Bài dự thi "LAN TỎA CÙNG HTV": Đạo diễn Lư Trọng Tín và hành trình cùng “Starup Việt”

“Startup” hay “Khởi nghiệp” là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong những năm gần đây. Vậy "Startup Việt" – bộ phim tài liệu do TFS sản xuất có nội dung như thế nào? Phóng viên Tạp chí HTV đã có cuộc gặp gỡ với đạo diễn Lư Trọng Tín.

Đạo diễn Lư Trọng Tín

Thưa anh, được biết từ tháng 3/2019, TFS tiến hành triển khai thực hiện bộ phim tài liệu "Startup Việt". Với vai trò là đạo diễn của bộ phim này, anh có thể cho phóng viên được biết bộ phim đã được hình thành như thế nào?

Để mở đường cho phong trào khởi nghiệp quốc gia, ngay từ phiên họp thường kỳ của Chính Phủ vào ngày 4/5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đệ trình mục tiêu này với phương châm “Cách mạng công nghiệp đồng nghĩa với tư duy khởi nghiệp và sản sinh ra thế hệ khởi nghiệp mới. Khởi nghiệp là mệnh lệnh của Cách mạng công nghiệp và là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo”. Đến ngày 3/4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức công bố chương trình “Quốc gia khởi nghiệp”. Từ sự kiện đó, chúng tôi có ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu về chủ đề này để ghi nhận hành trình khởi nghiệp của các bạn trẻ Việt Nam. 

Bắt đầu từ tháng 03/2019, đoàn làm phim TFS tiến hành thực hiện phần tiền kỳ của bộ phim (ghi hình). Tuy nhiên, để có thể ghi hình được, trước đó tôi và biên tập viên Nguyễn Mỹ Khanh đã mất thời gian khá dài để chuẩn bị, từ khâu lên ý tưởng, viết kịch bản, gặp gỡ các cố vấn chuyên môn cho đến việc tiếp cận các nhà Startup Việt để có thể chọn lọc được những vấn đề tiêu biểu, những nhân vật đại diện đưa vào trong phim. Đến nay sau hơn 3 tháng ghi hình, cơ bản chúng tôi đã thực hiện xong phần tiền kỳ.

Phỏng vấn startup Võ Viết Hoàng Vũ

Đến tháng 7 chúng tôi sẽ tiến hành phần hậu kỳ (dựng hình, viết lời bình, hòa âm…) và dự kiến sẽ hoàn thành bộ phim vào tháng 10/2019 để trình chiếu trên sóng HTV. Bộ phim gồm 6 tập, mỗi tập có độ dài 20 phút. Mỗi tập một chủ đề, khi xâu chuỗi lại sẽ phát họa nên bức tranh về vấn đề "Startup Việt” trong quy trình vận hành của thế giới. Bức tranh tổng thể chỉ ra hướng đi, hướng phát triển để có được những hoạt động khởi nghiệp tốt nhất trong tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay. 

Có thể nói, trong những năm gần đây, từ các diễn đàn kinh tế, những cuộc hội nghị lớn cho đến các giảng đường, trường học hay ngay cả quán nước vỉa hè… đâu đâu chúng ta cũng nghe bàn luận về “Startup”, vậy phim tài liệu Startup Việt của anh phản ảnh nội dung gì?

Bộ phim không bó buộc phản ảnh một hay hai vấn đề của chủ đề khởi nghiệp mà nội dung của bộ phim Startup Việt do chúng tôi thực hiện sẽ xoay quanh các vấn đề hiện hữu của các Startup Việt Nam hiện nay. Đó là những câu chuyện, những cung bậc cảm xúc, thành công, thất bại, đặt biệt là góc nhìn của tất cả các thành viên trong hệ sinh thái “Khởi nghiệp đổi mới – sáng tạo”, về vấn đề và giải pháp cho các Startup Việt. 

Phỏng vấn Startup Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Bắt đầu từ câu hỏi “Startup là gì?”, chúng tôi đi tìm lời đáp từ những người dân bình thường cho tới sinh viên, các bạn trẻ đang startup (khởi nghiệp), các chuyên gia, các quỹ đầu tư, các nhà quản lý nhà nước... Từ đó đặt vấn đề cần phải có định nghĩa đúng về startup và theo định nghĩa này thì hiện nay Việt Nam có bao nhiêu phần trăm là startup thật sự? Tại sao định nghĩa về startup cần phải được thống nhất, truyền thông đúng và ảnh hưởng của nó thế nào đến chiến lược phát triển của quốc gia khởi nghiệp? 

Thông qua bộ phim, chúng tôi mong muốn đưa khán giả từng bước thâm nhập vào “Hệ sinh thái Startup” sáng tạo sôi động từ hơn 10 năm trước cho tới ngày nay, từ thành phố lớn tới các miền quê. Xung quanh các Startup trên khắp miền đất nước còn có hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia cùng đồng hành, hỗ trợ. Đoàn làm phim chúng tôi cũng đã tiếp cận rất nhiều bạn trẻ đang và chuẩn bị khởi nghiệp ở Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động khởi nghiệp rất đa dạng ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề. Trong từng lĩnh vực các bạn trẻ dấn thân, các bạn đều tìm cho mình một hướng đi mới, ứng dụng công nghệ mới của thời đại số. 

Ghi hình mô hình sáng tạo của các em học sinh về thành phố tương lai tại trường ARKKI

Khi nền kinh tế số đã và đang kết nối toàn cầu thì biên giới địa lý các lãnh thổ, các quốc gia không còn rõ rệt, chính vì vậy, đoàn làm phim chúng tôi không chỉ tiếp cận các bạn trẻ Việt, các Startup Việt mà chúng tôi còn chứng kiến sự giao thoa của các Startup Việt với các Startup đến từ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin, Myanmar, Singapore, Ấn Độ… còn có cả các Startup đến từ các nước vùng Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy ngay tại đất nước Việt Nam. 

Khi thực hiện bộ phim tài liệu Starup Việt, điều gì để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong anh?

Có chứng kiến tinh thần Việt Nam, trí tuệ Việt Nam của các Startup Việt tại cuộc gặp gỡ 500 Startup các nước ở Hà Nội do Tổ chức UNDP – Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, thì mới thấy tự hào về những bạn trẻ Việt Nam. Chính các Startup Việt trẻ sẽ là những người dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên số trong tương lai sắp tới. 

Phỏng vấn Startup đến từ Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Thông qua bộ phim tài liệu này, tôi hi vọng rằng sẽ cung cấp thêm cho cộng đồng Startup Việt Nam những bài học khởi nghiệp từ thực tiễn mà các Startup quốc tế đã trải qua. Và mong muốn khắc họa được một số thành tựu nổi bật của các bạn trẻ đã và đang đóng góp trong chặn đường xây dựng, phát triển và hội nhập cho đất nước trong thời đại công nghệ số.

Cảm ơn anh đã chia sẻ những thông tin thú vị về chuyện làm phim.

Thùy Trang