Ẩn mình phía sau những pha hành động, góp công giúp tên tuổi diễn viên tỏa sáng, nhưng khi được trao vai diễn, không ít cascadeur đã “vươn mình” thoát khỏi mác “diễn viên đóng thế”, chứng minh họ có khả năng diễn xuất chứ không chỉ giỏi đánh đấm.
Một pha hành động của cascadeur trong phim "Vườn đời" (đã phát sóng trên HTV9)
Bấy lâu, hầu hết những cảnh quay đánh đấm, nhào lộn, nhảy lầu, té xe, rượt đuổi, thậm chí toàn thân bốc cháy… trên phim Việt đều do các cascadeur (diễn viên đóng thế) đảm nhận. Ngoài khả năng võ thuật tốt, đa số cascadeur còn thành thạo một số bộ môn như: lái ca nô, xe tải, xe container, xe môtô phân khối lớn, đu dây, ngụp lặn, nhảy lầu, nhào lộn, kinh công, phi ngựa, đua xe, đánh bằng binh khí như đao, thương, côn, kiếm… Việc luyện tập hàng ngày và đóng phim của các cascadeur không đơn giản, bị đổ mồ hôi như vã nước, bị chấn thương, chảy máu, khắp người đầy sẹo, thâm tím, hay chân tay bị bong gân, trật khớp là bình thường.
Vất vả và nguy hiểm nhưng trên phim cascadeur chỉ được rõ lưng, tay đánh, chân đá chứ ít khi lộ mặt. Thế nên, ẩn mình giúp cho nhiều diễn viên tỏa sáng thông qua các pha hành động ấn tượng của vai diễn, song rất ít cascadeur được khán giả biết mặt, biết tên. “Cascadeur phải thực sự đam mê mới có thể chạm được tới nghề, còn vì danh tiếng hay sự giàu có thì khó mà theo được lâu dài”- Cố NSƯT– Cascadeur kì cựu Nguyễn Thu Vân từng nói vậy.
Dù vậy, sau một thời gian thế vai hoặc chỉ thoáng qua trong vai trò “diễn viên quần chúng”, đã có những cascadeur được nhận vai diễn thực thụ. Có thể kể đến Quốc Thịnh (CLB cascadeur Quốc Thịnh - người lập kỉ lục Việt Nam về đóng thế nhiều phim nhất) ngoài vai trò là đạo diễn võ thuật của nhiều bộ phim, cũng từng được đóng kha khá vai diễn, điển hình như vai nhà báo Tám Tâm trong phim truyền hình dài tập Dưới cờ đại nghĩa (TFS sản xuất). Đây là một vai diễn dài hơi và có chiều sâu nội tâm khiến khán giả phải nhớ đến khuôn mặt của “Tám Tâm” Quốc Thịnh.
Cascadeur Thanh Hoa vai Thanh Sói trong phim "Hai Phượng"
Có sắc vóc của một Người đẹp Hoa Anh Đào, lại được khuyến khích trở thành diễn viên hành động song song với nghề cascadeur, Phi Ngọc Ánh đã diễn xuất trong khá nhiều phim truyền hình như: Đại gia không chồng, Cưới chạy kịp xuân, Hương cỏ dại, Vết dầu loang, Cầu vòng đơn sắc, Vườn đời, Bảy lá bài, Hồ sơ lửa phần 2… Trong đó, khán giả nhớ đến cô ở những vai diễn đáng kể như: Thượng úy Thiếu Hoa của phim Vật chứng mong manh hay Thiếu tá Hoàng Hoa trong phim Gai hồng.
Sau 8 năm làm cascadeur, Kim Dung đã đóng thế trong hơn 50 bộ phim điện ảnh và truyền hình. Năm 2011, sau một đợt thử vai rất khó Kim Dung đã được chọn vào vai chính – nữ vệ sĩ cho một thiếu gia trong phim truyền hình Gọi yêu thương, sau đó là vai một nữ giang hồ có nhiều màn đánh đấm ác liệt trong phim Con gái vị thẩm phán (TFS sản xuất), vai Liễu Thị giỏi võ nghệ trong phim Mỹ nhân kế.
