Là biên kịch - biên tập của loạt phim truyền hình từ Gọi giấc mơ về, Cổng mặt trời, Tơ duyên… đến sitcom Những đứa con từ trên trời rơi xuống, Nailbiz đại chiến, Yêu nhầm con gái ông trùm 2, với Đặng Thanh thì đã đam mê nghề là khó dứt.
Đặng Thanh đã có 15 năm gắn bó với nghề biên kịch – biên tập phim truyền hình
Học Ngữ văn và Xã hội học, rồi trải qua những năm tháng làm phóng viên tập sự ở mảng phóng sự tại đài truyền hình đã cho Đặng Thanh (Đặng Trần Triều Thanh) có vốn sống khá dày về xã hội, về con người. Năm 2005, khi phim truyền hình Việt bắt đầu có khung “giờ vàng” trên HTV thì cũng là thời điểm Đặng Thanh “lấn sân” làm tác giả kịch bản “Việt hóa” của phim Vòng xoáy tình yêu.
Bộ phim trở thành một “hiện tượng” và như chị nhớ lại “tôi may mắn được tiếp cận ngay với một kịch bản có giá trị nền tảng”. Bởi khi ấy Đặng Thanh đang phụ trách phần nội dung và format của các chương trình Chuyện không của riêng ai, Rồng Vàng, Vượt lên chính mình do Công ty Lasta phối hợp với HTV thực hiện.
Cảnh trong phim "Những đứa con từ trên trời rơi xuống" – kịch bản nhóm Đặng Thanh
Cơ duyên từ Vòng xoáy tình yêu khiến Đặng Thanh bước vào nghề biên kịch. Sau đó, chị được giao chăm chút cho kịch bản Gọi giấc mơ về - bộ phim về tuổi học trò gây “sốt” màn ảnh nhỏ năm 2007, rồi Đồng hồ cát, Hoa ngũ sắc… Còn phim Cổng mặt trời, chị là người lên ý tưởng rồi giao cho các cây bút trẻ hoàn thành kịch bản, từng lọt vào top 5 đề cử giải Mai Vàng 2010.
Thời gian trôi đi, hàng chục kịch bản có đề tài từ tuổi học trò, gia đình, tình yêu, ngôn tình, luật pháp, hiện thực xã hội đến các thể loại như tâm lý xã hội, hài hước, chính luận, hình sự hay “Việt hóa” mà Đặng Thanh giữ vai trò biên kịch hay biên tập như: Cái bóng bên chồng, Giấc mơ cổ tích, Vòng tay ấm, Đi qua dĩ vãng, Gió vẫn thổi từ biển, Tơ duyên, Thụy khúc, 30 ngày làm cha, Sóng đời, Ra giêng ai cưới em, Sóng gió cuộc đời, Ngõ vắng, Chuyện tình yêu, Vị yêu, Chung một mái nhà, Cha và con, yêu lần nữa, Tình như vô hình… đều trở thành phim chinh phục được đông đảo khán giả trên sóng HTV và một số đài truyền hình khác.
Cảnh trong phim “Yêu nhầm con gái ông trùm 2” - kịch bản của nhóm Đặng Thanh
Người trong giới đều biết biên kịch và biên tập phim rất vất vả, đòi hỏi phải kiên nhẫn, đam mê phim ảnh và có nhiều kinh nghiệm sống. Theo nghề thành nghiệp, Đặng Thanh từng nghỉ hai năm không viết kịch bản, nhưng chỉ thấy buồn chứ không vui, ý tưởng dồi dào “cất kho” mãi phải biến thành hiện thực. Cho nên, mấy năm gần đây phim truyền hình rơi vào tình trạng khủng hoảng, sản lượng phim sụt giảm đáng kể, Đặng Thanh vẫn bám trụ với công việc biên kịch.
“Bởi tên của mình, thương hiệu nhóm của mình đã gây dựng nhiều năm nên còn duy trì được. Tôi có một nhóm viết kịch bản sitcom, một nhóm viết kịch bản tâm lý xã hội, nhưng viết kịch bản chính luận thì phải tự viết, vì các bạn trẻ còn thiếu vốn sống và trải nghiệm thực tế”. Năm qua, Đặng Thanh là biên kịch và biên tập của các phim như: Những đứa con từ trên trời rơi xuống, Nailbiz đại chiến, Yêu nhầm con gái ông trùm 2… phát sóng trên HTV7.
