Trong lĩnh vực báo hình, một tác phẩm chất lượng chuyển đến khán giả luôn là công sức của cả tập thể, trong đó có những bộ phận mà công việc của họ khá thầm lặng. Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh là một điển hình như thế.
Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng là một đơn vị “âm thầm” đóng góp cho các chương trình của HTV
Trong lĩnh vực báo hình, một tác phẩm chất lượng chuyển đến khán giả luôn là công sức của cả tập thể, trong đó có những bộ phận mà công việc của họ khá thầm lặng. Bằng trình độ chuyên môn và tâm huyết, họ miệt mài đóng góp và trở thành mắt xích không thể thiếu để một chương trình được chuyển tải trọn vẹn đến người xem. Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh là một điển hình như thế.
Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng là một trong những đơn vị trực thuộc ra đời từ những ngày đầu thành lập Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, và đồng hành cùng chặng đường phát triển của HTV suốt hơn bốn thập kỷ qua. Từ lúc mang tên gọi cũ là Đài Phát sóng, đến năm 2005 sáp nhập với Phòng Phát hình và được đổi tên là Truyền dẫn Phát sóng, cho đến khi tách bộ phận Phát hình khỏi Trung tâm và giữ nguyên tên gọi đến ngày hôm nay, Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng đã trải qua nhiều giai đoạn xây dựng và phát triển, cùng với đó là những thăng trầm theo sự đổi thay của xã hội.
Các kỹ sư Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng đang thiết lập hệ thống uplink chuẩn bị truyền tín hiệu từ Nhà giàn DK1 về phòng Tổng khống chế trong “Cầu Truyền hình - Hát cùng DK1 thân yêu"
Nếu như trước đây, trung tâm chỉ phát sóng các chương trình của HTV thông qua các máy phát sóng analog, thì hiện nay, đơn vị phát sóng các chương trình thông qua các máy phát sóng số DVB-T2, bên cạnh đó còn đảm nhận việc truyền dẫn tín hiệu từ các sự kiện được tổ chức ngoài Đài về bộ phận Tổng khống chế (MCR) để phát sóng trực tiếp, phát sóng lên vệ tinh.
Ngành Truyền hình vốn dĩ là một công việc mang tính tập thể cao, việc kết nối giữa các bộ phận Biên tập, Đạo diễn, Quay phim đến các khâu kỹ thuật có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của tác phẩm truyền hình, nhất là với các chương trình có quy mô lớn như: Cầu Truyền hình, Các cuộc đua mang tính tương tác. Với riêng từng bộ phận, việc kết nối, sự thấu hiểu giữa các thành viên trong ê-kíp với nhau lại càng có ý nghĩa hơn. Trung bình mỗi chương trình truyền hình trực tiếp tại các địa điểm bên ngoài, Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng luôn có ê-kíp ít nhất từ 2 người trở lên.
Nếu như đội ngũ Phóng viên, Biên tập viên, Đạo diễn, Quay phim, Kỹ thuật dựng… cùng góp sức tạo nên một chương trình chất lượng, thì ê-kíp kỹ thuật của Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng có nhiệm vụ chuyển tải trọn vẹn tác phẩm đến với khán giả. Vì thế, sơ suất là điều không được phép xảy ra. Người kỹ sư truyền dẫn luôn có những phương án dự phòng cho mọi trường hợp: địa hình, thời thiết không được thuận lợi, những sự cố về máy móc bất ngờ…
Chương trình “Cầu Truyền hình - Hát cùng DK1 thân yêu"
Ông Trương Vũ An Chinh, Giám đốc Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng chia sẻ: “Bên cạnh những thuận lợi như sự quan tâm của Ban Tổng Giám đốc, tinh thần đoàn kết cao của anh em cũng như giữa các bộ phận trong HTV, đội ngũ nhân viên của chúng tôi cũng thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài những chuyến công tác xa nhà dài ngày, hoặc những đợt cao điểm, Lễ, Tết đều phải đi làm, thì một trong những thử thách khiến anh em luôn phải có sự chẩn bị chu đáo trước mỗi chuyến công tác, đó là việc bảo quản máy móc, thiết bị. Thiết bị kỹ thuật của bộ phận Truyền dẫn Phát sóng phức tạp hơn hẳn so với các đơn vị kỹ thuật khác trong một Đài Truyền hình. Vì vậy, khi thực hiện các chương trình trực tiếp tại huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 hay ở những vùng núi có địa hình phức tạp, anh em phải nghiên cứu nhiều phương án để tháo lắp các chi tiết, bộ phận máy móc thuận lợi cho quá trình di chuyển, và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho thiết bị”.
Từ ngày 1/6/2019, Phòng Lưu động thuộc Trung tâm Sản xuất Chương trình chính thức được chuyển giao về Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng. Việc sáp nhập sẽ mang đến một số điều kiện thuận lợi trong công việc, chẳng hạn khâu phối hợp từ xe màu đến truyền dẫn nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm nhân lực. Tuy nhiên, khối lượng công việc cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng đã cùng các đơn vị khác thực hiện nhiều chương trình nổi bật trên sóng truyền hình HTV, trong đó, Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình TP. Hồ Chí Minh là chương trình mang tính đột phá. Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng đã nghiên cứu được các giải pháp truyền tín hiệu qua sóng điện thoại 4G, kết hợp với phương thức truyền viba, cáp quang, wifi, IP và vệ tinh, góp phần mang lại diện mạo mới cho các chương trình trực tiếp toàn chặng đua xe đạp. Hiện nay, đơn vị đang nghiên cứu các giải pháp truyền tín hiệu cho các chương trình đua xe địa hình off-road của Ban Thể dục Thể thao.
Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng đã nghiên cứu được các giải pháp truyền tín hiệu mang tính đột phá, góp phần mang lại diện mạo mới cho các chương trình trực tiếp toàn chặng đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Hùng)
Theo ông Trương Vũ An Chinh, hiện nay công nghệ truyền hình phát triển liên tục không ngừng, do đó yếu tố con người là rất quan trọng. Đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên của trung tâm Truyền dẫn Phát sóng luôn cố gắng trau dồi, tìm hiểu công nghệ mới, khai thác triệt để các thiết bị hiện có. Ngoài ra, thông qua các công việc cụ thể, đơn vị luôn có những sáng kiến góp phần mang lại hiệu quả trên sóng truyền hình. Đó cũng là định hướng của trung tâm để góp phần cùng HTV đổi mới và phát triển.
Là bộ phận có tính chất hoàn toàn nghiêng về yếu tố kỹ thuật, ngỡ như khô khan nhưng với tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết, những người kỹ sư, kỹ thuật viên của Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng luôn hòa mình vào công tác chung của Đài, tích cực phối hợp cùng các bộ phận khác hoàn thành những thông điệp ý nghĩa gửi đi trên sóng truyền hình.
Nhật Lam