Biên tập viên Hoàng Hưng: Trở thành nhà báo là quyết định đúng đắn

Hoàng Hưng may mắn là được sinh ra trong môi trường văn chương. Vì vậy, con chữ đối với anh vừa là môi trường lớn lên vừa là một thú vui từ bé. Nhưng khi đó, Hoàng Hưng vẫn chưa nghĩ đến chuyện trở thành nhà báo.

Hoàng Hưng chụp với giàn DK1/12 trong chuyến đi năm 2018

Ba Hoàng Hưng ngoài việc là một nhà văn, ông còn là một nhà báo cộng tác với các tòa soạn trong cả nước. Thế nên, thỉnh thoảng anh cũng tập tành viết, để ba sửa, góp ý rồi gửi bài đến các báo. Bài báo đầu tiên được đăng là khi Hoàng Hưng học lớp 5. Nhưng khi ấy, anh vẫn chưa nghĩ đến chuyện sẽ trở thành một nhà báo.

Vốn dĩ lúc đầu, Hoàng Hưng chỉ luyện thi vào các ngành dành riêng cho khối A. Trong một buổi trò chuyện với ba mẹ về nghề nghiệp tương lai, anh từng hỏi: “Nếu cho mẹ chọn lại nghề nghiệp, thì mẹ sẽ chọn làm gì?”. 

Mẹ anh đáp: “Mẹ sẽ làm nhà báo”. Hoàng Hưng hỏi vì sao mẹ lại chọn như vậy, mẹ anh trả lời: “Vì làm nhà báo được đi đây đi đó nhiều, biết nhiều thứ, không bó buộc thời gian, không gian như nghề của mẹ bây giờ”. “Lúc đó, cả nhà mới nảy ra ý, tại sao tôi lại không thi thêm ngành Báo chí (khối D) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn? Thế là ngành báo chí trở thành một trong hai lựa chọn khi tôi đăng ký thi đại học”, Hoàng Hưng chia sẻ.

Sau kỳ thi đại học, Hoàng Hưng đậu cả hai khối A và D nhưng anh quyết định chọn nghề báo. Đến bây giờ, Hoàng Hưng nói, đây vẫn là quyết định đúng đắn bởi anh vẫn đang phát huy được sở trường viết lách của mình, được đến nhiều nơi, học hỏi nhiều thứ, gặp gỡ nhiều người thú vị. 

Hoàng Hưng chụp với cha con chú Bẻn trên đảo Song Tử Tây - một trong ba cặp nhân vật trong tập ký sự Hội ngộ ở Trường Sa

Từ những chuyến đi

Cho đến nay, Hoàng Hưng công tác tại Ban Chuyên đề - Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh cũng gần 10 năm. Anh thú thật, sau khi tốt nghiệp, HTV không phải là lựa chọn đầu tiên của mình vì bản thân thích hoạt động độc lập, và nghiêng về các kỹ năng của báo in nhiều hơn. Tuy nhiên, HTV vẫn là một tên tuổi hàng đầu trong làng báo, nên bất kỳ ai cũng muốn được làm việc trong môi trường năng động này. 

Trong những năm ngành truyền hình bùng nổ, HTV tổ chức thi tuyển phóng viên, biên tập viên, thế là Hoàng Hưng đăng ký thi và được nhận vào làm việc ở đây. 

Hoàng Hưng chia sẻ: “Tôi được phân công về Ban Chuyên đề phụ trách mảng Biên cương hải đảo. Do đặc thù của chương trình, những nơi tôi đến nếu không phải các hòn đảo xa tít ngoài đại dương thì cũng là chốn hoang vu, rừng núi ở các vùng biên giới của Tổ quốc. Thời đó, một tháng có 30 ngày thì có khoảng 15 ngày tôi có mặt ở các vùng biên giới, hải đảo để làm chương trình. Tôi thường nói vui với các bạn của tôi rằng, mang tiếng làm báo ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều khi đường xá còn không rành bằng những vùng xa xôi, hẻo lánh.

Hoàng Hưng trên boong tàu trong chuyến công tác Trường Sa năm 2018

Nhưng tôi thật sự rất biết ơn HTV, nhờ những chuyến công tác ở những vùng xa xôi đó mà tôi học được nhiều thứ. Tôi nghĩ, tuổi trẻ là khoảng thời gian để tích cóp kinh nghiệm, và những chuyến đi xa đó đã mở mang không ít vốn kiến thức của mình. 

Tôi cảm thấy thích và nhớ quãng thời gian đó, gian khó trui rèn sự bồng bột của tuổi trẻ và khiến vốn sống của mình tăng lên nhiều”. 

