Cảm động và “vui hết biết” khi "Đảo Khát" nhận được các giải thưởng

"Đảo Khát" của đạo diễn Lê Phương Nam nhận được Giải Vàng tại "Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39". Dưới đây là những chia sẻ của ông về quá trình thực hiện bộ phim cũng như cảm xúc khi bộ phim được khán giả quan tâm bên cạnh các giải thưởng.


"Đảo Khát" được đạo diễn Lê Phương Nam cảm tác từ truyện ngắn "Thương qu rau răm" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

“Đảo Khát” truyền tải nhiều thông điệp sâu sắc và ý nghĩa

Đạo diễn Lê Phương Nam cho biết, biển Đông càng lúc càng trở thành đề tài nóng hổi, ý chí và tình cảm quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Biển Đảo trong Đảng, Nhà nước và mỗi con người Việt Nam chúng ta trước những âm mưu thôn tính của thế lực ngoại bang. Mặt khác, môi trường biển và việc khai thác môi trường biển bền vững là những vấn đề sống còn của nhân loại và ngư dân khai thác tài nguyên biển. Từ chủ trương và được sự chấp thuận của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV), TFS đã chọn Lý Sơn làm bối cảnh để thực hiện đề tài này.

“Khi tôi cùng đoàn làm phim đi thực tế nơi đảo Lý Sơn để xây dựng kịch bản, chúng tôi đã cảm nhận hòn đảo này như một chiến hạm đang canh giữ nơi cửa biển, đất liền và mang trong mình trọng trách tiền tiêu giữa biển Đông. Đây là nơi mà nhiều thế hệ ngư dân không chỉ đối mặt với biển khơi, bão tố mà còn phải chống chọi với kẻ cướp và kẻ thù xâm lược; nơi mà trải qua hơn bốn thế kỷ, đội hùng binh Hòang Sa được hình thành và giữ trọng trách lớn lao trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Quốc gia. Và nơi đây còn mang trong lòng một kho báu di sản của nền Văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa hòa chung vào nền văn hóa Việt, mang trong lòng nỗi khát khao vươn ra khơi xa từ tiền nhân trao lại. Những ngư dân mong ước ra vùng khơi, vùng lộng nơi Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác nguồn thủy sản, thoát tấm lưới đói nghèo và xác định chủ quyền đất nước. Cũng năm đó - 2014, các lực lượng chấp pháp của chúng ta đang đấu tranh buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi lãnh hải Tổ quốc mình! 


Đạo diễn Lê Phương Nam đã chuyển làng quê nghèo Nam bộ trong truyện thành làng biển nghèo trên đảo Lý Sơn khi làm phim

Vì vậy, khi trở về nhà, tôi đang loay hoay cấu tứ cốt truyện, xây dựng tính cách nhân vật thì thời may tôi đọc được truyện ngắn Thương quá rau răm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Câu chuyện kể về cuộc sống và con người ở một cù lao nơi tận cùng Tổ quốc. Tuy truyện không có những sự kiện lớn lao, biến cố nổi bật của một cốt truyện lắt léo, phức tạp… Tính cách nhân vật cũng không có quá trình bộc lộ và phát triển mà dường như tồn tại hiển hiện, sẵn có trong cuộc sống. Tôi cũng như mọi người đọc, đã cảm nhận được từ tác phẩm tấm lòng nhân hậu của con người vùng đất mũi. Không triết lý màu mè, cao sang gì, chính tấm lòng yêu thương chân thành của ông Tư Mốt với đất và người, mong muốn làm được điều tốt cho cuộc sống của bà con mình đã thuyết phục và khiến tôi cảm mến, rồi thương yêu.

Thương quá rau răm là một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng chứa đựng một triết lý nhân sinh sâu sắc. Tôi đã xin phép nhà văn để được cảm tác và gieo chuyển từ một làng quê nghèo Nam bộ thành Đảo Khát - một làng biển nghèo trên đảo Lý Sơn. Cũng nơi đây, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn và những vấn đề thiết thực của những người dân khi nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước nuôi dưỡng cỏ cây, gia súc chỉ trông chờ vào mùa mưa và tích trữ”, đạo diễn Lê Phương Nam chia sẻ lý do ra đời của bộ phim Đảo Khát do ông viết kịch bản và “cầm trịch”.


