Từng thực hiện hàng trăm ca khúc cho các thể loại phim, đặc biệt là dòng phim xưa của Hồ Biểu Chánh đã để lại cho nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn nhiều kỷ niệm vui buồn khi làm nghề.
NSƯT Lam Tuyền trong phòng thu nhạc do Nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn sáng tác
Nghệ sĩ cải lương hát nhạc phim xưa
Để hình thành các ca khúc chính cho một bộ phim, trước hết phải lên kế hoạch những đoạn nhạc phối cho các tâm trạng vui buồn, phấn khởi hay chán nản... của những nhân vật. Người viết nhạc phải nắm vững đề cương kịch bản, thẩm thấu các tình tiết của các nhân vật chính, từ đó khái quát được công việc của mình thì mới có thể dâng trào cảm xúc theo từng giai điệu cũng như ca từ cho bài hát.
Theo nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn, đó chỉ là bước đầu để chuẩn bị, chứ thật ra trong suốt quá trình thu hình, nếu muốn có cảm xúc độc, lạ thì phải ra tận hiện trường để được thẩm thấu cảm xúc nhiều hơn.
Thông thường, các nhà sản xuất, đạo diễn rất thích chọn những ca sĩ ngôi sao để hát ca khúc nhạc phim, nhưng kinh phí dành cho phần nhạc đa phần hẩm hiu, nên đây được xem là một bài toán nan giải...
Trong lần đi quay bộ phim Hai khối tình của đạo diễn Hồ Ngọc Xum, trong giờ nghỉ giải lao, vô tình Thái Ngọc Sơn nghe diễn viên Lam Tuyền nghêu ngao một câu vọng cổ. Linh tính cho biết đây là người rất hợp với ca khúc của mình, nhạc sĩ Ngọc Sơn tới làm quen mời cô hát chính cho ca khúc Khóc thầm.
Chỉ mới nghe qua, cô đã từ chối thẳng vì chỉ hát được giọng cải lương, nên sợ làm hỏng ca khúc. Sau khi thuyết phục cô đồng ý, nhạc sĩ về trình bày với đạo diễn, sẽ cho Lam Tuyền thay thế Hương Lan (người được chọn trước đó).
Tất nhiên đạo diễn không đồng ý vì cả hai cái tên đều có sự chênh lệch rất xa, sợ nhà Đài không đồng ý. Với tư cách nhạc sĩ, Thái Ngọc Sơn đứng ra bảo lãnh, nếu hát không xong sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Thế là cả hai miệt mài trong phòng thu suốt một ngày. Thậm chí, trong suốt buổi thu âm, nhạc sĩ chỉ dám ngồi trong góc phòng, để Lam Tuyền tự tin hát theo đúng cảm xúc của mình, sợ sự xuất hiện của mình khiến cô bị mất tập trung...
Khi hoàn thành bản phối, nhạc sĩ đưa thẳng lên ban giám đốc Đài duyệt bài. Không ngờ khi nghe xong, giám đốc khen nức nở, và còn động viên: Cần phải đổi mới, và tìm chất lạ cho phim như vậy để đáp ứng yêu cầu của khán giả.
Sau lần trình diện ca khúc này, Lam Tuyền được xem là có chất giọng độc đáo đầy ấn tượng của dòng phim xưa.
Khi “vua trữ tình” trở chứng
Ca sĩ S.N từng được mệnh danh “vua trữ tình” nên thái độ rất tự cao, tự đắc. Trong một lần cao hứng, anh tự ý sửa nhiều lời bài hát, gần như phá nát ý tưởng của ca khúc. Chàng ca sĩ cho rằng: Lời nhạc khô, sâu sắc quá khó hiểu, độ mượt mà và nhất là không có cao trào, lên xuống để anh biểu diễn chất giọng tuyệt mỹ của mình.
Thấy chàng ca sĩ hơi lố, nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn nhắc nhở nhiều lần, nhưng anh vẫn cứ ra dấu cho người thu âm, thu theo ý của mình.
Vị nhạc sĩ “đơ” người trước những đòi hỏi quá lố của chàng ca sĩ, nhưng vẫn cố bình tĩnh để cho anh ta thu hết ca khúc.
