Đàn Bầu không chỉ được yêu thích ở Việt Nam - quê hương của loại nhạc cụ độc đáo này, mà còn được phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và được bạn bè khắp năm châu ca ngợi.
Tiết mục hòa tấu Lý kéo chài
Trong chương trình Cầu vồng ngũ sắc tháng Bảy (phát sóng ngày 17/7/2018 trên HTV9, phát lại lúc 9g10, ngày 24/7 trên HTV9) mang chủ đề Đàn Bầu, mang đến cho khán giả những tác phẩm độc đáo, như: Liên khúc nhạc cụ dân tộc: Lý kéo chài – Giăng câu (Dân ca Nam Bộ - Hòa tấu nhóm nhạc dân tộc và nhạc cụ dân tộc), Ba kể con nghe (Sáng tác: Nguyễn Hải Phong - Kết hợp nhạc cụ phương Tây), Mashup Quê hương Việt Nam (Nhạc EDM – Nhạc: Anh Khang, Lời: Anh Khang – Suboi), Em gái mưa (Sáng tác: Mr.Siro - Cover nhạc mới)... được thể hiện qua ngón đàn của nghệ sĩ Thu Thảo và phần đệm nhạc của một số nghệ sĩ khác.
Trong hệ thống các nhạc cụ Việt Nam, đàn bầu hay còn gọi là “Độc Huyền Cầm” là một nhạc cụ thuần Việt, độc đáo của người Việt Nam và cũng được coi là một trong số nhạc cụ hiếm hoi của thế giới.
Thân đàn bầu được làm bằng gỗ dài khoảng 1,15m; cần đàn làm bằng sừng tre dẻo dài khoảng 50-70 cm (sau này thay bằng sừng trâu), dây đàn được làm bằng dây sắt, bầu đàn làm bằng đầu cuống quả bầu nậm hoặc gỗ tiện giống quả bầu.
Ngoài ra, một thứ không thể thiếu là que đàn - ngày trước làm bằng tre, được vót tròn như cái đũa, dài khoảng 20cm, sau này thay bằng giang hoặc cây song, là những chất liệu vừa mềm dẻo vừa dai chắc, được vót bẹt dài khoảng 6cm-9cm, rộng khoảng 4mm và có đánh bông ở đầu que để tiếng gảy cho êm.
Âm thanh của đàn bầu được tạo nên từ các âm bồi của dây đàn, kết hợp với việc dùng cần đàn để căng dây lên hoặc chùng dây xuống trên một sợi dây duy nhất, từ đó tạo ra nhiều âm thanh có các cao độ khác nhau với âm sắc trong trẻo, trầm bổng.
Nhiều người nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam đã gọi Việt Nam là “Đất nước đàn bầu” và “Quê hương đàn Bầu”, như mấy câu thơ của nữ thi sĩ Meray người Pháp đã viết: “Cây đàn Bầu thật giống với con người Việt Nam/ Nghèo của mà giàu lòng nhân ái/ Giản dị mà thanh cao/Đơn sơ mà phong phú”.
Các tác phẩm được trình diễn trong chương trình:
Ba kể con nghe
Tuổi thơ âm nhạc của con là cây đàn guitar, là piano, là trống và là ba... ca khúc Ba kể con nghe (sáng tác: Nguyễn Hải Phong) đã kể một câu chuyện đầy cảm xúc của đứa trẻ đầu đời, được cha yêu thương bằng âm nhạc. Trong chương trình, ca khúc Ba kể con nghe sẽ được kể lại bằng tiếng thánh thót đầy tự sự của đàn bầu và tứ tấu dây.
Sự kết hợp giữa đàn bầu và đàn dây rất hài hòa, có khi tứ tấu pizz đệm cho đàn bầu, nhưng cũng có khi đàn bầu đi những âm đệm rất nhẹ nhàng cho violin đi giai điệu chính. Ở đoạn giao tấu đàn bầu thể hiện sự ngẫu hứng tự do, sử dụng những kỹ thuật chặn dây đàn... tất cả khiến cho bản phối vẫn mang chất hiện đại, nhưng rất Việt Nam.
Tiết mục Ba kể con nghe
Quê hương Việt Nam (bản Mashup)
Nói về sự đặc biệt của đàn bầu, có lẽ phải nói đến cách điều chỉnh cao độ của cần đàn. Khác với đàn tranh, tam thập lục, đàn bầu chỉ có một dây và điều chỉnh cao độ hoàn toàn bằng cần đàn.
Người chơi phải rất nhạy cảm với cần đàn để có thể chơi đúng cao độ và theo đúng ý người chơi, nhất là các quãng quá xa. Ở bản bản EDM Quê hương Việt Nam - một sáng tác của Anh Khang, đàn bầu sử dụng rất nhiều các kỹ thuật như kỹ thuật gảy 2 chiều, pizzicato, kỹ thuật vê để thể hiện sự hiện đại của âm nhạc. Ngoài ra, người chơi còn sử dụng những nét giai điệu của dân ca miền Bắc vào các đoạn giang tấu, khiến bản phối phong phú hơn rất nhiều.
Tiết mục EDM Quê hương Việt Nam
Em gái mưa
Em gái mưa - Một trong những ca khúc hit của Hương Tràm được sáng tác bởi Mr.Siro, thời gian qua đã được các bạn trẻ cover rất nhiều. Trong chương trình, bản hit này sẽ được làm mới qua tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Thu Thảo.
Chắc hẳn cảm xúc của bài hát khi truyền tải qua tiếng đàn bầu – một nhạc cụ dân tộc chứ không phải một giọng hát sẽ gợi rất nhiều cảm hứng mới cho người nghe.
Tiết mục Em gái mưa
Thiên Hương