Với bối cảnh miền Tây sông nước, Tân xuân đón tân lang miêu tả sống động nét sinh hoạt và tư tưởng văn hoá của con người nơi đây. Bên cạnh đó là câu chuyện hài hước xoay quanh cuộc thi tuyển rể giữa một anh chàng ngoại quốc và gia đình miền Tây chính gốc.
Sự độc đáo của phim "Tân xuân đón tân lang" nằm ở sự kết hợp của giàn diễn viên kỳ cựu và trẻ
Cốt truyện đề cập vấn đề hiện hữu trong đời sống con người
Gặp lại khán giả truyền hình trong phim chiếu Tết, Tân xuân đón tân lang, biên kịch - đạo diễn Hoàng Thơ đã nhanh chóng phản ánh nền văn hoá sông nước lên màn ảnh nhỏ. Bộ phim tuy có nội dung không mới nhưng lại đi vào thực tế cuộc sống với những thói hư, tật xấu qua cách diễn đạt hài hước và dí dỏm.
Phim lấy câu chuyện tuyển rể trước thềm năm mới của một gia đình quê với các điều kiện thử thách chàng rể. Nếu là chàng rể Việt tham gia cuộc thi tuyển chọn này thì phim đã không có điểm nhấn nổi bật. Thay vào đó, người trực tiếp trải qua ải để chứng minh tình yêu của mình lại là anh chàng ngoại quốc tên John.
Vấn đề tình yêu trai gái khi đạt độ chín muồi ắt dẫn đến đám hỏi, cưới xin là lẽ thường tình trong cuộc sống. Nhưng đôi khi mọi chuyện lại không dễ dàng theo ý người trong cuộc. Nhân vật Khánh Hiền và John trong phim là một ví dụ điển hình cho điều đó. Để đến được với nhau, cả hai phải vượt qua rào cản từ gia đình Khánh Hiền khi cha mẹ cô thuộc tuýp người cổ hủ và mê tín dị đoan. Kèm theo đó là quá trình Khánh Hiền nhận thức và tách khỏi mối tình hào nhoáng với bạn trai Phương Bằng, người vô cùng giàu có cũng là tay sát gái thượng thặng, hắn đã lén lút làm quen em gái của cô và hàng tá cô gái khác.
Kyo York sẽ vào vai chàng rể người Mỹ tên là John
Mặt khác, câu chuyện trong phim rất thực tế với xã hội hiện đại ở khía cạnh một cô gái miền Tây lên thành phố làm việc và thành công nhờ vào khả năng vượt trội và tư duy hiện đại của mình. Tuy nhiên khi về nhà, trở lại ở vị trí người con thì cô vẫn phải chịu sự ràng buộc bởi sự cổ hủ của cha mẹ - vốn rất mê tín dị đoan. Bên cạnh đó là chi tiết thế lực đồng tiền mà phim đã làm nổi bật được thông qua diễn biến tâm lý của cha mẹ Khánh Hiền khi chê John nghèo hơn Bằng, sẵn sàng ngả về người giàu có. Hoàng Thơ cho biết sự tương phản này rất gần gũi với cuộc sống hiện nay. Nhờ vậy khán giả sẽ dễ đồng cảm hơn với hoàn cảnh nhân vật và nội dung phim.
Ý tưởng phim hình thành từ “cảnh rước dâu bằng ghe”
Chia sẻ về quá trình nảy sinh ý tưởng và chuyển hóa thành kịch bản phim, Hoàng Thơ cho biết anh bị ấn tượng trước cảnh tượng rước dâu bằng ghe đậm chất miền Tây sông nước. Cảnh này vô cùng nên thơ và hữu tình làm anh rất tâm đắc. Vì vậy, anh quyết định phát triển kịch bản xoay quanh giá trị tư tưởng là đề cao vẻ đẹp mộc mạc của người và đất Đồng bằng sông Cửu Long.
