Gìn giữ, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, của TP.HCM
PGS.TS. Trần Luân Kim, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM nhấn mạnh, báo chí xuất bản luôn gắn liền với hoạt động văn học nghệ thuật. “Trong lúc xã hội đang chuyển động mạnh mẽ, đời sống, tâm tư con người trải qua nhiều biến đổi, mà chưa có ngành văn học nghệ thuật bám sát, khoan sâu và sáng tạo nên những tác phẩm gây chú ý xã hội, có giá trị để đời, là hiện tượng băn khoăn, đáng suy nghĩ. Xã hội đang thiếu những tác phẩm có khả năng dự báo và cảnh báo, thiếu những tác phẩm đề cập đến các đề tài quan thiết, tác động sâu đậm tâm cảm công chúng” - PGS.TS. Trần Luân Kim nhấn mạnh.
PGS.TS. Trần Luân Kim phát biểu tham luận tại tọa đàm
Để có những tác phẩm văn học nghệ thuật gắn với đời sống xã hội, theo PGS.TS. Trần Luân Kim, cần tổ chức các tọa đàm, hội thảo nghề nghiệp, mở các lớp tập huấn chuyên đề nhằm định hướng quan điểm và phương pháp sáng tác cụ thể, giúp sáng tác chuẩn xác theo yêu cầu khách quan của ngôn ngữ chuyên ngành, nâng cao chất lượng tác phẩm. Cải tiến nội dung cũng như tổ chức đối với các chuyến về nguồn, đi thực tế, trại sáng tác theo hướng gọn nhỏ và hiệu quả. Tăng cường các biện pháp quản lý mạng xã hội hiệu quả; phối hợp công tác giữa báo chí, xuất bản với các ngành văn học nghệ thuật để giới thiệu, tuyên tuyền, phân tích, luận giải các tác phẩm văn học nghệ thuật một cách thấu triệt, bài bản…
TS. Quách Thu Nguyệt phát biểu tại tọa đàm
Với tham luận “Làm gì để thế hệ trẻ yêu quý, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa của TPHCM?”, TS. Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ cho rằng cần có những ấn phẩm, đầu sách giá trị về lịch sử văn hóa vùng đất Nam bộ, về con người TP.HCM và cần tái bản những công trình, đầu sách giá trị đã được công bố. TP.HCM cần một không gian văn hóa Nam bộ gắn kết với không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đó là một không gian mở, một thư viện mở chuyên đề về Nam bộ, không chỉ thực hiện chức năng lưu giữ các nguồn tài liệu là sách vở dưới dạng sách giấy, sách nói, sách và tài liệu được số hóa… để phục vụ bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, các nhà nghiên cứu tham khảo, học hỏi, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển, những giá trị di sản của lịch sử văn hóa, của những nhân vật những con người đã đóng góp cho thành phố trên nhiều lĩnh vực; những nhà văn hóa, những tác giả mà các công trình tác phẩm của họ cần được bảo quản gìn giữ lưu truyền cho thế hệ sau tham khảo, nghiên cứu bằng việc số hóa ...
“Để thế hệ trẻ, công dân trẻ yêu và gắn trách nhiệm với đất nước, mảnh đất, thành phố này không gì bằng giúp giới trẻ biết và hiểu đúng về lịch sử, văn hóa của Việt Nam, của miền Nam, của Sài Gòn - TP.HCM. Từ biết, hiểu, đến yêu, những người trẻ sẽ thấy tự hào và trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, của TP.HCM để cùng chung sức xây dựng đất nước, xây dựng TP.HCM phát triển” - TS. Quách Thu Nguyệt đề xuất.
Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Nguyễn Đức Hiển thì cho rằng, báo chí có vai trò quan trọng trong thúc đẩy bản sắc văn hóa. Đặt trong bối cảnh không gian văn hóa Hồ Chí Minh thì nhiệm vụ của báo chí là lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh báo chí, mạng xã hội cũng là một hình thái của truyền thông và đảm đương vai trò quan trọng không thua kém, thậm chí là cao hơn nếu những nền tảng mạng xã hội được dùng đúng lúc, đúng nơi, đúng cách. Hiện các nền tảng video như YouTube, Tiktok hoặc nền tảng phức hợp như Facebook, Twitter đang chứa đựng hàm lượng thông tin đa chiều, không loại trừ những thông tin kích động, bạo lực, thuyết âm mưu. Vì vậy, cách tiếp cận hiệu quả nhất đó là chủ động “bơm” đầy thông tin chính thống, đúng đắn thay vì chỉ tập trung vào việc xóa bỏ thông tin giả hoặc cấm đoán sử dụng mạng xã hội.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật
Phát biểu kết luận, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền khẳng định, tọa đàm “Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đã ghi nhận tham luận, ý kiến đã góp thêm nhiều góc nhìn sinh động đối với các vấn đề có liên quan. Những vấn đề được đặt ra tại tọa đàm này sẽ góp thêm chất liệu, đóng góp kinh nghiệm và gợi ý nhiều vấn đề bổ ích để những người làm công tác định hướng, chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý, tham mưu về công tác báo chí - xuất bản, văn học - nghệ thuật có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác của mình.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Nguyễn Thọ Truyền phát biểu kết luận tọa đàm
Đồng chí Nguyễn Thọ Truyền cho biết, một số nội dung trọng tâm từ tọa đàm, đã nhắc lại quan điểm, nhận thức về vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của báo chí, truyền thông thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Nhiều ý kiến đã đề cao vai trò xây dựng con người mới ở thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, đồng thời nêu trách nhiệm của các văn nghệ sĩ, người làm báo, người sử dụng mạng xã hội… trong vấn đề này. Báo chí, xuất bản phải góp phần tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật lan tỏa sâu, rộng tư tưởng, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh trong toàn xã hội, góp phần xây dựng thành phố “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đã nêu vấn đề phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ người làm báo, văn nghệ sĩ trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cũng như vai trò của báo chí, xuất bản và văn học, nghệ thuật gắn với hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Những đóng góp của mạng xã hội trong việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Một số ý kiến lưu ý, cảnh báo một số vấn đề cần chấn chỉnh, uốn nắn trong hoạt động báo chí, truyền thông, văn hóa, nghệ thuật, sử dụng mạng xã hội, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh…
Đồng thời, đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể để phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản, truyền thông trong việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đó là, các cơ quan lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo các cơ quan báo chí có sự cân bằng trong các thể loại bài viết, ưu tiên những bài giới thiệu, cổ vũ cho văn hóa nghệ thuật truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy những tài sản vô giá của văn hóa nghệ thuật mà ông cha đã trao truyền; ưu tiên những bài viết giới thiệu, cổ vũ những loại hình nghệ thuật âm nhạc hàn lâm nhằm góp phần từng bước nâng cao dân trí… Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật để có thể lan tỏa nhanh, mạnh trên các phương tiện truyền thông, qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá về một thành phố năng động, nghĩa tình, giàu bản sắc.
“Ban Tuyên giáo Thành ủy trân trọng tiếp thu các ý kiến đề xuất, phản ánh, đóng góp để có những chỉ đạo, định hướng kịp thời đối với hoạt động báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ cùng với việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhằm tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện để các hoạt động này ngày càng thực chất, có chiều sâu” - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh.