Ngoài khơi gió cấp 5,6, nhưng chuyến tàu của ê-kíp làm phim “Ký sự biển đảo quê hương” vẫn tiếp tục hải trình. Đó là chuyến đi mà với nhà báo Minh Diệu - cùng những người thực hiện - chỉ có thể là bây giờ, hoặc không bao giờ có được cơ hội nữa.
Biên kịch/nhà báo Minh Diệu trong chuyến làm phim về biển đảo
Ngoài khơi gió cấp 5,6, tất cả tàu ngư dân đều được gọi nhanh chóng trở về đất liền. Nhưng chuyến tàu của ê-kíp làm phim Ký sự biển đảo quê hương của Hãng phim TFS vẫn tiếp tục hải trình đến đảo Long Châu (Hải Phòng). Chuyến đi mà với nhà báo Minh Diệu - cùng những người thực hiện lúc ấy là đạo diễn Lê Phương Nam và chủ nhiệm Hà Thanh Bình - chỉ có thể là bây giờ, hoặc không bao giờ có được cơ hội nữa. Để rồi, khoảnh khắc chị ngất lịm giữa những cột sóng cao bằng ngôi nhà hai tầng ấy, chỉ còn lại ý niệm duy nhất rằng nếu như mình có bề gì, liệu sẽ có ai tìm thấy…
Đẹp nhất khi làm việc
…Khi tỉnh dậy, chị thấy mình nằm trên gờ đá, bốn bề là biển. Núi đá trên đảo một màu xám xịt, lạnh tanh, trước mặt là một ngôi miếu. Đồng nghiệp đã để chị nghỉ ngơi tại đó rồi khẩn trương tác nghiệp. “Định thần lại nhìn ra xung quanh, tôi mới nhận ra mình đang đứng giữa một khung cảnh đẹp đến ngẩn ngơ. Sẽ không dễ có được lần thứ hai trong đời tôi được đến nơi này. Nhờ Trung tá Nguyễn Tiến Dũng - Đồn trưởng đồn biên phòng Cát Bà, Hải Phòng, người đã dày dạn kinh nghiệm đi biển mà cả ê-kíp đã vượt qua được cơn bão, đến với đảo Long Châu. Chúng tôi vừa ghi hình vừa xúc động vì cảnh đẹp, vì những điều thiêng liêng được gìn giữ nới đây và cả hình ảnh của người lính trên đảo. Ngày trở về, tôi đã viết lời bình cho tập phim này rất nhanh, tràn đầy cảm xúc” - nhà báo Minh Diệu chia sẻ.
Minh Diệu cùng các đồng nghiệp Hãng phim TFS trong các chuyến công tác thực hiện "Ký sự biển đảo quê hương"
Nghe chị kể về một trong những chuyến đi nhớ đời trong suốt hành trình thực hiện Ký sự biển đảo quê hương, tôi thật sự nể phục. Hình dung chiếc ca nô lượn trên sóng, nhỏ bé giữa đại dương đang nổi cơn cuồng nộ mà con người thì quá nhỏ bé. Sinh mệnh khi ấy thật mong manh, mới hiểu hết sự dấn thân, lăn xả của một người làm báo hết mình với nghề.
“Một người thầy trong nghề, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn từng nói với tôi rằng, đi làm phim, làm báo không ai nghĩ đến tình huống xấu nhất. Nhưng nếu nó đến thì hãy bình tĩnh đón nhận. Tôi vẫn luôn nhớ và xem đó là phương châm làm nghề của mình” - nhà báo Minh Diệu chia sẻ.
Về công tác tại Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh vào tháng 10/2012, nhà báo Minh Diệu đảm nhận vai trò biên tập phim truyền hình, cùng hỗ trợ làm phim tài liệu. Chị hiện là Phó phòng phim truyện Hãng phim TFS. Khối lượng công việc nhiều, tôi thấy chị lúc nào cũng như con thoi, nếu không liên tục là những chuyến đi sẽ bận rộn với các dự án phim. Chị làm nhiều đến mức khi tôi hỏi, thời gian nào dành riêng cho bản thân, chị đã không trả lời được.
Minh Diệu cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc
“Tôi không biết sau này mình có tuổi hưu không, nhưng một buổi tối không làm việc, tôi thấy mình thật lãng phí thời gian cho buổi tối ấy. Hình như tôi không làm việc là không chịu nổi” - Minh Diệu nói vui. Nhiều đồng nghiệp của chị bảo rằng, Minh Diệu chỉ đẹp nhất khi ra trường quay. Đó là những lúc chị “đầu bù tóc rối”, làm việc không màng ăn uống, có khi ngất xỉu trên hiện trường…
“Vẻ đẹp” ấy là của sự lăn xả, hết mình, yêu nghề, tận tụy. Rất nhiều lần chị vắt kiệt sức mình cho những thước phim. Những hôm cả đoàn phim thức dậy từ 3, 4 giờ sáng để di chuyển và canh cho được cảnh bình minh. Mê mải có khi đến 5 giờ chiều mới ăn bữa trưa là chuyện thường ngày. “Bước chân vào lĩnh vực nào tôi cũng thấy mình đầy đam mê, rực lửa. Nhớ có lần cả đoàn leo lên đỉnh núi Thiên Nhẫn (Nghệ An) để tìm cảnh đẹp, trời nắng nóng đến rạt cả người nhưng tôi lại không thấy mệt. Chỉ có cảm giác hạnh phúc khi được chạm tay vào những trầm tích trăm năm, càng khó khăn vất vả tôi lại càng cảm thấy mình đã chinh phục được bản thân mình” - chị bộc bạch.