Để kịch bản thêm mới mẻ, anh đặt câu hỏi liệu có thể thay thế chàng rể Việt bằng rể Tây được không? Sự thay đổi nhằm nhấn mạnh chi tiết chàng rể Tây này phải thật sự yêu phụ nữ và văn hoá Việt Nam. Chỉ có vậy mới giúp anh ta cố gắng vượt qua thử thách để làm rể nơi đất khách quê người. Hoàng Thơ cũng khéo léo giới thiệu sinh hoạt của người miền Tây qua thành phần thử thách trong cuộc thi kén rể. Chẳng hạn như thử thách thi nấu ăn, thi uống rượu, v.v. Những điều này là thách thức thật sự với một người nước ngoài, chưa kể còn bị các đối thủ khác “chơi xấu”.
Đạo diễn Hoàng Thơ muốn đề cao vẻ đẹp của người và đất Đồng bằng sông Cửu Long
Ngoài ra, Hoàng Thơ cho biết quá trình anh đã chọn lọc và phát triển ngôn ngữ viết thành ngôn ngữ hình ảnh không chiếm nhiều thời gian. Bởi lẽ ngay từ khâu lên kịch bản thì anh đã viết dưới dạng khai thác hình ảnh rõ ràng. Điều này giúp cả đoàn phim và diễn viên dễ đọc, dễ cảm và hiểu được ý tứ sâu sắc của toàn bộ cấu trúc, đường dây và tính cách nhân vật. Nhờ vậy mà khi ra hiện trường, các cảnh quay đã không phải chỉnh sửa gì nhiều.
Hài hước, kịch tính và thời sự
Hoàng Thơ luôn quan tâm đến đề tài văn hóa và con người, vì đó là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh. Thế giới ngày càng tiến bộ và con người phải nhanh chóng bắt kịp xu thế này, trong đó có cả việc bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan và đề cao vai trò của nữ giới. Vì vậy, trong phim Tân xuân đón tân lang, người xem sẽ có dịp điểm qua một vài hủ tục vẫn còn hiện hữu đến ngày nay như vì mê tín dị đoan mà mẹ của Khánh Hiền buộc cô phải tham gia buổi “tuyển rể”. Chuyện tình cảm không còn do chính cô quyết định mà phải phụ thuộc vào thế lực khác.
Qua đó, bộ phim đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Họ có quyền sống bình đẳng như nam giới, được tự do đưa ra quyết định của mình mà không có một “thế lực siêu nhiên” nào có thể điều khiển được. Nét kịch tính, hấp dẫn còn thể hiện qua các phân cảnh xung đột của nhân vật thầy Bảy lém lĩnh và John thật thà. Kỹ thuật cài cắm tình huống cũng được Hoàng Thơ tận dụng trong quá trình khán giả cùng nhân vật Khánh Hiền phát hiện ra người bạn trai lăng nhăng, tán tỉnh cả em gái là Khánh Hậu. Khoảnh khắc Hiền phát hiện ra chuyện động trời này đồng nghĩa với chốt kịch của phim phần nào được gỡ bỏ.
Khánh Hiền là mẫu người phụ nữ hiện đại nhưng vẫn chịu sự ràng buộc bởi sự cổ hủ từ cha mẹ
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu lên kịch bản đến dàn diễn viên tham gia, Hoàng Thơ cho rằng bộ phim Tân xuân đón tân lang hứa hẹn sẽ mang lại góc nhìn mới cho khán giả trong cách xem và cảm nhận phim. Đặc biệt là hình ảnh trong phim đều tập trung làm nổi bật vẻ đẹp của phong cảnh Việt Nam. Chẳng hạn như kết phim là màn rước dâu trên ghe vô cùng ấn tượng với các nhân vật đều mặc áo dài truyền thống. “Tôi muốn hướng người xem về cái đẹp của cội nguồn dân tộc qua chiếc áo dài với nhiều sắc màu bắt mắt. Nó tượng trưng cho một mùa xuân vui tươi, an lành và thịnh vượng.”
Đón xem bộ phim "Tân xuân đón tân lang" gồm 5 tập phát sóng lúc 13g từ ngày 5/2 (Mùng 1 Tết) trên kênh HTV7.
Nguyễn Oanh