Cần phản ánh, gọi 1022!

Tất cả phản ánh của người dân liên quan sự cố hạ tầng, về kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng... trên địa bàn TP HCM thông qua Cổng Thông tin 1022 sẽ được tiếp nhận, xử lý, phản hồi triệt để.

UBND TP HCM đã ban hành Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trên Cổng Thông tin 1022 (gọi tắt là Cổng 1022) theo Quyết định 4874, để bảo đảm các phản ánh của người dân, doanh nghiệp, tổ chức được tiếp nhận và xử lý kịp thời, hiệu quả. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về kênh thông tin hữu hiệu này.

Phóng viên: Quy mô phát triển của Cổng 1022 hiện nay ra sao, thưa ông?

- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM LÂM ĐÌNH THẮNG: Cổng 1022 được UBND TP HCM chỉ đạo thực hiện, giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, cùng các đơn vị tham gia xử lý các sự cố do người dân, tổ chức và doanh nghiệp phản ánh.
 
Ban đầu, đây là kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân liên quan cơ sở hạ tầng, đô thị, môi trường... và góp ý xây dựng, phát triển TP HCM. Sau đó, nhất là trong giai đoạn cao điểm chống dịch COVID-19, Cổng 1022 được phát triển là kênh tiếp nhận hầu hết thông tin phản ánh từ người dân đến chính quyền nhằm kịp thời xử lý nhanh nhất vấn đề phát sinh trên địa bàn.

Đến nay, Cổng 1022 có sự tham gia của 86 đơn vị, 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng. Nếu như trước đây, mỗi năm, Cổng 1022 chỉ tiếp nhận 20.000 tin thì trong 10 tháng đầu năm 2023, số lượng phản ánh đã lên hơn 40.000.

Tất cả phản ánh của người dân sau khi được cơ quan, đơn vị xử lý đều được công khai trên hệ thống và thông báo cho người dân biết. Cổng 1022 đã làm tốt vai trò cầu nối giữa người dân và chính quyền.

Phóng viên: Vì sao TP HCM phải ban hành quy chế mới liên quan Cổng 1022?

- Trong năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích hợp Đường dây nóng TP HCM (0888.247.247) nhằm mang lại hiệu quả trong việc tập trung dữ liệu về xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; giảm đầu mối các ứng dụng, tổng đài riêng lẻ. Do vậy, cần thiết ban hành một quy chế mới thống nhất, thay thế 2 quy chế cũ (quy chế Cổng 1022 theo Quyết định 1478/2020 và Quy chế Đường dây nóng theo Quyết định 3813/2016).

Quy chế mới quy định chặt chẽ, rõ ràng trách nhiệm từng bộ phận, đơn vị trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin của người dân phản ánh qua Cổng 1022. Theo đó, sau khi nhận được thông tin phản ánh, tổng đài viên sẽ phân loại và chuyển đến các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các đơn vị hạ tầng qua phần mềm tiếp nhận và xử lý Cổng 1022 hoặc App 1022.

Phóng viên: Việc xử lý thông tin được phân làm 3 nhóm lĩnh vực lớn.


Về hạ tầng kỹ thuật: Trường hợp sự cố bình thường thì trong thời gian không quá 2 giờ, đơn vị có trách nhiệm xử lý phải cử nhân sự kiểm tra hiện trường, xác minh thông tin. Tiếp đó, đơn vị xử lý phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục sự cố trong thời gian không quá 2 giờ.

Trường hợp sự cố phức tạp, không thể khắc phục ngay thì xử lý tạm thời (rào chắn, treo biển cảnh báo…) trong khoảng thời gian không quá 2 giờ; phối hợp với các đơn vị liên quan (nếu có) để khắc phục sự cố trong thời gian không quá 8 giờ.

