Bên mộ Đại tướng, nghĩ về Người

Tọa lạc tại Mũi Rồng, Vũng Chùa - vùng núi non trung tâm của Trường Sơn Bắc, nơi có dãy Hoành Sơn hướng ra biển Đông và Thái Bình Dương rộng lớn, nơi an giấc ngàn thu của Đại tướng Võ Nguyên giáp khiến tôi không khỏi ngưỡng mộ và khâm phục...


Toàn cảnh khu mộ Đại tướng Võ Nguyễn Giáp

Tôi ghé thăm mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào một buổi sớm đầu xuân se lạnh. Khác với tưởng tượng trong đầu tôi về một khu mộ hoành tráng giống như nơi an nghỉ của những bậc vĩ nhân, khu mộ của Đại tướng bình dị trên một ngọn đồi nhỏ, không khoa trương, lộng lẫy, thậm chí còn rất đỗi giản đơn, như hòa với quê hương Quảng Bình nắng gió, nơi chôn rau cắt rốn mà Đại tướng vẫn luôn mong muốn được trở về.

Để viếng thăm nơi an nghỉ của Đại tướng, sau khi từ phía Hà Tĩnh qua hầm Đèo Ngang khoảng 5km, từ Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch - Quảng Bình, xe chúng tôi còn phải đi hơn 2 km về phía Đông. Theo thông tin được biết, từ ngày Đại tướng về đây an nghỉ đến đầu năm 2019, khu mộ của Người được Tiểu đội 1 thuộc Đội cảnh vệ đồn biên phòng 184 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) thay phiên nhau canh gác 24/24h. Lực lượng cảnh vệ được chia làm 3 điểm chốt: một điểm tiếp nhận, ghi chép đón khách; một điểm theo dõi, hướng dẫn khách vào viếng và một điểm hướng dẫn thắp hương tại mộ Đại tướng. Từ trước Tết Kỷ Hợi, công việc này đã được bộ đội biên phòng bàn giao cho địa phương và gia đình Đại tướng, việc chăm sóc phần mộ, cũng như các công tác hướng dẫn khách vào viếng đều được thực hiện như cũ.

Ấn tượng đầu tiên khi trên đường viếng thăm khu mộ Đại tướng là bạt ngàn những cây thông và dừa Thanh Hóa. Bóng thông xanh và ngọn dừa thẳng đứng phủ kín núi Thọ Sơn, tạo nên cảnh quan mát mắt, bình yên cho con đường nhựa ven biển dẫn vào khu mộ. Dọc con đường vào viếng mộ Đại tướng có 103 bậc thang bằng gỗ, 103 cây hoa mai và 103 cây hoa ban Điện Biên. Tất cả đều mang ý nghĩa tượng trưng cho 103 mùa xuân Đại tướng hiện diện trên cõi đời này. Ngay phía đối diện với mộ đại tướng là tháp chuông với quả chuông đồng in bốn chữ lớn “Vũng Chùa Hồng Chung”.


Mùa Xuân giản dị bên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại thi hào Nguyễn Du từng có câu: “Thác là thể phách, còn là tinh anh.” Tuy Đại tướng đã an giấc ngàn thu nhưng trí tuệ kiệt xuất của Người vẫn mãi sống trong lòng những người con dân tộc. Là một thiên tài quân sự, thông tường mọi thứ, kể cả nơi an nghỉ cuối cùng của mình, Đại tướng cũng đích thân lựa chọn. Phải đặt chân đến nơi đây, có lẽ mới ngộ ra được ý tứ của Người.

Về mặt phong thủy, Mũi Rồng - Vũng Chùa nơi Đại tướng an nghỉ hội tụ đủ cả 3 yếu tố: dựa lưng vào núi, trước mặt là nước, hướng về mặt trời (bối sơn, diệp thủy, hướng dương). Người xưa cho rằng, một khu mộ muốn phát lộc cho con cháu đời đời phải hội tụ đủ 3 yếu tố trên. Mũi Rồng - Vũng Chùa vừa dựa đầu vào nhánh núi Hoành Sơn đâm ngang của Trường Sơn Bắc kì vĩ, vừa hướng mặt ra biển Đông rộng lớn, lại vừa thụ hưởng nhiều ánh mặt trời ban mai. Chọn đây làm nơi an nghỉ cuối đời, hẳn Đại tướng muốn muôn dân được an bình, ân trạch no ấm.