Qua những chuyến công tác đó, Hoàng Hưng học được cách xử lý mọi tình huống, học cách làm việc với những người lần đầu mới gặp, cách trò chuyện, trao đổi, hòa nhập với bà con người dân tộc, học cả cách làm việc trong một ê-kíp, cách tổ chức mọi việc vận hành trơn tru… 

Đó vốn là những điểm yếu của anh trước đây, nhưng nhờ được làm việc ở HTV, mọi thứ đã được khắc phục. 

Trường Sa như một ngôi nhà ở xa

Hoàng Hưng nói, anh may mắn đã được cử đến Trường Sa công tác bốn lần. Với anh, Trường Sa giống như một ngôi nhà ở xa của mình. Mỗi lần trở về, Hoàng Hưng lại thấy Trường Sa lớn mạnh hơn một chút, đầy đủ hơn một chút, đó cũng là niềm vui của một người phụ trách chuyên đề biển đảo. 

Mọi người thường hay hỏi Hoàng Hưng: “Đi nhiều vậy có chán, có mệt không?”. Anh luôn trả lời với họ rằng: “Không”. Bởi theo anh, mỗi lần đến Trường Sa, cảnh vật theo thời gian thay đổi, những con người nơi đây cũng phần nhiều thay đổi… Và nếu ai chịu quan sát một chút, sẽ tìm được niềm vui và những đề tài mới, nó lấp ló trong từng viên đá mà người dân đất liền mang ra cho Trường Sa, là cảm xúc của những người lần đầu được đến với vùng đất thiêng của Tổ quốc… 

“Mỗi lần đến với Trường Sa không chỉ là một chuyến công tác, với tôi nó là một dịp để ngẫm lại mình, để được trải nghiệm trong những điều kiện khó khăn nhất của Tổ quốc, xa lánh mọi phương tiện liên lạc hiện đại, các thú vui thị thành… để nhìn, ngẫm và nghĩ về bản thân nhiều hơn, để trân trọng và phát huy những gì mình đang có”, Hoàng Hưng bộc bạch.

Trong chuyến công tác đến Trường Sa vừa qua, Hoàng Hưng thực hiện một loạt 5 tập ký sự xoay quanh những trải nghiệm về cuộc sống nơi đây, cuộc hội ngộ của cha mẹ và con cái là chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, tâm tư tình cảm của những nghệ sĩ, những thành phần đa dạng của đoàn công tác mang đến Trường Sa… Sau khi loạt ký sự này được phát sóng đã đón nhận hiệu ứng tốt từ khán giả. Đó là thành quả lớn nhất mà những người làm báo luôn mong muốn.

Hoàng Hưng cùng ê-kíp tại Đảo Sinh Tồn Đông

Ấn tượng khó quên

Đối với những người công tác ở HTV, Trường Sa và Cầu Truyền hình là những nơi ghi lại dấu ấn đặc biệt trong tâm trí mỗi người. Để thực hiện một chương trình Cầu Truyền hình đòi hỏi công sức của rất nhiều người, từ phóng viên, biên tập đến nghệ sĩ, các bộ phận kỹ thuật, hậu kỳ… Từ khâu chuẩn bị nội dung, luyện tập, tổng dợt cho đến khi chương trình kết thúc, ai tham gia cũng đều phải dốc hết sức mình để Cầu Truyền hình được thực hiện thành công tốt đẹp. 

Trải qua nhiều chuyến công tác để thực hiện Cầu Truyền hình, có lẽ Cầu Truyền hình TP. Hồ Chí Minh - Song Tử Tây đã để lại cho Hoàng Hưng nhiều ấn tượng sâu sắc và khó quên nhất. Chuyến công tác đó, ê-kíp phải vận chuyển 50 tấn hàng hóa, trang thiết bị khổng lồ để đến với nơi xa nhất trong huyện đảo Trường Sa. 

Hoàng Hưng kể: “Lần đó, chúng tôi làm việc rất hối hả, sau khi chương trình kết thúc, mọi người phải nhanh chóng chuyển mọi thứ xuống tàu vì bão đến. Nếu không nhanh tay, cả đoàn có thể phải ở lại trên đảo vài ngày. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ tiêu tốn một lượng lớn nước, thực phẩm dự trữ của anh em trên đảo. Đó là điều chúng tôi không bao giờ muốn”. 

Cuối cùng chuyến tàu chạy vừa kịp lúc khi bão “dí” ngay sát sau lưng. Thật mừng vì mọi thứ đều như mong muốn, chương trình thành công tốt đẹp, khán giả có dịp xem một chương trình ý nghĩa, kết nối giữa đất liền và đảo xa thật hoành tráng. Còn với những người làm báo hình như Hoàng Hưng, đây thật sự là niềm vui và hạnh phúc.

Hoàng Minh