Về kinh tế - xã hội - văn hóa, quốc phòng - an ninh: Đơn vị trực thuộc xử lý tiếp nhận, xác minh sự việc và phản hồi kết quả đến Cổng 1022 qua App 1022 hoặc phần mềm xử lý của Cổng 1022. Thời gian xử lý và phản hồi kết quả không quá 5 ngày làm việc.

Về những hiến kế góp phần xây dựng, bảo vệ, phát triển TP HCM và những nội dung đã có chỉ đạo của lãnh đạo thành phố nhưng chậm thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu, kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thì bộ phận tiếp nhận của Văn phòng UBND TP HCM rà soát, chuyển đến các đơn vị không quá 1 ngày làm việc. Thời gian xử lý và phản hồi kết quả của việc xem xét hiến kế không quá 10 ngày làm việc, trường hợp cần phối hợp với các đơn vị liên quan khác thì không quá 15 ngày làm việc.

Phóng viên: Ngoài việc biểu dương, khen thưởng những đơn vi làm tốt, những đơn vị chậm xử lý hoặc xử lý phản ánh không đến nơi đến chốn có bị xử phạt?

- Trong 10 tháng đầu năm 2023, khối cơ quan nhà nước sở - ngành, quận - huyện đã thực hiện tốt quy chế phối hợp xử lý, tỉ lệ trễ hạn dưới 1%. Tôi nhận thấy đây là sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị.

Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tăng cường giám sát kết quả xử lý ở các khối còn lại (duy tu, bảo trì hạ tầng, doanh nghiệp viễn thông, điện lực, chiếu sáng, cây xanh...), bảo đảm thực hiện đúng quy chế mới được ban hành và tham mưu cho UBND TP HCM đánh giá, chấn chỉnh.

Phóng viên: Cổng 1022 có ý nghĩa như thế nào khi TP HCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị - không còn HĐND quận, phường từ ngày 1-7-2021?

- Khi không còn HĐND quận, phường thì rất cần những kênh hỗ trợ cho chính quyền cấp thành phố theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân tại các địa phương. Cổng 1022 đã góp phần giải quyết được vấn đề này.

Với phiên bản mới hiện nay, toàn bộ thông tin phản ánh được thể hiện công khai, minh bạch bằng bản đồ nhiệt, biểu đồ đến từng phường - xã, từng lĩnh vực và từng phản ánh, kiến nghị của người dân. Từ đó, các cấp lãnh đạo sẽ nắm được tình hình phản ánh của người dân, việc giải quyết của các địa phương; các sở, ngành cũng sẽ nỗ lực giải quyết phản ánh của người dân kịp thời, hiệu quả hơn.

Phóng viên: Ông có thể cho biết định hướng phát triển Cổng 1022 trong thời gian tới?

- Cổng 1022 đã và đang được xây dựng, phát triển để trở thành cổng thông tin đa dịch vụ, đa tiện ích, là kênh giao tiếp thống nhất toàn thành phố giữa người dân với chính quyền TP HCM trong tương lai với phương châm "Ngàn thông tin - Một kết nối". Cổng 1022 được kỳ vọng mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân trong quá trình xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh.

Với việc sử dụng nền tảng tổng đài thống nhất, chia sẻ hạ tầng, nguồn lực tổng đài viên, Cổng 1022 dễ dàng mở rộng các lĩnh vực tiếp nhận. Cổng 1022 được định hướng phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo AI (callbot, chatbot), có khả năng tích hợp với hệ thống bản đồ số, hệ thống camera... và hướng đến là cổng tiếp nhận, giải đáp, cung cấp thông tin (chuyên sâu, hữu ích) giữa người dân và chính quyền thành phố.

Tất cả phản ánh của người dân qua Cổng 1022 đều được công khai nội dung và kết quả xử lý của cơ quan chức năng, phục vụ công tác giám sát, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo sở, ngành và địa phương trong quản lý, giám sát và đánh giá sự hài lòng từ người dân, cộng đồng. 

Sỹ Thành (Theo: chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn)