Xuân Quê Hương

Bánh mứt làng quê ngày Tết

Tết là dịp văn hóa dân tộc được thể hiện rất đậm nét, nhiều món ăn truyền thống được phô bày trong đó không thể thiếu bánh và mứt. Xuân Kỷ Hợi đang về, mời bạn ghé vùng quê Bến Tre để thưởng thức 2 loại bánh mứt Tết ở đây.


Bánh tét và mứt là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết

Bánh tét chữ 

Bánh tét là loại bánh hiện thân cho phong vị ngày xuân, mà bất cứ người con phương Nam nào đi xa cũng lưu luyến nhớ về. Và hơn bất cứ nơi nào ở Nam bộ, Bến Tre có đủ những nguyên liệu chính yếu để làm món bánh cổ truyền này. 

Nếp thơm và đậu xanh gieo trồng từ ngoài đồng; lá chuối, dừa khô lấy trong vườn và thịt làm từ heo nuôi trong chuồng; thêm nữa, lạt buộc chẻ từ đám lác trồng dưới mé sông. Dừa góp vô bánh tét để làm nên cả hương và vị. Nếp cũng phải rắc nước dừa thì mới thơm. Đậu xanh ngào với nước cốt dừa thì mới vừa ngọt, vừa béo. Đặc biệt, “bánh tét chữ” là dòng bánh có nguồn gốc ra đời từ đây.

Bánh tét chữ Bến Tre

Làm bánh tét chữ không khó nhưng khá cầu kì và mất thời gian, đòi hỏi người làm bánh phải kiên trì và khéo léo. Nguyên liệu để làm bánh tét chữ gồm gạo nếp ngon và đậu xanh. Để tạo màu, người dân nơi đây thường dùng các loại lá hái trong vườn như: lá cẩm (tạo màu tím), trái gấc (tạo màu cam), lá dứa, lá bồ ngót (tạo màu xanh), trái giấm (tạo màu đỏ) đem vô nấu hoặc xay ra lấy nước nhuộm màu nếp, vừa tạo ra màu sắc lại vừa tạo nên hương thơm đặc trưng cho bánh. 

Chữ bên trong được làm từ đậu xanh, trên nền màu của nếp, các chữ cái sẽ hiển thị rõ ràng, tạo ấn tượng với người thưởng thức. Bánh tét chữ Bến Tre có hình thức bắt mắt, mỗi đòn bánh là một chữ cái riêng để khi cắt ra từng khoanh tròn rồi ghép bánh lại với nhau ta sẽ có một bộ chữ chúc Xuân tốt lành. So với các dòng bánh tét thông thường, vị của bánh tét chữ cũng đặc biệt hơn bởi độ béo ngậy của nếp khi được xào với nước cốt dừa và mùi thơm lừng của các loại lá tạo màu, làm cho món bánh không chỉ ngon ngọt mà còn đậm đà hương vị tự nhiên.

Gói bánh tét chữ luôn đòi hỏi người làm bánh phải có tay nghề. Gói không khéo chữ sẽ bị sai lệch, gói không chắc tay bánh sẽ như đòn cơm nếp nhão. Có thể nói, bánh tét chữ Bến Tre không chỉ là một món ngon truyền thống vừa độc đáo và tinh tế mà chúng còn được xem như một tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa để đón Tết.

Mứt dừa

Là một đặc sản dân dã mang đậm hương vị của xứ dừa Bến Tre mà bất cứ ai đã một lần thưởng thức cũng đều nhớ mãi hương vị ngọt ngào của chúng - những sợi mứt dừa trắng tinh, béo bùi, dẻo dai. Vào dịp Tết, khỏi phải bàn, món mứt này luôn được nhiều người lựa chọn làm món mời khách cũng như làm quà để tặng bạn bè, người thân.

Theo cách truyền thống, để làm món mứt dừa, thông thường người làm mứt sẽ chọn những trái dừa to, non vừa và phải dày cơm. Sau khi cạy phần cơm dừa ra khỏi gáo dừa, người làm mứt sẽ gọt bỏ đi phần da vàng, chỉ lấy phần cơm dừa trắng. Dùng dao bào, bào thành những lát mỏng, bào xong đem ngâm với nước vôi độ mười phút rồi vớt ra để ráo. Cứ 1 kg cơm dừa thì trộn với 0,5 kg đường cát trắng. Khi đường đã thấm vào sợi cơm dừa thì đem lên chảo nóng sên cho tới khi mứt dừa khô hẳn nước thì coi như món mứt dừa đã hoàn tất.   

Mứt dừa lá cẩm và mứt dừa cà phê

Tùy hương vị, sở thích, cách làm của từng người sẽ cho ra các loại mứt dừa khác nhau về mùi hương cũng như màu sắc như: mứt dừa cà phê, mứt dừa ca cao, mứt dừa trà xanh, mứt dừa lá dứa, mứt dừa sữa tươi… Tuy nhiên, dù cách làm của mỗi người có khác nhau đến đâu đi chăng nữa thì mứt dừa vẫn giữ hương vị ngọt ngào đặc trưng của dừa.

Ngày Tết, gia đình quây quần bên nhau, trong không khí vô cùng ấm áp ấy được nhấp một ly trà nóng, nhâm nhi một miếng mứt dừa thì kể ra cũng rất thú vị.

Thùy Trang