Doanh nhân truyền hình

Bùi Thanh Phong - Tâm huyết với chuyện xưa tích cũ

Là một nghệ sĩ, song cũng là một người kinh doanh, nhưng đạo diễn Bùi Thanh Phong vẫn chọn “đi chậm cho chắc” với đề tài chuyện xưa tích cũ…


Đạo diễn - Nhà sản xuất Bùi Thanh Phong

Bùi Thanh Phong (nghệ danh Bùi Ngọc Nam Phương) xuất thân từ ngành marketing, đã trải qua công việc của nhân viên tiếp thị sản phẩm, rồi làm quảng cáo. Sau đó, có điều kiện tiếp xúc, cộng tác với những đơn vị làm chương trình giải trí cho các đài truyền hình, dần dần cảm thấy yêu thích và phù hợp nên anh quyết định rẽ ngang.

Cách đây gần 10 năm, khi tham gia vào thị trường sản xuất phim truyền hình, Bùi Thanh Phong suy nghĩ phải chọn phân khúc nào cho phù hợp, khi dòng phim này, thể loại phim kia đã bão hòa hoặc không phù hợp với khả năng của mình. 

Những kiến thức về marketing cho anh kinh nghiệm rằng, muốn tồn tại thì phải đi vào “thị trường ngách”, chọn thể loại nào, hay dòng phim nào mà người ta chưa làm hoặc ít làm.

Chọn đề tài như thế nào, thị hiếu khán giả thích cái gì cũng là điều mà anh trăn trở. Sau các phim tâm lý xã hội hiện đại như Cô dâu tuổi Dần, Bao la tình mẹ, Theo mãi bóng em… Bùi Thanh Phong chọn đề tài gia đình với câu chuyện và bối cảnh Nam Bộ xưa như Lời sám hối, Ải trần gian… 

Dù những bộ phim này đạt được rating khán giả khá cao, lẽ ra nên làm tiếp thì anh dừng lại khi xuất hiện nhiều nhà sản xuất cũng làm phim dạng này. 

Có lẽ cũng do anh quen cách làm việc của dân quảng cáo là phải luôn thay đổi, lặp lại là thấy sáo mòn và nhàm chán về cảm xúc. Hơn nữa, bản thân Bùi Thanh Phong luôn muốn phải làm sao cân bằng được giữa sáng tạo của người nghệ sĩ và kinh doanh. 

Bởi chạy theo kinh doanh, thì sẽ không còn có thể “chìu” theo mong muốn của người nghệ sĩ là làm ra những bộ phim hay mà khán giả không cảm thấy nhàm chán và “bội thực”, vì thấy “ăn khách” nên một vài dòng phim nào đó lại xuất hiện quá nhiều trong cùng một lúc.


Bùi Thanh Phong (giữa) trong lễ ra mắt phim “Trần Trung kỳ án”

Sau một thời gian dài nghiên cứu về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, Bùi Thanh Phong quyết định làm bộ phim cổ trang Trần Trung kỳ án (dài 100 tập) lấy đề tài điều tra phá án dựa trên những chuyện xưa tích cũ mang đậm chất thuần Việt, và ý nghĩa nhân văn. 

Khi được hỏi, lấy chủ đề chính là câu chuyện về quan huyện thanh liêm xử án, Trần Trung kỳ án dễ bị so sánh với bộ phim Bao Thanh Thiên của Đài Loan, Bùi Thanh Phong đã giải thích rằng, đề tài phim cổ trang phá án chưa thực sự được chú ý khai thác tại Việt Nam, trước đây chỉ có một vài bộ phim truyền hình dài tập như Minh Tâm kỳ án của hãng phim TFS sản xuất. 

Nguyên nhân vì kịch bản quá khó, nội dung kén người xem và hơn hết nó dễ bị đem so sánh với phim Hoa ngữ. Nhưng anh vẫn muốn thực hiện thành một sê-ri dài phục vụ khán giả không chỉ về mặt giải trí, mà hơn hết còn muốn tạo ra sự khác biệt cho thị trường phim truyền hình, khi số đông chỉ tập trung vào làm phim tâm lý xã hội thời nay. 

Đầu năm 2017, 43 tập của phần đầu Trần Trung kỳ án đã phát sóng, có được rating khá cao và phản hồi của khán giả khá tốt. Trong tâm trạng hào hứng, Bùi Thanh Phong “bật mí” rằng, sẽ làm phim cổ trang cho đến khi nào cảm thấy chán thì thôi, vì đề tài này còn nhiều cái để khai thác, kho tàng chuyện xưa tích cũ rất phong phú và dùng chuyện xưa nói nay vẫn hợp thời. 

Vào đầu năm nay, sau thời gian chuẩn bị kỹ càng, Bùi Thanh Phong tiếp tục hoàn thành hơn 40 tập phim Trần Trung kỳ án phần 2 và đang đợi thời điểm phù hợp để phát sóng. Mặc dù mỗi năm chỉ làm một phim truyền hình dài tập là quá ít nhưng anh muốn đi chậm mà chắc, vì dù là kinh doanh nhưng làm nghệ thuật và phục vụ khán giả vẫn là phương châm được anh đặt lên hàng đầu. 

Trên thực tế, ngoài làm phim dài tập thì từ gần 6 năm nay, Bùi Thanh Phong còn thực hiện được hơn 200 tập Thế giới cổ tích – một chương trình kể những câu chuyện xưa, tích cũ, từ kho tàng truyện dân gian Đông Tây kim cổ, được thể hiện theo một lối kể chuyện mới mẻ và  gần gũi. 

Những câu chuyện này giúp khán giả, nhất là trẻ nhỏ cảm nhận được một cách dễ dàng, trọn vẹn nhất những giá trị nhân văn về ứng xử, đạo đức, bài học làm người lương thiện, có ích… được chuyển tải trong đó.

Cảnh trong phim “Trần Trung kỳ án”

Hương Thủy