Đặng Thanh (bìa trái) và đạo diễn Quốc Thuận của phim "Nailbiz đại chiến"
“Thời hoàng kim của phim truyền hình dài tập, chỉ riêng Công ty M&T Pictures đã đặt hàng viết 2-3 kịch bản mỗi năm, rồi còn nhiều nhà sản xuất khác nên sống khỏe với nghề. Bây giờ vẫn sống được, nhưng chấp nhận ngày xưa ăn thịt thì nay ăn lạc rang. Trong thời gian dài phim truyền hình Việt Nam đi xuống và rẽ lối sitcom, tôi chính là người buồn nhất, vì nghề và nghiệp của tôi gắn liền với truyền hình gần 15 năm qua. Tôi yêu vô cùng và mong ngóng nó khởi sắc như thời hoàng kim trước kia.
Nói đến đây, tôi cũng ngầm thừa nhận dòng phim sitcom đã tôi luyện cho mình một kinh nghiệm rất đáng ghi dấu: đó là làm kịch bản sitcom ngắn nhưng phải giữ ba yếu tố: kịch tính - mâu thuẫn - giải trí. Điều đó, kịch bản phim truyền hình Việt Nam hiện đang thiếu và rất cần cải tổ các cú pháp này. Tôi không biết những biên kịch "bị ngủ đông" có thừa nhận những cách làm kịch bản của mình cũ hay không? Riêng tôi thấy mình dồi dào ý tưởng trong thời gian này nhất. Vì đó là kết quả hai năm qua tôi được nhào nặn dòng phim sitcom. Thành công có, thất bại rớt ratting có, nhưng cú pháp phim của tôi gần như đã hoàn chỉnh để áp dụng cho cả kịch bản phim truyền hình lẫn sitcom” - Đặng Thanh chia sẻ.
Cảnh trong phim “Tơ duyên” về nghề lụa truyền thống – kịch bản Đặng Thanh
Đặng Thanh cũng cho biết, nghề biên kịch không bao giờ phải “nghỉ hưu” sớm, ở từng độ tuổi vẫn có thể theo đuổi công việc này. Bên cạnh viết những kịch bản độc lập, Đặng Thanh vẫn kết hợp với các nhóm viết tùy theo từng đề tài, có nhóm chỉ viết về trẻ em, có nhóm chỉ chuyên về tâm lý xã hội… Nếu ai đã cộng tác với Đặng Thanh đều biết chị rất nghiêm túc. Mọi người và bản thân chị phải tuân thủ những nguyên tắc rành mạch để có thể đảm bảo cho chất lượng kịch bản.
“Thị hiếu khán giả rất khó đoán. Kịch bản phim muốn được lòng khán giả thì cần có ý tưởng, tình tiết mới, sáng tạo và phải lạ, mới. Nhiều năm qua, hầu như năm nào cũng có kịch bản có đề tài lạ thành công. Sự thành công đó về cơ bản đều được đánh giá qua các yếu tố như: chất đời, tính giải trí tốt, triết lý sống nhân vật, thời cuộc, diễn viên đẹp và diễn xuất tốt, PR và truyền thông tốt”.
Dù rất bận rộn với các dự án riêng, rồi chăm sóc ba đứa con ở tuổi đến trường, Đặng Thanh vẫn quan tâm bồi dưỡng tay nghề cho các cây viết trẻ trong nhóm: “Các bạn trẻ nhiều ý tưởng nhưng không “gút” được, không có người truyền lửa. Dù họ được thị trường thực tế huấn luyện nhưng phải có trường lớp đào tạo cơ bản, các trại sáng tác để tạo một sân chơi”.
Trước thềm năm mới 2020, mong ước của Đặng Thanh là mảng phim truyền hình khởi sắc để các biên kịch say nghề, dồi dào ý tưởng có “đất” để dụng võ.
Thủy Hương