KỶ NIỆM 44 NĂM NGÀY GIẢI PHÒNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 – 30/4/2019)

"Cánh cửa thép" phía Tây Bắc Sài Gòn trước ngày giải phóng

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 320A, Quân đoàn 3 được chọn giao nhiệm vụ đảm nhiệm tấn công hướng Tây Bắc Sài Gòn với mục tiêu then chốt là đập nát tuyến phòng thủ Đồng Dù - Củ Chi để đại quân tiến vào Sài Gòn.

Trưởng ban liên lạc hội truyền thống Cựu chiến binh Sư đoàn 320 tại Nghệ An, Hà Tĩnh - Lê Mạnh Hải nguyên là đại úy, chiến sĩ vận tải trung đoàn 52, Sư đoàn 320A. Ông hiện là giám đốc Công ty Phú Nguyên Hải – một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đa ngành nổi tiếng ở thành phố Vinh (Nghệ An). 

Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải là nhà tài trợ chính, đồng thời là người thiết kế, thi công hai công trình tri ân có ý nghĩa: Nhà bia di tích lịch sử ghi danh chiến công các chiến sĩ Sư đoàn 320 tại điểm cao 1015 Charlie -1049 Delta (nay thuộc xã Rơ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) khánh thành tháng 5/2018, và Nhà bia Di tích lịc sử căn cứ Đông Dù – Củ Chi ghi danh chiến công chiến sĩ Sư đoàn 320 tại căn cứ Đông Dù (nay thuộc xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), sẽ khánh thành vào ngày 30/4/2019.

Nhà bia Di tích điểm cao 1015 Charlie -1049 Delta

Tại lễ di chuyển bia ghi danh chiến thắng Đông Dù từ núi Dũng Quyết (thành phố Vinh) vào Củ Chi đất thép được tổ chức ngày 11/3/2019, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải đã bồi hồi kể lại ký ức trận quyết chiến Đồng Dù - "cánh cửa thép" phía Tây Bắc Sài Gòn trong lưng tròng nước mắt: Đồng Dù là căn cứ hỗn hợp quy mô lớn, có vị trí rất quan trọng, nằm trên trục Quốc lộ 1, án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn. Đây vốn là hang ổ của Sư đoàn 25 Mỹ (Tia chớp nhiệt đới) được xây dựng từ lâu, có hình bầu dục, chu vi gần 8.500m, xung quanh là vùng trắng bằng phẳng trống trải hoang tàn.

Lực lượng địch trong căn cứ Đồng Dù lúc này gồm có: Bộ Tư lệnh Sư đoàn 25, Ban Chỉ huy Trung đoàn 50, Tiểu đoàn 2 bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo hỗn hợp, 1 chi đoàn xe tăng và hậu cứ Trung đoàn 10 thiết giáp, các tiểu đoàn công binh, thông tin, vận tải, chiến tranh chính trị, quân y, tiếp vận, chỉ huy căn cứ Củ Chi, trường huấn luyện hạ sĩ quan binh sĩ. Tổng quân số khoảng 3.000 tên, trang bị có 34 xe tăng, xe bọc thép, gần 5.000 khẩu súng các loại, trong đó có 18 khẩu pháo lớn (có 4 khẩu 175mm- vua chiến trường), bên ngoài là nhiều lớp rào kẽm gai cùng với hệ thống lô cốt và các bãi mìn được bố trí dày đặc. Do vậy, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá (Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25) hô hào và bắt quân lính “tử thủ” đến cùng.

Lễ di chuyển Bia Di tích lịch sử căn cứ Đồng Dù - Củ Chi từ TP.Vinh (Nghệ An) vào Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), ngày 11/3/2019

Bước sang ngày thứ hai của Chiến dịch Hồ Chí Minh, 5 cánh quân của ta đã tiêu diệt được nhiều chủ lực của địch, đánh chiếm, làm chủ nhiều căn cứ và mục tiêu quan trọng, phá vỡ các khu vực phòng thủ ngoại vi, bao vây cô lập triệt để Sài Gòn, tạo thế có lợi để thực hành tổng tiến công vào nội đô.

Mặc dù địch bị phá vỡ từng mảng lớn, nhưng địch vẫn cố co cụm và hô hào “tử thủ” để ngăn chặn làm giảm bước tiến công của ta. Ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, căn cứ Đồng Dù được quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) ví như “cánh cửa thép” mà ta phải đập tan để thọc sâu vào nội đô Sài Gòn.

Trước sức mạnh tiến công thần tốc của quân giải phóng, đêm 28/4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân đồng loạt tiến công vào sáng ngày hôm sau (29/4). Thực hiện mệnh lệnh tổng tiến công của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng tiến công phía Tây Bắc Sài Gòn. Mục tiêu then chốt lúc đó là đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Đồng Dù.

Lực lượng tham gia tiến công căn cứ Đồng Dù lúc này gồm Sư đoàn 320 (thiếu) được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng (thiếu), 1 tiểu đoàn pháo 155mm (thiếu), Trung đoàn phòng không 593 (thiếu) do Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòe và Chính ủy Bùi Huy Bổng chỉ huy, bí mật triển khai trận địa tiến công căn cứ Đồng Dù. Bộ Tư lệnh Quân đoàn cử Đại tá Nguyễn Kim Tuấn - Phó Tư lệnh trực tiếp xuống Sở chỉ huy Sư đoàn 320. Về hướng tiến công, Bộ Tư lệnh Sư đoàn xác định hai hướng. Hướng tiến công chủ yếu Tây Bắc, Trung đoàn 48 do Trung đoàn trưởng Lê Quang Bình và Chính ủy Đinh Hữu Tấn chỉ huy. Hướng tiến công thứ yếu Tây Nam, Trung đoàn 9 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Ân chỉ huy. Quá trình tiến công, các hướng được sự chi viện của pháo binh Sư đoàn.

