“Hẹn ước” không đơn thuần chỉ là một lời hẹn ngày trở về mà đó còn là khao khát, là ước mơ được gặp lại người mình thương yêu.
Một cảnh quay ca sĩ Như Hảo trong tiết mục “Hương thầm”
Có những lời từ biệt “chẳng thể lên môi”, có những lần từ biệt lặng thầm giấu kín, hay có những lời dặn dò tin tưởng dành cho ngày mai... Tất cả đều ánh lên một thứ tin yêu mãnh liệt, khát khao bỏng cháy của một lần được trở về và gặp lại.
Với ý nghĩa đó, chương trinh “Còn mãi với thời gian” phát sóng lúc 9g ngày 11/8 trên HTV9 thực hiện chủ để “Hẹn ước” với những bài tình ca sống mãi với thời gian, làm thổn thức lòng người chờ đợi, như: Lời người ra đi (Sáng tác: Trần Hoàn), Hương thầm (Nhạc: Vũ Hoàng - Thơ: Phan Thị Thanh Nhàn), Nhánh lan rừng (Sáng tác: Thế Hiển), Chia tay hoàng hôn (Nhạc: Thuận Yến - Phỏng thơ: Hoài Vũ)... được thể hiện bởi các ca sĩ: Như Hảo, Thanh Lan, Thanh Lâm, Trương Thùy Dương, Thanh Sang...
Lời người ra đi
Chuyện kể rằng, thời ấy chàng nghệ sĩ trẻ Trần Hoàn để ý và thương thầm cô “hoa khôi” huyện ủy Thanh Chương (Nghệ An) tên Hồng. Để ý người ta một thời gian dài, ông mới đánh liều viết vào mặt sau tờ thông báo của Sở thông tin “Hồng, em có nhận lời làm vợ anh không?” rồi trao cho người ấy. Chị thẹn thùng nhanh chóng trả lời “không, anh ạ!”. “Vì sao?”. “Vì… anh là một nghệ sĩ”.
Nói thì nói thế thôi, chứ lễ cưới của họ diễn ra khi chị vừa 19 tuổi. Vậy mà chỉ sau tuần trăng mật ngắn ngủi, ông phải chuyển ra Bắc, phụ trách hoạt động văn nghệ trong lòng địch. Trong những giây phút lưu luyến của đôi vợ chồng trẻ mới cưới, ông đã viết tặng vợ “Lời người ra đi” như một lời dặn dò yêu thương nhưng vẫn vững niềm tin vào ngày đoàn tụ.
Từ câu chuyện của riêng mình, “Lời người ra đi” nhanh chóng chạm tới trái tim khán giả để trở thành bài hát chung của nhiều thế hệ thanh niên giã từ người yêu lên đường chiến đấu thời bấy giờ. Và vẫn nhẹ nhàng ở sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ khán giả.
Ca sĩ Thanh Lan sẽ cùng sánh đôi với ca sĩ Phúc Lâm trong ca khúc “Lời người ra đi”
Hương thầm
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (tác giả của bài thơ “Hương thầm”) từng chia sẻ, bài thơ “Hương thầm” xuất phát từ câu chuyện tình có thật của cậu em trai thứ sáu của chị và cô bạn học. Những năm 1969, khi bài thơ đạt giải Nhì và được đăng trên tuần báo Văn nghệ, sau này được ngâm trên Đài tiếng nói Việt Nam, em trai chị từ chiến trường viết thư về kể chuyện cho chị gái mình. Nhưng chị chưa kịp viết thư hồi âm rằng đây là bài thơ chị tặng em thì nghe tin em trai hy sinh. Năm 1984 khi bài thơ “Hương thầm” bắt gặp tâm hồn đồng điệu của nhạc sĩ Vũ Hoàng, những giai điệu, lời thơ ấy như chạm sâu hơn vào tâm hồn của khán giả.
Hương thầm như một lời hẹn ước của một thế hệ thanh niên đã sống và yêu, thầm kín, dịu dàng nhưng cũng nồng nàn, lãng mạn.
Giọng ca Vàng “Tiếng hát Truyền hình” 1992 Như Hảo sẽ hội ngộ với cánh sóng HTV qua tiết mục “Hương thầm”
Nhánh lan rừng
Năm 1986, nhạc sĩ Thế Hiển cùng Đoàn công tác đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở mặt trận 479 (Xiêm Riệp, Campuchia) và sáng tác ca khúc "Nhánh lan rừng". Một lần nữa, bài hát về chủ đề người lính của ông được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.
Chuyện kể về những người chiến sĩ Việt Nam trên mặt trận 479 Campuchia thời ấy, sau những giờ hành quân, họ rủ nhau đi tìm nhánh lan rừng đẹp nhất về treo quanh lán trại. Có anh chiến sĩ quê ở TP. Hồ Chí Minh khi ấy khoe rằng “Em sắp được về phép rồi. Lúc đó em sẽ mang nhánh lan rừng về tặng người yêu. Em ước mơ và chờ mong được trở về thành phố vào đúng mùa xuân này”.
Với nhạc sĩ Thế Hiển, hình ảnh nhánh lan rừng vẫn sống, vẫn ra hoa giữa rừng cây chết cháy vì bom đạn và câu chuyện của người lính trẻ đã cho anh một cảm hứng dạt dào để viết nên những câu hát về niềm tin yêu, lạc quan một ngày mai sum họp. Dù thực tế khi ấy có những người đã lỡ hẹn cùng mùa xuân song “Nhánh lan rừng” cũng đủ để người ta vững tin “một ngày trở về trọn vẹn bao ước mơ”.
Ca sĩ Thanh Sang sẽ tiếp sức cho “Nhánh lan rừng” mãi mãi xanh màu thời gian
Chia tay hoàng hôn
Có người nói rằng “Chia tay hoàng hôn” của nhạc sĩ Thuận Yến (phổ thơ Hoài Vũ) là một ca khúc tình yêu thuần túy, đặc biệt khi nghe những ca sĩ trẻ thể hiện, người ta khó mà đoán định được thời gian và hoàn cảnh ra đời của ca khúc này bởi sự trẻ trung trong ca từ và giai điệu, ấy vậy mà “Chia tay hoàng hôn” lại là câu chuyện kể tình yêu của chính tác giả trong thời chiến đấu gian khó.
Người yêu nhạc Thuận Yến nhận xét: “Ca khúc Chia tay hoàng hôn khắc tên Thuận Yến vào thời gian”. Bài hát được viết năm 1968, khi hai vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến phải chia tay giữa chiến trường Quảng Trị để nghệ sĩ đàn tranh đẹp như mộng Thanh Hương (vợ ông) trở về điều trị bệnh khớp. Cuộc chia tay không chắc có ngày gặp lại diễn ra trong nước mắt. Nhạc sĩ Thuận Yến trong hoàn cảnh ấy đã nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Hoài Vũ, để sau đó chấp bút viết nên “cuộc chia tay bất hủ” trong âm nhạc:
“…Anh phải về thôi xa em thôi/ Hoàng hôn yên lặng cũng theo về. Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi…”
Gần nửa thế kỷ qua, “Chia tay hoàng hôn” luôn được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam yêu thích thể hiện, như: Thanh Lan, Elvis Phương, Đàm Vĩnh Hưng, Tùng Dương...
Trong chương trình, “Chia tay hoàng hôn” sẽ được thể hiện theo phong cách mới bởi ca sĩ trẻ Trương Thùy Dương
Thiên Hương