"Chàng rể tuổi Hợi" ra mắt người xem dịp Tết Kỷ Hợi với bối cảnh gia đình gần gũi nhưng cũng không kém phần thời sự. Qua đó, biên kịch phim châu thổ đã khéo léo dẫn dắt khán giả đến nhiều thông điệp sau những tràng cười sảng khoái.
Tình huống "oan gia ngõ hẹp" đã tạo nên tiếng cười cho "Chàng rể tuổi Hợi"
Kịch bản phim phản ánh dòng thời sự
Phim truyền hình từ lâu là nơi mở ra những câu chuyện “trong nhà, ngoài ngõ” mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Chính vì vậy, ngay từ khâu đầu lên ý tưởng, biên kịch Châu Thổ đã vẽ ra cảnh đời sống Việt Nam gần gũi, nơi có gia đình, làng xóm láng giềng và cả những cặp đôi trai gái se duyên.
Chia sẻ về quá trình phát triển ý tưởng, biên kịch Châu Thổ cho biết việc hoàn tất kịch bản cho 5 tập phim chỉ trong 10 ngày, nhưng trước đó cô phải mất hơn thời gian ấy để nhào nặn ý tưởng thành câu chuyện. Quá trình sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật quả không đơn giản. Hơn nữa, cô muốn kịch bản phim phải phản ánh dòng thời sự. Nữ biên kịch đã kết dính những thông tin từ sự kiện có thật của cuộc sống, sau đó mới hư cấu tạo thành câu chuyện hoàn chỉnh.
Nếu phim Chàng rể tuổi Hợi chỉ dừng lại ở mức độ truyền tải cốt truyện và tình huống gây hài thì người xem phim dịp Tết rất dễ nhàm chán. Thay vào đó, kịch bản phim có đề cập tính thời sự và giáo dục. Cụ thể là vấn đề an toàn thực phẩm ngày Tết và quy luật nhân quả.
Biên kịch Châu Thổ cho biết, bản thân cô từng rùng mình trước thông tin trên mạng xã hội về việc người chăn nuôi heo lén lút tìm mua thuốc tăng trọng cho heo ăn để kiếm lời nhanh. Quy trình cho heo ăn loại thuốc cấm đó, một khi quá liều là heo sẽ chết ngay. Về phần người tiêu dùng, một điều chắc chắn là khi ăn phải thịt heo này, họ rất dễ bị ngộ độc. Cũng vì cái rùng mình đó mà chị đã biến nó thành ý tưởng phim.
Chàng rể tuổi Hợi có tình tiết đa dạng phản ánh qua câu chuyện của mỗi gia đình trong phim
Với con giáp Kỷ Hợi năm 2019, biên kịch Châu Thổ cũng liên tưởng về hình ảnh chàng Trư Bát Giới trong tác phẩm huyền thoại Tây Du Ký. Cô cho rằng, yếu tố chàng Trư hài hước sẽ là điểm nhấn hấp dẫn các khán giả xem phim ở mọi lứa tuổi.
Châu Thổ cho biết bản thân cô thường chọn đề tài về phụ nữ, gia đình và đạo đức xã hội. Vì vậy, phim Chàng rể tuổi Hợi tập trung khai thác các vấn đề trên. Người xem sẽ thấy rõ điều đó qua nội dung và hệ thống tuyến nhân vật có sự tương tác qua lại cao nhằm làm nổi bật mâu thuẫn kịch tính trong nội tại gia đình và bên ngoài xã hội.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện của hai gia đình: ông chủ trại heo (ông Ba Trư) và bà chủ vựa trái cây (bà Bảy Quýt). Họ cùng có gian hàng bán thịt heo và trái cây ở một khu chợ nhỏ vùng quê Nam bộ nên luôn kình nhau trong việc làm ăn gian dối để làm giàu. Ông Ba Trư nhờ nuôi heo bằng thuốc tăng trọng mà phất giàu nhanh chóng, có tiền cho con gái (Thơm) đi du học nước ngoài. Bà Bảy Quýt cũng dùng hóa chất để chống hư hỏng trái cây để kiếm tiền cho con trai lớn (Hùng) du học nước ngoài. Câu chuyện xảy ra bằng tình huống “oan gia ngõ hẹp” khi con trai bà Bảy Quýt và con gái ông Ba Trư học cùng một trường ở nước ngoài và yêu nhau.
Ông Ba Tư (Trung Dân) và bà Bảy Quýt (Phi Phụng) luôn kình nhau trong việc làm ăn gian dối
Tết này họ về quê ăn Tết với dự định ra mắt hai gia đình và tiến tới hôn nhân. Trớ trêu thay, lúc về mới biết là hai bên đang đối đầu nhau. Thơm và Hùng được sự trợ giúp từ các anh em trong nhà nhằm kéo ông Ba Trư và bà Bảy Quýt lại gần nhau. Song cuộc hôn nhân của họ vẫn có nguy cơ không thành.
Chốt kịch mở ra khi chính Thơm bị tía mình là ông Ba Trư nhốt ở nhà, cấm gặp gỡ Hùng. Cô buồn tình mở tủ đông lấy thịt heo “cấm ăn chỉ để bán” ra ăn và bị sốc thuốc tăng trọng đột biến phải đi bệnh viện cấp cứu. Lúc này, cuộc đối đầu của hai gia đình mới tạm được hòa giải.
Làm phim với cảm xúc của trái tim
Chia sẻ về trình độ của người xem phim hiện nay, biên kịch Châu Thổ thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề mà người làm phim phải nghĩ ngợi ngay từ khâu lên ý tưởng. Khán giả ngày càng khó tính và có trình độ thưởng thức nghệ thuật cao. Đó là thách thức lớn đối với các nhà làm phim như cô và đồng nghiệp.
Cô cho biết: “Dù tôi đã trải qua 20 năm làm phim điện ảnh, 12 năm làm phim truyền hình nhưng bất kể lúc nào khi bắt đầu một câu chuyện, trong tôi lại hiện diện những câu hỏi quen thuộc. Các tầng lớp, lứa tuổi có thích câu chuyện này hay không? Vấn đề của câu chuyện trong phim có được số đông khán giả quan tâm hay không? Câu chuyện của nhân vật trong phim có đủ sức lay động trái tim số đông khán giả? Và cách kể phải như thế nào để khán giả tin nó là câu chuyện có thật?”.
Mâu thuẫn là một trong các yếu tố tạo nên kịch tính cho phim
Sau cùng, cô chỉ mong tác phẩm nghệ thuật của mình, cụ thể là bộ phim Chàng rể tuổi Hợi có thể đi vào tim khán giả qua con đường của cảm xúc. Từ đó mọi thông điệp và ý nghĩa mà phim muốn truyền tải sẽ dễ dàng thuyết phục người xem hơn.
Biên kịch Châu Thổ cũng gửi lời nhắn đến các khán giả xem phim: “Hãy xem và cảm nhận câu chuyện qua từng nhân vật. Và mọi người hãy dành lòng ưu ái hơn với phim Việt trên truyền hình, bởi đằng sau một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn là tâm tư và công sức của cả một tập thể làm phim”.
Đón xem bộ phim "Chàng rể tuổi Hợi" gồm 5 tập phát sóng lúc 22g từ ngày 5/2 (Mùng 1 Tết) trên kênh HTV9.
Nguyễn Oanh