Sau khi hoàn tất, vị nhạc sĩ gửi về nhà sản xuất nghe thử, kèm theo lời căn dặn: “ Chị ơi, ca sĩ sửa gần hết lời hát của tôi, “nó” đòi thu, tôi cũng đã thu, giờ chị nghe thì cứ nghe, nhưng tôi yêu cầu chị đừng phát hành. Nếu phát hành tôi sẽ kiện. Lúc đó chị đừng có trách là tôi không nói trước!”.
Nhà sản xuất nghe qua tá hỏa tam tinh, vì chuyện mời một ngôi sao hát đâu phải dễ, nhưng vi phạm bản quyền của một nhạc sĩ cũng đâu phải giỡn chơi...
Sau đó không biết nhà sản xuất nói điều gì, mà qua hôm sau, “vua trữ tình” tự lên phòng thu, tự giảng hòa, cười nói xuề xoà với nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn: “Thôi, hôm nay em sẽ thu đúng từng lời hát của anh, xem như hôm qua em nổi hứng quá nên hát tầm bậy! Bỏ qua, rồi mình thu lại cho vui hen!”.
Đứng trước tình cảnh này, nhạc sĩ chỉ biết cười trừ, và bắt tay vào thu âm lại trong sự phấn khởi, vì “ông ca sĩ” đã biết trật tự trên dưới ra làm sao?
Nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn (đeo kính) trong phòng thu nhạc phim
Những đáp ứng trời ơi
Trong một lần hợp tác với một hãng phim danh tiếng, nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn nhận được yêu cầu: Hãy tự làm bản demo để hãng xem trước, nếu được thì ký hợp đồng luôn.
Đã gấp vậy mà trong quá trình làm việc, tay điều hành sản xuất vì muốn chứng tỏ quyền hành nên đòi hỏi tùm lum. Có lần anh ta phát biểu: “Chú ơi, đoạn nhạc này con muốn nó đừng buồn, mà cũng đừng vui quá, được không chú. Ông trả lời nhỏ nhẹ: Vậy chỉ còn là đừng làm nhạc... cho chắc ăn, chứ nhạc gì mà đừng buồn, đừng vui!”
Có đoạn phim: Tay ở đợ chạy vô nhà, bẩm báo cùng bà lớn: Dạ, ông Hội Đồng đang về nhà, sau đó vì vội vàng nên anh lùi lại rồi bị té. Chỉ vậy thôi, nhưng tay sản xuất yêu cầu kèm một đoạn nhạc tình huống cho hấp dẫn.
Ông nhạc sĩ tức quá, lấy cái muỗng gõ vô cái ly một cái beng... rồi bảo nhạc tình huống đó, được chưa? Dĩ nhiên là anh ta không chịu, hỏi nhạc gì kỳ vậy? Lúc này nhạc sĩ mới giải thích: Thằng nhỏ nó té chèm bẹp, đạo diễn cho mờ khung hình rồi chuyển cảnh. Đoạn này chưa tới hai giây, nhạc nào ăn khớp được, con chỉ cho chú đi! Lúc này, tay sản xuất mới chịu im... re.
Còn lần nhận làm nhạc phim Ai mua trăng, vì nể tình đạo diễn là người tên tuổi, Thái Ngọc Sơn ngày đêm sáng tác hai ca khúc. Trong phòng thu chỉ mới nghe qua, tay đạo diễn đã mê mẩn, sẵn sàng đợi gần 3 tiếng đồng hồ để hối thúc ông hoàn thành luôn file nhạc.
Cứ tưởng gặp người tâm đắc, ông rất hào sảng làm tốc hành. Vậy mà sau đó một tháng, phim thay đổi nhạc sĩ giữa đường.
Thắc mắc hỏi thăm một số đồng nghiệp, mới biết đạo diễn thì khoái nhậu, chàng nhạc sĩ trẻ bắt tốt tâm lý mời đạo diễn đi nhậu liên tục, sau đó mời chào những ca khúc của mình.Tất nhiên đạo diễn gật đầu trong hơi men, đâu còn nhớ những ca khúc tâm đắc mình đặt hàng trước đây.
Ngồi nhẩm lại, tốn tiền thu âm, tiền thuê ca sĩ, tiền trà nước... nhạc sĩ nhà ta tự trách mình quá tin tưởng đạo diễn, không chịu ký hợp đồng nên mới bể dĩa như vậy!
Lữ Đắc Long