Phi Ngọc Ánh vai Hoàng Hoa trong phim "Gai hồng" (đã phát sóng trên HTV9)
Cascadeur Trần Như Thục cũng từng đóng vai thứ chính trong các phim truyền hình như: Vật chứng mong manh (vai Tí mặt quỉ), Hoa xương rồng (vai Hứa Phu), Vườn đời (vai Lộc “cá chốt”)… Bùi Văn Hải - một cascadeur giàu kinh nghiệm khác đã được làm diễn viên trong nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình như: Trinh thám Sài Gòn, Truy tìm dấu vết, Đồng hồ cát, Sóng đời, Tham vọng, Bước chân hoàn vũ, Tiếng tơ đồng, Sáu mặt rubik, Trận đấu định mệnh, Nữ đại gia, Long ruồi, Lửa Phật bên cạnh vai trò đạo diễn võ thuật.
Gần đây nhất, cascadeur Thanh Hoa gây ấn tượng mạnh với vai bà trùm Thanh Sói - người đứng đầu đường dây buôn bán trẻ em xuyên quốc gia – trong phim Hai Phượng. Thanh Hoa đã thể hiện xuất sắc vai Thanh Sói trong từng biểu cảm lạnh lùng, dữ tợn cho đến những pha ra đòn mạnh mẽ, chuyên nghiệp – xứng tầm “đối thủ” của “đả nữ” Ngô Thanh Vân.
Bùi Văn Hải (áo đỏ) trong phim "Trận đấu định mệnh" (đã phát sóng trên HTV7)
Trên thực tế, cascadeur chủ yếu được giao đóng vai diễn như cảnh sát, giang hồ, xã hội đen, người có võ thuật có những pha hành động trên phim. Nghĩa là cần người có khả năng của một cascadeur trực tiếp đảm nhiệm vì tính chất hành động của vai diễn. Với các diễn viên như Tăng Thanh Hà, Thanh Hằng khi tham gia diễn xuất trong phim hành động Mỹ nhân kế thì phải có người đóng thế, và phải rất vất vả tập luyện để có thể tự mình thực hiện một số cảnh quay “chiến đấu”. Nhưng cascadeur Kim Dung trong vai Liễu Thị rất thoải mái thực hiện các màn bay kẹp cổ đối phương mà không cần sự hỗ trợ nào.
Tuy nhiên, cascadeur lại gặp khó khăn nhất định khi diễn xuất. “Nếu đóng thế, tôi chỉ quan tâm đến hành động. Còn lúc được đóng phim, tôi không chỉ làm hành động thật tốt mà còn phải thể hiện cơ mặt, cảm xúc. Ban đầu dù tập rất kĩ tôi vẫn đôi lúc bị “đơ” khi vừa diễn xuất tâm lí vừa thể hiện các pha hành động”- Cascadeur Thanh Hoa chia sẻ về việc hóa thân vào vai Thanh Sói. Còn Bùi Văn Hải sau khi đóng vai một cánh tay phải đắc lực của ông trùm trong phim Nữ đại gia, đã kể rằng: “Khó khăn lớn nhất là đạo diễn bắt tôi phải diễn một tay xã hội đen vừa đánh đấm giỏi, vừa biến thái lại gây hài cho người xem”.
Kim Dung đóng vai vệ sĩ trong phim "Gọi yêu thương" (đã phát sóng trên HTV9)
Nói chung những vai diễn hành động thường không có thoại nhiều, yêu cầu diễn bằng hình thể, ánh mắt sao cho ra cái thần thái nhân vật. Nếu có khả năng diễn xuất, được học hỏi và tạo cơ hội thì một số cascadeur hoàn toàn có thể trở thành diễn viên hành động chuyên nghiệp. Được biết, cascadeur Kim Dung và Phi Ngọc Ánh đã học thêm những khóa đào tạo diễn xuất hay Trúc Như đang theo đuổi hình ảnh “đả nữ” trên phim. Nhiều CLB Cascadeur cũng đã và đang định hướng cho các thành viên có thể trở thành diễn viên thực thụ cùng với đóng thế. Khi nhận được những lời khen cho vai Thanh Sói, cascadeur Thanh Hoa cũng bày tỏ: “Tôi hi vọng vai diễn của mình có thể thành niềm cảm hứng để các anh em cascadeur tìm một cơ hội thể hiện bản thân trong các vai diễn, chứ không chỉ mãi làm người đóng thế”.
Đan Khanh