. Ngoài những kịch bản chúng tôi đề cập “thẳng” vào các vấn đề nóng của xã hội thì cũng có kịch bản chúng tôi sử dụng hình thức “tá cổ luận kim”, dùng chuyện xưa trong những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích để nói đến về vấn đề hôm nay. Với những vở diễn bi kịch, chính kịch thì vấn đề chúng tôi cũng nhìn nhận ở góc độ vừa phải, đủ để suy ngẫm, không quá nặng nề.
Hoàng Duẩn (bìa phải) cùng bà xã (bìa trái) khi tham gia chương trình “Phụ nữ quyền năng”
Với vai trò là Thạc sĩ – giảng viên tham gia giảng dạy tại: Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh; Văn hóa Nghệ thuật Quân đội…và một nhà nghiên cứu về sân khấu, trăn trở của anh về sân khấu nói chung, hài kịch nói riêng?
Sân khấu nói chung hiện nay đang gặp khó khăn, cả về địa điểm biểu diễn, chất lượng vở diễn, và đời sống của nghệ sĩ. Cuộc sống sung túc và thành công của một vài nghệ sĩ không thể dùng để đánh giá cho tất cả số đông những người chọn con đường sống con đường “sống với ánh đèn sân khấu”. Rất nhiều nghệ sĩ sân khấu phải chạy sang phim truyện và các loại hình khác để nuôi “máu sân khấu” của mình, nhưng không phải ai cũng thành công và có vị trí ổn định. Sân khấu sàn diễn đang trải qua giai đoạn rất khó khăn.
Sàn diễn sân khấu hài hàng đêm thì ít đi, điều đó ai cũng thấy. Sân khấu hài trên truyền hình hiện nay nhiều về số lượng nhưng chất lượng thì chưa hẳn đã tỷ lệ thuận. Khi nhiều chương trình chạy theo số lượng người xem, thì đòi hỏi những người làm chương trình, nhất là chương trình hài phải “cao tay” thì mới hạn chế bớt những “hạt sạn”.
Xin cám ơn anh!
Minh Đăng. Ảnh: NVCC