CCB Sư đoàn 320 chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khánh thành Nhà bia di tích lịch sử điểm cao 1015 Charlie -1049 Delta

Đúng 5 giờ 30 phút, pháo binh Sư đoàn 320 đồng loạt tiến công căn cứ Đồng Dù và kéo dài trong suốt 2 giờ liền. Cùng lúc đó, bộ binh trên các hướng nổ mìn định hướng và đánh bộc phá liên tục mở bung nhiều lớp hàng rào. Sau 30 phút pháo kích, địch phát hiện hướng cửa mở của ta liền điều động bộ binh, xe tăng ra bịt lấp các cửa mở, đồng thời dùng máy bay, pháo cối có cả đạn hóa học đánh vào đội hình tiến công của Sư đoàn. Trên hướng tiến công chủ yếu, chiến sự diễn ra ác liệt ngay từ những phút đầu. 

Tại cửa mở số 01, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1), khi mở những lớp hàng rào trong cùng bị địch bắn phá dữ dội. Được hỏa lực của cấp trên chi viện kịp thời, đến 7 giờ 30 phút ta đã mở thông cửa mở số 01, bộ đội ta xung phong lên cửa mở nhưng bị xe tăng địch trong công sự bắn chặn làm chiến sĩ ta thương vong, không phát triển được. Đến 8 giờ, sau khi Trung đội trưởng Trung đội 9 Vũ Văn Sơn tiêu diệt xe tăng của địch ở khu vực đầu cầu, lúc đó bộ binh ta ào ạt xung phong đánh chiếm đầu cầu và xe tăng của ta vượt qua cửa mở đột phá vào đánh chiếm các mục tiêu bên trong cứ điểm. 

Cùng thời gian này, hướng cửa mở số 02, địch đưa xe tăng phản kích dữ dội, mãi đến 7 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 3 mới chiếm được tuyến công sự thứ nhất làm bàn đạp phát triển vào bên trong. Ở hướng tiến công thứ yếu, ta mở hai cửa mở nhưng địch phản kích rất mạnh nên không phát triển được.

Lúc 9 giờ, qua đài trinh sát kỹ thuật ta nắm được tin Lý Tòng Bá ra lệnh cho Trung đoàn 46 quân đội VNCH ở Trảng Bàng, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 50) ở Xóm Mới và một chi đội xe tăng ở Củ Chi đi cứu nguy cho Đồng Dù. Trước diễn biến chiến đấu ở Đồng Dù đang có lợi cho ta và biết được âm mưu mới của địch, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 quyết định tập trung lực lượng trên hướng chính do Trung đoàn 48 đảm trách đưa Tiểu đoàn 2 cùng 8 xe tăng thực hiện thọc sâu tiêu diệt Sở chỉ huy Sư đoàn 25 quân đội VNCH và xốc lại đội hình Trung đoàn 9 ngăn chặn quân địch tăng viện. 

Thực hiện ý định chiến đấu mới, lực lượng thọc sâu của ta do xe tăng phối hợp chặt chẽ với bộ binh lần lượt đánh chiếm khu vực hậu cứ Trung đoàn 46, khu truyền tin, nhà máy điện, đập tan những ổ đề kháng trên đường tiến công. Đến 10 giờ 30 phút ta đã đánh chiếm và làm chủ Sở chỉ huy Sư đoàn 25 quân đội VNCH, Lý Tòng Bá và Ban Tham mưu đã bỏ chạy. Thừa thế tiến công, các hướng, mũi chiến đấu của ta tiếp tục phát triển tiêu diệt trận địa pháo, Sở chỉ huy Trung đoàn 50, khu thiết giáp và sân bay, đồng thời đánh tan lực lượng phản kích của địch. Đến 11 giờ ngày 29/4/1975, Sư đoàn 320 làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù.

Như vậy, chỉ trong 5 giờ chiến đấu, ta đã đập tan toàn bộ Sư đoàn 25 của quân đội VNCH ở căn cứ Đồng Dù, 500 tên bị chết, 2.269 tên bị bắt làm tù binh, thu 4.909 khẩu súng các loại (có 9 khẩu đại bác 175,155,105mm), 100 máy thông tin, 2 máy bay bị tịch thu, 423 xe quân sự (có 23 xe tăng, xe bọc thép) bị thu và phá hủy. Ngày hôm sau (30-4), được nhân dân Củ Chi giúp đỡ, ta đã tóm gọn Chuẩn tướng Lý Tòng Bá (Sư đoàn trưởng) và Đại tá Trần Thắng Chức (Sư đoàn phó) cùng một số sĩ quan tham mưu Sư đoàn 25 quân đội VNCH. 

Căn cứ Đồng Dù - “cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn đã bị phá toang, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tiến công thọc sâu binh chủng hợp thành của Quân đoàn 3 tiến thẳng về nội đô, kết hợp cùng các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu chiến lược. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chính quyền VNCH buộc phải đầu hàng vô điều kiện, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Văn Nguyễn