Nghĩ sâu hơn, có người cho rằng đây còn là lời dặn dò của Đại tướng về mặt quân sự. Từng có một nhà văn Việt Nam cho rằng, vùng Đèo Ngang (Vũng Áng - Hòn La) có thể ví như một tử huyệt về quân sự của nước ta. Nếu xảy ra chiến tranh, đất nước bị xâm lược thì đây hẳn sẽ là vị trí bị tấn công đầu tiên để cắt đôi nước Việt Nam. Điều này không phải là không có lý. Lựa chọn vùng đất này, Đại tướng chắc hẳn muốn nhắc nhở mọi người ra sức bảo vệ “yết hầu” của Tổ quốc.


Tháp chuông Vũng Chùa - Đảo Yến

Con gái Võ Hạnh Phúc của Đại tướng từng chia sẻ với truyền thông về lựa chọn này của ông. Mũi Rồng - Vũng Chùa vốn không phải lựa chọn đầu tiên của Đại tướng. Khi mới nghĩ đến chuyện này, Đại tướng có ý định đi về căn cứ địa Việt Bắc, nơi gắn liền với nhiều kỉ niệm của ông và đồng đội. Cũng có những lúc Đại tướng nghĩ mình sẽ an nghỉ đâu đó ở vùng Sơn Tây (Hà Nội) để được gần Bác Hồ. Cuối những năm 1990, ông nhiều lần về thăm quê hương Quảng Bình. Điều này khiến ông đưa ra quyết định rằng mình sẽ về với quê hương. Gia đình cũng đã đi xem xét nhiều nơi trong tỉnh nhưng cuối cùng ông chọn vùng Vũng Chùa - Đảo Yến. Đó là quyết định của ông. Ông muốn về với miền Trung, về với quê cha đất mẹ nghèo khó nhưng giàu truyền thống anh hùng.


Đầu Xuân thắp nén tâm nhang kính dâng Người

Đứng trước làn khói hương nghi ngút mà con dân khắp mọi miền Tổ quốc thành kính dâng lên hương linh Đại tướng, cộng hưởng với những làn gió đầu xuân se lạnh, những nụ hoa đào hãy còn khoe sắc như điểm tô cho khu mộ trang nghiêm mà bình dị, lòng tôi lại thấy bồi hồi khó tả. Sinh thời, Đại tướng ghi danh với những chiến công lừng lẫy khi tự mình chỉ huy quân đội đánh bại hai cường quốc quân sự thời bấy giờ, đặc biệt là chiến thắng của trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, đem tên mình sánh cùng 9 vị danh tướng lừng lẫy nhất của thế giới. 

Tài quân sự của Đại tướng từng làm chấn động toàn cầu, họ nhắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp như nhắc về một thánh nhân quân sự tài ba với niềm ngưỡng vọng không hề che giấu. Hai đối thủ quân sự của ông lúc bấy giờ cũng không khỏi cảm thán về tài năng của vị Đại tướng kiệt xuất này. 


Đông đảo người dân đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyễn Giáp những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi

Từng là kẻ thù của nhau trên mặt trận Điện Biên Phủ, nhưng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp – Đại tướng Marcel Bigeard vẫn phải thừa nhận: “Hồi ấy, nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”. Điều đó cho thấy sức thuyết phục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là không thể chối cãi. “Không phải hiện nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”, ông Bigeard nói thêm.

Ở Mỹ, Thống tướng Westmoreland, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường Đông Dương cũng nhận xét: “Mọi đức tính tạo thành một thống lĩnh quân sự lớn, như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung trí tuệ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp – một thống soái vĩ đại”.

Thế nhưng, khi đã trở về với đất mẹ, vị anh hùng dân tộc lại chọn cho mình nơi an nghỉ hết đỗi giản dị, bình thường. Khu mộ của Đại tướng như hòa vào với thiên nhiên Quảng Bình, an nhiên giữa thời tiết khắc nghiệt ngày ngày xoay vần như an ủi thêm tinh thần cho những người con vùng nắng gió. 


Vườn mai 103 gốc ở khu mộ Đại tướng Võ Nguyễn Giáp

Tôi từng xem một bộ phim, trong đó nhân vật chính có nói một câu thế này: “Con người ta chỉ thực sự chết đi khi không còn ai nhớ về họ nữa.” Vậy thì, ta có thể tin rằng, tuy Đại tướng đã không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa, thế nhưng trong tâm thức của mỗi người con dân tộc, Đại tướng vẫn sẽ luôn sống mãi cùng với Tổ quốc Việt Nam. Công lao của Đại tướng vẫn sẽ luôn là niềm tự hào của hơn 90 triệu người dân đất Việt. Và khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lòng người chắc chắn vẫn sẽ mãi luôn sục sôi thổn thức một niềm thương nhớ vô bờ dành cho vị tướng tài ba của dân tộc.

Mãi mãi khôn nguôi...

Trang Anh