Tình cảm sâu sắc trong nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan đã mang lại cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm sân khấu và âm nhạc. "Bông hồng cài áo" cũng đã trở thành vở cải lương nhiều nước mắt từ tình cảm thiêng liêng ấy.
Ít ai biết rằng cố soạn giả Hoàng Khâm thuộc hàng “võ lâm ngũ bá” trong giới soạn giả cải lương trước năm 1975, với những kịch bản như Người đẹp Bạch Hoa thôn, Thảm kịch tuổi xanh, Vàng sáu bạc mười… Bông hồng cài áo cũng là một trong những tác phẩm "vang bóng một thời" của cố soạn giả Hoàng Khâm.
Các nghệ sĩ tập dợt, chuẩn bị cho buổi diễn chính thức tối nay (16/6)
Ở Việt Nam, nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan bắt đầu vào năm 1962, do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyến khích. Trước đó, trong một lần sang Nhật, đi nhà sách với bạn vào đúng Ngày của Mẹ (Mother’s day, ngày lễ truyền thống của nhiều nước Âu Mỹ), Thiền sư đã được một cô gái cài lên áo tràng một bông hoa trắng mà không rõ lý do. Hỏi ra thì thiền sư được biết trong ngày này ai còn mẹ thì được cài bông hoa đỏ, ai mất mẹ thì cài hoa trắng. Năm 1962, Thiền sư đã viết một bài viết dài mang tên Bông hồng cài áo. Chính bài viết và câu chuyện trên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã là khởi điểm cho mọi tác phẩm Bông hồng cài áo cải lương, kịch nói, tân nhạc và cả thơ ca nhạc họa về sau.
Vở cải lương Bông hồng cài áo quy tụ sự góp mặt của các nghệ sĩ: NSƯT Phượng Hằng, NSƯT Hữu Quốc, Thu Vân, Minh Trường, Văn Nguyên, Thúy Loan... cùng nhiều giọng ca trẻ được khán giả mộ điệu yêu mến.
Ngân mãi chuông vàng tháng 6 diễn ra vào lúc 20g tối nay tại Nhà hát HTV, truyền sóng trực tiếp lúc 21g trên kênh HTV9.
Bảo Châu