Nghệ sĩ và sàn diễn

Cải lương xã hội hóa hướng đến công chúng trẻ

Cuộc trò chuyện giữa đạo diễn - nhà báo Thanh Hiệp và các vị khách mời: NSƯT - nhạc sĩ Văn Môn, NS Diễm Thanh, NSƯT Kim Tử Long và đạo diễn Lê Nguyên Đạt về những vấn đề của sân khấu cải lương xã hội hóa.


Từ trái qua: Đạo diễn Thanh Hiệp, NSƯT - nhạc sĩ Văn Môn, NS Diễm Thanh, NSƯT Kim Tử Long và đạo diễn Lê Nguyên Đạt trong chương trình phát sóng lúc 9g, ngày 11/11/2018 trên HTV9

Điều mà các nghệ sĩ khách mời quan tâm, đó là cải lương không sống được trên chiếc nôi của mình là một nghịch lý. 

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt  - Giám đốc Sân khấu Sen Việt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, từ “cú hích” xã hội hóa của sân khấu kịch nói, phong trào sân khấu xã hội hóa nở rộ, sàn diễn cải lương xã hội hóa ra đời, đi vào hoạt động như: CLB Cải lương Tinh Hoa của nghệ sĩ Tiểu Linh, Kim Thoa; CLB Sen Việt, CLB Sân khấu thể nghiệm, CLB Ba thế hệ, nhóm “Ba thế hệ về lại cội nguồn” của NSƯT Kim Tử Long, sân khấu Lê Hoàng, nhóm nghệ sĩ Kim Ngân, nhóm xã hội hóa của NS Diễm Thanh… và sắp tới có hai đoàn: NSƯT Vũ Luân, NS Chí Linh – Vân Hà ra đời.


Nhạc sĩ Văn Môn và đạo diễn Lê Nguyên Đạt

Nhạc sĩ Văn Môn cho rằng, sàn diễn cải lương đi vào xã hội hóa cần phải chuẩn bị chiến lược; việc lắp ghép nghệ sĩ vào nhóm chỉ cho đủ mặt đào kép rồi tìm vở diễn, tìm rạp thuê biểu diễn vài suất sẽ không hiệu quả. Ông cho rằng, trong Liên hoan cải lương toàn quốc vừa qua, nhiều nhạc sĩ của dàn cổ nhạc trẻ xuất hiện, các ban nhạc cổ đồng đều, đạo diễn trẻ cũng đã nỗ lực mang lại nhiều tác phẩm mới, nhất là các đơn vị xã hội hóa với các vở như: Tổ quốc nơi cuối con đường, Hồn của đá, Rạng ngọc Côn Sơn, Lối về…

Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, để cải lương sống được với mô hình xã hội hóa, nghệ sĩ phải đoàn kết. “Hiện nay, ai cũng nói yêu nghề, sẵn sàng tham gia nhưng rồi một nhóm ra đời, chỉ diễn vài suất, nghệ sĩ ngôi sao báo kẹt lịch, phải ngưng việc bán vé.

Bên cạnh việc thiếu chiến lược, sàn diễn cải lương khó sống được còn do thiếu sự đoàn kết. Trong khi đó, nếu không gắn liền với đời sống sàn diễn, cải lương cứ làm theo kiểu “có gì hát nấy” thì khán giả mộ điệu cảm thấy bị xem thường. Nên chăng, cần thành lập Hiệp hội sân khấu cải lương xã hội hóa. Hiệp hội này được thành lập trên tinh thần xã hội hóa, sẽ là cầu nối liên kết các nghệ sĩ với nhau. Khi liên kết, sẽ cùng nhau tạo ra định hướng phát triển và đề ra kế hoạch dàn dựng vở diễn bằng nguồn lực tài chính xã hội hóa...” - đạo diễn Lê Nguyên Đạt khởi xướng.

NSƯT Kim Tử Long cho rằng, sân khấu kịch nói xã hội hóa thành công một thời cho thấy các sàn diễn kịch trước đây quy tụ nhiều nghệ sĩ cùng bỏ vốn đầu tư, như kịch Phú Nhuận hoạt động khá hiệu quả. Danh dự nghệ thuật, lòng tự trọng của nghệ sĩ và quyền lợi là động lực sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của từng nghệ sĩ”.


Nghệ sĩ Diễm Thanh và nhạc sĩ Văn Môn

Nghệ sĩ Diễm Thanh – trưởng nhóm xã hội hóa đã dàn dựng vở Lối về nói: “Tôi mong có sự hỗ trợ của các cấp có chức năng, đưa vở diễn sau Liên hoan của các đơn vị xã hội hóa đến với công chúng. Bằng cách liên kết để đưa đến khán giả học sinh, sinh viên và công nhân lao động”.

Các nghệ sĩ khách mời của chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn đều nhắm đến mục đích duy nhất, đó là đưa tác phẩm đến với công chúng, nhất là khán giả trẻ, để hướng đến một thế hệ khán giả biết nâng niu, gìn giữ giá trị di sản văn hóa của ông cha để lại.

Thanh Hiệp