“Cảnh sát đao phủ 2049”: Bom tấn gợi mở về tương lai của loài người

Không chỉ là bom tấn điện ảnh, “Cảnh sát đao phủ 2049” còn gợi nhiều viễn cảnh trong tương lai của thế giới loài người. Đó là cuộc sống có cả người nhân bản, nếu con người không biết cách kiểm soát thì sẽ dẫn đến kết cục bi thảm.

“Cảnh sát đao phủ 2049” nối tiếp thành công của phần một 

Trước khi Cảnh sát đao phủ 2049 (Blade Runner 2049) ra đời thì “tiền bối” của phim là Tội phạm người máy (Blade Runner) đã được tôn vinh là một trong những kiệt tác suất xắc nhất mọi thời đại. Dù vậy, phần một của năm 1982 vẫn còn kha khá thiếu sót trong mắt của giới chuyên môn. Họ cho rằng, so với phần một còn thiếu sự cân bằng giữa cảnh mở màn và kết thúc thì phần hai ở năm 2017 lại vô cùng thuyết phục, nhờ tính logic trong diễn biến và phong cách thể hiện đầy u tối đặc trưng của phim. 

Harrison Ford là người thành công nhất trong số các diễn viên tham gia “Tội phạm người máy” năm 1982

Ngoài ra, phần hai đã gợi lại ký ức trong lòng khán giả yêu tác phẩm khoa học viễn tưởng này bằng sự xuất hiện của nam chính phần một, Harrison Ford. Tuy nhiên, ông chỉ diễn xuất gần cuối phim, nhắc lại sự kiện của 30 năm trước sau khi Rick Deckard (Harrison Ford thủ vai) tiêu diệt Roy Batty để bỏ trốn cùng Rachael. 

35 năm sau, thế giới con người đã quen thuộc với dây chuyền chế tạo người máy, chúng được cấy ghép tinh vi phần ký ức giả và bộ cảm xúc, tính cách thật như loài người. Tập đoàn Wallace đã giúp những người máy nhân bản (gọi tắt là replicant) có vòng đời dài hơn, giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động xã hội. Trong khi đó, các robot đời cũ sẽ bị thanh trừng dần dần bởi các viên cảnh sát nhân bản đời mới, trong đó có K. 

Los Angeles nhuốm màu hoàng hôn ảm đạm, khói bụi mù mịt khiến chúng ta trăn trở về tham vọng đáng sợ của con người 

Khác với đồng loại, K là nhân vật có nhận thức về cuộc sống xung quanh, đặc biệt là nguồn gốc của mình. Suốt bộ phim là quá trình K đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc về danh tính của bản thân, sự khác biệt của “tạo ra” và “sinh ra”, cách phân biệt con người và trí tuệ nhân tạo hay chúng ta sống và đấu tranh vì điều gì. Anh ngờ vực mệnh lệnh của cấp trên, tại sao mình lại phải đi giết đồng loại cũng là người máy nhưng thuộc phiên bản cũ. Hành trình thực hiện nhiệm vụ đã đưa K chạm trán Rick Deckard đang ẩn trốn suốt 35 năm nay, và các thế lực trong phong trào nổi dậy của người máy.

Đạo diễn Denis Villeneuve (ngoài cùng, bên phải) đã phát triển bộ phim theo hướng đầy gợi mở, đặt ra nhiều suy nghĩ về triết lý sống và khái niệm bản ngã

Nếu như ở nội dung trước, con người khác với người máy ở điểm chúng ta có ký ức và cảm xúc thì ở hiện tại, các replicant đã có tất cả thậm chí là khả năng sinh sản. Người nhân bản được tạo ra nhằm phục vụ cho mục đích khai phá của con người và thay họ trực tiếp làm việc xấu xa, chẳng hạn như tiêu diệt các replicant bản cũ. Thế nhưng, các replicant ngày càng phát triển về ý thức và cảm xúc, họ sống có mục đích, theo đuổi một cuộc sống tử tế hơn con người rất nhiều. Chính vì vậy, ranh giới giữa con người và replicant gần như là một. Nguy hiểm hơn khi các replicant dần ý thức việc có thể thay thế con người và gia nhập vào cuộc nổi dậy của người máy. 

Phân cảnh K gặp mặt ảnh ảo của Joi là cảnh gây ấn tượng mạnh về thị giác

Bên cạnh các phân cảnh hành động, Cảnh sát đao phủ 2049 còn xây dựng chuyện tình yêu lãng mạn giữa K và Joi (Ana de Armas đóng), chỉ đáng tiếc là nó có kết thúc buồn khi K nhận ra Joi cuối cùng cũng chỉ là chương trình ảnh ảo được tạo ra từ dãy số nhị phân.  

Có lẽ vì khối lượng nội dung đồ sộ mà phim có thời lượng phát sóng hơn hai tiếng đồng hồ. Dù vậy, khán giả sẽ không thể rời mắt khỏi màn ảnh được đầu tư chỉn chu về bố cục và màu sắc, cũng như luôn phải suy nghĩ về câu hỏi mà phim đặt ra. Tác phẩm xứng đáng là người thừa kế hoàn hảo duy trì tiếng tăm cho đứa con của đạo diễn Ridley Scott. 

Mời quý khán giả đón xem phim “Cảnh sát đao phủ 2049” (Blade runner 2049) phát sóng lúc 21g ngày 28/8 và 00g50 ngày 29/8 trên kênh HBO thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.  

Bảo Bảo