Khi thực hiện bộ phim, ê-kíp đã gặp không ít khó khăn khi phải ghi hình ở môi trường biển

Khi bộ phim ra mắt, ngay tựa đề Đảo Khát đã đem lại cho người xem nhiều cảm xúc. Người viết đã hỏi đạo diễn Lê Phương Nam vì sao bộ phim lại mang tên Đảo Khát thì ông nói: “Cơn khát của hòn đảo này hiển hiện trong những cái chết đau thương của những ngư dân gặp nạn trên biển. Cơn khát của những nhu cầu tối thiểu nhưng thiết yếu của cuộc sống trên hòn đảo - nơi bị cô lập hoàn toàn với đất liền trong mùa giông bão; nơi trường học chỉ tới cấp hai; nơi có bệnh xá nhưng không bác sĩ; nơi có máy siêu âm nhưng không nguồn điện; nơi mà bệnh sài đẹn vẫn có thể giết chết trẻ thơ hay bệnh hậu sản vô phương cứu chữa; nơi mà những căn bệnh của nghề ngư dân lặn biển đành phải phó mặc cho trời; nơi con người sinh ra trên mặt đất nhưng thân xác lại gởi nơi lòng biển cả chỉ còn lại ngôi mộ gió nơi đây. Tên phim Đảo Khát có lẽ xuất phát từ bản chất hiện thực của cuộc sống sinh động này!

“Vui hết biết” khi “Đảo Khát” nhận được giải thưởng

Không có đoàn làm phim nào mà không gặp phải những gian nan, khó khăn, cực khổ mà theo đạo diễn Lê Phương Nam nói: “Không gặp mới là lạ!”. Bộ phim Đảo Khát được thực hiện ở môi trường biển nên không thể tránh khỏi mưa bão, gió dập sóng dồi… Ông kể: “Nếu là đàn ông còn đỡ, chỉ thương, chỉ tội cho những bạn nữ. Chị thư ký đã ngất xỉu trên thuyền thúng, cũng may mà không rơi xuống biển; các diễn viên nữ ai nấy đều say sóng, họ hoàn toàn không biết gì cho đến khi tàu cập bến vì gặp bão; hay khi họ đạp phải gai của con nhum biển, nhức thấu trời xanh; thậm chí họ còn không dám uống nhiều nước vì không có chỗ vệ sinh khi lênh đênh trên biển dưới trời nắng gió cả ngày trời…”. 


Để có thể ghi được những cảnh quay đẹp dưới nước, đạo diễn Lê Phương Nam cùng nhóm quay phim đã phải học một lớp chuyên về lặn biển

Trong các bộ phim của TFS, hầu hết các bối cảnh chỉ quay trên đất liền, còn ở Đảo Khát, có rất nhiều cảnh quay dưới biển. Ngoài việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng có thể quay dưới nước, để có thể ghi lại những thước phim đẹp mang tính nghệ thuật như cảnh lặn đánh bắt cá dưới lòng biển, TFS đã cử một đội quay phim theo học một lớp chuyên về lặn biển. Vì thế, ngay từ tập đầu tiên của Đảo Khát, khán giả đã có thể xem được những cảnh quay dưới biển đẹp tuyệt mĩ mà có lẽ chưa từng xuất hiện trong phim truyền hình. 

Sau gần 5 năm hoàn thành, Đảo Khát đã được lên sóng, nhưng đề tài và thông điệp gởi tới người xem vẫn nóng hổi tính thời sự. Trong khi hàng loạt sitcom ồ ạt “đổ bộ” màn ảnh nhỏ khiến người xem có cảm giác “ngán”, thì Đảo Khát lại là bộ phim mang đầy ý nghĩa nhân văn nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả. Không chỉ vậy, bộ phim còn đạt được Giải Vàng của Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc lần thứ 39; Giải A của Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. 


"Đảo Khát" của đạo diễn Lê Phương Nam (bìa trái) nhận Giải Vàng tại “Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39”

Khi người viết hỏi đạo diễn Lê Phương Nam cảm xúc thế nào khi bộ phim đạt được giải thưởng thì ông trả lời: “Bộ phim được phát sóng là tôi đã vui, nay đạt được giải thưởng còn vui hết biết. Bên cạnh niềm vui này, tôi cảm động khi trong ánh vàng của giải thưởng hiển hiện những giọt mồ hôi, những gian nan, vất vả của tất cả những anh chị em trong đoàn đã góp sức làm nên bộ phim này”. 
Hoàng Minh