Không còn lấy sự trong trẻo và hồn nhiên làm gốc như phiên bản cũ, “Cậu bé rừng xanh” (The Jungle book) bản điện ảnh do người đóng mang đậm phong cách phim hành động. Qua đó, phim thể hiện nhiều nét kịch tính trên đường trở về nhà của cậu bé Mowgli.
Cậu bé 10 tuổi Mowgli lớn lên cùng các loài động vật hoang dã trong rừng
Chắc hẳn khán giả mê phim hoạt hình đều biết đến bộ phim Cậu bé rừng xanh (The Jungle Book) nổi tiếng được ra mắt vào năm 1967 của Walt Disney. Trong mùa hè năm 2016, vị đạo diễn kiêm nhà sản xuất Jon Favreau và biên kịch Justin Marks đã bắt tay tạo nên chuyển thể điện ảnh vô cùng mãn nhãn từ phiên bản cũ đó. Theo đó, bộ phim là sự kết hợp từ cốt truyện Chuyện rừng xanh của nhà văn Rudyard Kipling và lấy cảm hứng từ phim hoạt hình cùng tên của Disney. Phim có sử dụng công nghệ CGI (Công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) để tạo ra các loài động vật do hãng Walt Disney Pictures chịu trách nhiệm sản xuất.
Cậu bé rừng xanh là phiên bản người đóng là câu chuyện kể về cậu bé mồ côi tên Mowgli (Neel Sethi thủ vai) bị thả trong rừng sâu và được nuôi lớn từ một bầy sói hoang dã. Quá trình chung sống cùng bầy sói khiến Mowgli nằm lòng các luật lệ của loài.
Các nhân vật trong phim có phần đối thoại tự nhiên và giàu cảm xúc
Mặc dù, cậu bé có cố gắng sống hòa nhập với cộng đồng rừng xanh nhưng một thành viên là Shere Khan - một con hổ Bengal, vẫn phản đối vì cho rằng khi cậu lớn lên sẽ trở thành con người độc ác. Vì vậy, Mowgli phải tìm đường quay về ngôi làng con người của mình. Trên đường đi, cậu bé kết bạn với chú gấu lười nhác Baloo và gặp rất nhiều điều nguy hiểm.
Cốt truyện của phim được nhận xét là có logic với tình tiết chặt chẽ, có mở đầu hoàn cảnh, đề cập vấn đề và hướng giải quyết của nhân vật. Người xem khi theo dõi cũng không bị bối rối trong sự kết hợp từ chuyện và phim. Các tuyến nhân vật cũng được xây dựng đa dạng, đặc biệt là phần đối thoại và tâm sự giữa cậu bé con người và động vật trong rừng vô cùng tự nhiên, giàu cảm xúc.
Không gian rừng Seeonee càng linh thiêng với giai điệu của nhạc cụ Ấn Độ
Trái với bản phim hoạt hình cũ mang nét hồn nhiên và đậm tính phim ca nhạc, phiên bản người đóng khắc họa nét khốc liệt và nhiều pha kịch tính của thể loại hành động. Những cảnh hành động được dựng dồn dập, quay linh hoạt bằng nhiều góc máy trong bối cảnh rừng già âm u Seeonee (Ấn Độ).
Góp phần đưa các phân đoạn linh thiêng và dữ đội của phim lên cao trào chính là âm thanh. Các nhà sản xuất đã tái diễn những giai điệu của 104 nhạc cụ dân tộc Ấn Độ như: sáo gỗ, trống, violin. Dàn sao lồng tiếng cũng mang lại hiệu ứng ấn tượng như chất giọng khàn và dày của nữ minh tinh Scarlett Johansson cho nhân vật trăn khổng lồ Kaa, giọng ấm và khỏe của Ben Kingsley cho nhân vật báo đen Bagheera hay giọng hài hước vui tươi của Bill Murray cho nhân vật bác gấu lười Baloo.
“Bông hoa đỏ” là ngọn lửa mang ý nghĩa tượng trưng cho sức mạnh của loài người
Một điểm sáng đáng chú khác là ý nghĩa của “bông hoa đỏ” xuyên suốt hành trình về nhà của Mowgli. “Bông hoa đỏ” được xem là ngọn lửa của loài người, là sức mạnh giúp con người trở thành loài động vật cao cấp có thể tìm kiếm thức ăn. Với Mowgli, chính ngọn lửa đã giúp cha cứu sống cậu khỏi nanh vuốt của lão hổ độc ác Shere Khan. Biên kịch Justin Marks còn gửi gắm thông điệp: kẻ ác sẽ bị trừng trị và bạn sẽ tìm thấy những người bạn đích thực trên con đường phiêu lưu.
Mời quý vị đón xem bộ phim “Cậu bé rừng xanh” phát sóng vào lúc 18g15 trên kênh HBO thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.
Hoàng Nguyên