Một trong những nét độc đáo mang phong vị riêng của phim truyền hình phía Nam là sự xuất hiện của những điệu hò câu hát, của những trích đoạn cải lương đan xen trong các thước phim với hành trình đầy biến cố của mỗi nhân vật.
Thầy giáo Bảy, cô Năm Xuân và bé An diễn đoạn Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga
Nhắc đến những bộ phim truyền hình mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ, không thể không kể đến "Đất phương Nam" (TFS), một bộ phim "có sức sống vượt thời gian". Có rất nhiều điều hay, điều đẹp và ý nghĩa được chuyển tải trong bộ phim dài 11 tập này. Và một trong số đó là dấu ấn của những câu hò điệu lý, của nói thơ, nói vè, của những trích đoạn cải lương...
Đơn cử như khi An (Hùng Thuận) gặp lại thầy giáo Bảy (NSND Thanh Điền) tại gánh hát, khán giả đồng cảm với cuộc sống rày đây mai đó của người nghệ sĩ. Họ đi khắp nơi biểu diễn để mang niềm vui đến cho người dân trong cuộc sống cơ cực, để khơi gợi lòng yêu nước. Theo đó, khán giả được sống lại trong không khí mộc mạc của vở "Lục Vân Tiên"; hay đau đến xé lòng trong cảnh cô Năm Xuân (nghệ sĩ Kiều Oanh) hát "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà" rồi tự vẫn...
Câu hò trở thành chiếc neo giúp những tay chèo thêm vững chãi
Trong bối cảnh mênh mông sông nước, người đi mở đất mang theo niềm tin và hy vọng, xuôi ghe xuồng qua những ngày khai khẩn. Khi đó, những câu hò điệu lý trở thành chiếc neo giữ lòng người xa xứ thêm vững chãi, giúp tay chèo thêm chắc chắn, giúp họ gắn bó bền chặt với nhau và kết thân với những người xa lạ cùng cảnh ngộ.
Câu chuyện này được phần nào được khắc họa rõ nét trong "Đất phương Nam", đơn cử như ở đoạn phim trên. Đó là khi cậu bé An theo gia đình ông bà Tám Luông bỏ về miệt Nọc Nạng vì không chịu nổi sự cướp công và ức hiếp trắng trợn của địa chủ. Họ rời đi cùng nguyện vọng chính đáng là được tự quyền mưu sinh trên mảnh đất do mình khai khẩn. Tiếng hò cũng chính là tiếng lòng của người dân chân chất, một lòng yêu đất yêu quê.
Ông Ba Ngù cưu mang bé An mồ côi
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến nhân vật Ba Ngù (NSƯT Hồ Kiểng) trong "Đất phương Nam". Ông có thể ca, ngâm, nói vè, nói thơ... bất cứ khi nào, bất kì ở đâu, dù là trong lúc say hay giữa cánh đồng chim vạc kêu chiều, dù là giữa đêm khuya vang tiếng dế, xen lẫn tiếng kẽo kẹt võng đưa hay ồn ã qua lại trong quán nhỏ.
Ông Ba Ngù ngẫu hứng vè "Bậu lỡ thời" cùng người dân ở quán dì Tư Ù
NSƯT Hồ Kiểng bằng tài hoa của mình (ông đã sáng tác 240 bài vọng cổ, tiểu phẩm, hài; 664 bài thơ trong suốt cuộc đời mình) đã xây dựng nên một hình tượng Ba Ngù có một không hai trong lịch sử phim ảnh Việt. Chỉ cần ông Ba Ngù xuất hiện trên khung hình, người xem sẽ cảm nhận được rõ nét sự mộc mạc và gần gũi, một vẻ đẹp rất Nam bộ!
Người nghệ sĩ dùng lời ca để thể hiện nỗi lòng khi đất nước bị chia cắt
Hay trong phim "Ván bài lật ngửa", khán giả đã cùng kĩ sư Luân (Chánh Tín) và cô Dung (Thúy An) đi xem vở tuồng "Lấp sông Gianh". Thời Trịnh - Nguyễn (1570 – 1786), sông Gianh được coi là ranh giới chia cắt Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Người nghệ sĩ đã mượn chuyện xưa để nói lên nỗi lòng của người dân đất Việt, khi nước nhà bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) sau ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954). Đó cũng là nỗi lòng của cô Dung vào ngày 20/7 hàng năm, vậy nên khi nghe hát, cô Dung đã nói: "Xúc động thật, chị Ngọc Lê này lôi cả em về bên kia sông Bến Hải".
Để giở trò phá đám, bọn an ninh quân đội đã gây nổ buổi diễn khi cô Ngọc Lê vừa dứt câu "bởi không kẻ bạo ngược nào phân ly nổi tình máu mủ nghĩa đồng bào, không sức mạnh nào tách lìa nổi cha - con, chồng - vợ...".
Được biết, phân đoạn này dựa trên một sự kiện có thật, xảy ra ngày 19/12/1955 trong đêm hát khai trương đoàn Kim Thoa với vở tuồng "Lấp sông Gianh" tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Lúc đó, bọn mật thám Ngô Đình Diệm đã ném lựu đạn lên sân khấu. "Ván bài lật ngửa" cũng đã phát triển một trường đoạn sau đó để giải quyết sự vụ ở rạp Nguyễn Văn Hảo, với diễn xuất ấn tượng của ông Lâm Bình Chi trong vai Ngô Đình Nhu.
Còn hơn một tuần nữa, top 28 thí sinh "Chuông vàng vọng cổ" 2024 sẽ được công bố. Đến hẹn lại lên, mỗi mùa "Chuông vàng vọng cổ" không chỉ là cơ hội để những tài năng trẻ tìm đến so tài, những nghệ sĩ gạo gội tiếp tục truyền lửa, nghệ sĩ trẻ "ôn cố tri tân" mà còn là dịp để đông đảo khán giả mộ điệu và đặc biệt là những người trẻ có dịp được tiếp cận những điều hay, điều đẹp trong bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương. Qua đó tạo nên những thế hệ nghệ sĩ và khán giả kế thừa để góp phần gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc. |
Thiên Bình