Nhà báo Minh Diệu tác nghiệp tại Trường Sa
Tôi cảm nhận được tình yêu lớn chị dành cho nghề. Lúc nào nói về công việc, chị cũng tràn đầy năng lượng, say sưa với những chuyến đi và những dự án mới. Có lẽ chính vì thế mà ở lĩnh vực nào, chị cũng nhanh chóng ghi dấu thành công. Lần đầu tiên ở vai trò đạo diễn kiêm biên kịch, viết lời bình bộ phim tài liệu (2 tập) Trường Sa - Nơi ấy là tình yêu, chị nhận được huy chương bạc Giải thưởng Hội Nhà báo TP. Hồ Chí MInh 2016. Lần đầu tiên viết kịch bản phim truyện truyền hình Bên kia sông, chị và biên kịch Ngô Hoàng Giang (đồng tác giả) nhận ngay giải Cánh diều vàng cho Biên kịch phim truyền hình xuất sắc nhất năm 2018. Những giải thưởng của nghề chị không nhớ hết, nhưng những cảnh quay, những kỷ niệm đẹp trong các chuyến đi, chị bảo: "Tôi lưu tất cả hành trang làm nghề trong tim mình".
Nghề chọn người
“Được làm phim truyện là giấc mơ của tôi từ hồi còn bé. Mọi thứ trong công việc của tôi có lẽ gói gọn trong bốn chữ: đủ duyên sẽ đến. Nhưng để đủ duyên, tôi học đủ thứ để tích lũy kiến thức cho mình: học thư ký trường quay, học về công tác dàn dựng kịch nói, viết kịch bản sân khấu, học quay phim, rồi làm báo, lại rẽ sang làm truyền hình. Có lẽ mọi thứ đều là tiền đề, sắp xếp tất cả để từng bước hiện thực hóa giấc mơ làm phim của tôi. Thời gian 11 năm công tác trong ngành công an, tôi tiếp cận khá nhiều vụ án, những câu chuyện rất đời. Phải cảm ơn quãng thời gian làm báo đã cho tôi nhiều vốn sống, trải nghiệm. Bên kia sông là kịch bản tâm đắc, khi trao đổi với biên kịch Ngô Hoàng Giang hoàn thành ý tưởng, tôi chỉ cần ngồi xuống bàn là viết rất nhanh” - nhà báo Minh Diệu bày tỏ.
Biên kịch Minh Diệu và Ngô Hoàng Giang nhận giải Cánh diều vàng "Phim truyện truyền hình 2018"
Phim truyền hình thời gian qua trội lên chủ yếu là các đề tài về tình yêu, hôn nhân gia đình. Viết các đề tài này có lẽ dễ dàng hơn nhiều, nhưng Minh Diệu bảo, chị… thà chọn viết đề tài hiện thực xã hội còn dễ hơn nhiều. Cứ như thể nghề đã chọn chị cho những phần “gai góc khốc liệt”, chọn một cá tính để gánh vác những “gian khổ dành phần ai”.
Trong kế hoạch sản xuất của Hãng phim TFS, mỗi năm sẽ có ít nhất hai dự án phim truyện, một phim truyền hình Tết. Ngoài kịch bản truyền hình đang viết, Minh Diệu cho biết chị còn ấp ủ một đề tài kịch bản phim điện ảnh, phim ngắn, các đề tài thuộc thể loại phim tài liệu, ký sự... Sắp tới, chị còn dự định viết một quyển sách có tựa đề: Nghề - Nơi dấu chân tôi đi qua. Có lẽ cũng là thời điểm phù hợp để chị ngồi xuống thực hiện một bản thảo cho chính mình.
Ngoài kịch bản truyền hình, Minh Diệu còn ấp ủ rất nhiều dự định
“Người ta hay nói câu: Đằng sau thành công của một người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ”. Nhưng với tôi, có lẽ là ngược lại. Có những lúc tôi thấy mình thật có lỗi với gia đình. Không có nhiều thời gian cho chồng con, thậm chí những dịp sinh nhật chồng, các con hay kỷ niệm ngày cưới, tôi cũng phải đi công tác. Con người mà, đạt được cái này thì không thể đạt cái khác. May mắn tôi đã có được người bạn đời luôn thấu hiểu, lo lắng, yêu thương. Anh thay tôi bên cạnh bảo ban hai con gái nhỏ” - nhà báo Minh Diệu tâm sự.
Nghề báo đòi hỏi sự lăn xả, dấn thân. Phụ nữ làm báo là phải luôn đứng trước những lựa chọn - mà đôi khi đó đã là vận nghiệp. “Mệt nhoài vì công việc tôi không sợ, nhưng rất sợ cảm giác một mình giữa bốn bức tường trắng toát của khách sạn xứ lạ quê người mà nhớ con, cảm giác đơn độc kinh khủng. Đã không biết bao lần tôi khóc thầm giữa đêm rồi sáng sớm gạt nước mắt đi tiếp” - chị kể.
Đó, có lẽ là những khoảnh khắc yếu lòng hiếm hoi của Minh Diệu mà tôi được biết. Còn thì, những vất vả cơ cực, những nguy hiểm của công việc chị cũng không bao giờ chia sẻ với gia đình. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp vẫn nhìn thấy một Minh Diệu hài hước, “trâu bò” và vô cùng lạc quan.
Bùi Tiểu Quyên