Châu Thành Toàn: Người đạt Guinness Việt Nam về thiện nguyện

Ngày 15 tháng 03 năm 2020, tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao tặng Top kỷ lục Việt Nam, xác lập và chứng nhận những đóng góp của anh Châu Thành Toàn cho công tác thiện nguyện.


Anh Châu Thành Toàn, người có 22 năm kinh nghiệm, khẳng định công việc thiện nguyện cũng là một nghề nghiệp

Những viên gạch đầu tiên

Là con người của hành động, nói ít làm nhiều, thậm chí là e dè, nhút nhát khi đứng trước máy quay ống kính truyền hình để kể về thành tựu của bản thân. Châu Thành Toàn có thể thuyết phục nhiều người nhưng rất ngại khi nói về mình.

Bắt đầu công việc thiện nguyện từ khi còn rất trẻ. 15 tuổi anh đã tham gia những chương trình hành động do đoàn phường tổ chức và hướng dẫn. Từ những công việc đơn giản như trồng hoa ở bồn cây, trực an toàn giao thông đến thu mua ve chai bán lấy tiền cho các bạn nghèo đến trường... Những “chút nho nhỏ” gom lại, đưa anh bước tiếp quãng đường dài 22 năm.

Anh quan niệm, không có lý thuyết nào hoàn toàn đúng cho việc thiện nguyện, ví dụ người ta thường nói về “cần câu với con cá”. Một hộp cơm không thể trở thành cần câu nhưng nó đem lại thứ mà những người yếu thế đang cần. Đó là nghị lực để sống, nghị lực vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong đời.

Đã xác định làm thiện nguyện thì “giúp người khi mình có thể chứ không đợi khi mình giàu”. Khi muốn phát tâm, một người cần phải có đủ yêu thương, bao dung đối với công việc, thậm chí, phải hy sinh cả thời gian, công sức và trí tuệ của mình.

Nút thắt khó gỡ

Mẫu số chung của công tác thiện nguyện là thành công đi kèm với tai tiếng, giúp đỡ luôn cần có nguồn tài chính. Giải quyết những khúc mắt này, công việc thiện nguyện mới tồn tại lâu dài đến ngày hôm nay.

Anh chia sẻ: “Kiếm tiền để làm từ thiện không dễ. Lần đầu tiên vận động quyên góp, mỗi người chỉ 10 ngàn đồng mua chiếc khung để lồng bức tranh “Phật” tặng bệnh nhân ung thư mà không ai tin. Tôi đã khóc nức nở trước mặt mọi người. Nhưng nhờ vậy mà tôi và nhóm tình nguyện của mình đã quyết định không chỉ vận động tài trợ mà phải tự thân kiếm tiền, miễn là hợp pháp, như đi vỗ tay thuê cho game show, đóng vai fan cuồng tặng hoa hay gấu bông, thậm chí sắm loa đi hát dạo...”.

Mặc dù rất minh bạch trong quản lý nguồn tài chính được tài trợ và làm công tác thiện nguyện với tất cả sự chân thành, Thành Toàn cũng không thể tránh khỏi những lúc bị hiểu lầm, bị “ném đá”. Đó là sự việc xảy ra vào năm 2011 mà đến nay anh vẫn chưa thể biện minh cho bản thân. Chỉ bằng sự xuất hiện trên truyền hình, thông qua chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”, để hóa giải những nghi vấn, khúc mắc về “động cơ từ thiện” đeo bám cuộc đời của những người hoạt động như anh.

Mạnh Thường Quân - người bạn đồng hành

Hành trình thiện nguyện không thể thiếu vai trò của những Mạnh Thường Quân. Họ có thể là người tài trợ tiền tài, vật chất, hoặc là người hướng dẫn giúp đỡ về mục tiêu phương hướng, thủ tục hành chính cho các nhóm hoạt động. Ông Lê Quang Trung – chủ tịch Hội chữ thập đỏ Tây Ninh, ủy viên Hội chữ thập đỏ Việt Nam là một trong những người như thế. Ông đã đồng hành cùng Châu Thành Toàn và nhóm SV07 của mình trên mọi nẻo đường mà họ đặt chân tới.


Châu Thành Toàn cùng với Mạnh Thường Quân của nhóm thiện nguyện SV07

Ấn tượng về Toàn không hề xảy ra trong lần gặp đầu tiên. Cho đến khi ông theo đoàn thiện nguyện đến thăm nạn nhân chất độc màu da cam cùng với lãnh đạo tỉnh. Lần đó, Toàn đã mải mê, tất bật bên các em nhỏ mà quên mất “báo cáo thành tích” với đoàn công tác. Trên cương vị lãnh đạo, ông có hơi bực mình, nhưng dưới góc độ con người, ông đã nhìn thấy ở Toàn một tấm lòng nhân hậu, tinh thần toàn tâm toàn ý với công việc không cần công danh lợi lộc. Điều đó đã khiến ông cảm mến và trở thành mạnh thường quân tình nguyện nhiệt tình nhất.

Thành tựu của bản thân

Thành công đem được những ngôi nhà tình thương, những chiếc chân giả, những chiếc xe đạp... và những học bổng giá trị đến cho người nghèo, những người kém may mắn và yếu thế đã đúc kết thành giá trị tinh thần, làm động lực cho anh giúp đỡ thêm nhiều người hơn nữa. Bởi vì "Cái tôi được nhiều nhất có lẽ là được nhiều người coi là chỗ dựa tinh thần. Với tôi điều đó rất lớn lao".


Trao tặng phần quà 70 triệu đồng để xây nhà tình thương đến người có hoàn cảnh khó khăn

Sau 22 năm tình nguyện, anh tự hào về chính bản thân mình. Gia đình, các thành viên của nhóm SV07 và các Mạnh Thường Quân cũng tự hào về anh. Họ không chỉ giúp một lần mà còn giúp nhiều lần, theo chân anh đến những nơi cần san sẻ yêu thương. Tới thời điểm này, anh không có gì hối tiếc cho cuộc đời của mình vì đã cống hiến cả tuổi trẻ cho thiện nguyện: “Tôi không bao giờ hối tiếc và không bao giờ thấy mệt vì tôi đang làm một công việc mà tôi dành cả tâm huyết của mình vào đó”.

Cuốn sách “Cho đời một chút bình yên” là một món quà về nghị lực sống của Châu Thành Toàn gửi đến các em sinh viên, tình nguyện viên, đúc kết 22 năm hoạt động cùng lời cảm ơn đến những Mạnh Thường Quân đã ủng hộ đội tình nguyện SV07 trực thuộc hội chữ thập đỏ tỉnh Tây Ninh trong suốt quá trình hoạt động.


Cuốn sách “Cho đời một chút bình yên” – món quà về nghị lực sống

“Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng, nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương, nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm, là người tôi sẽ chết cho quê hương” - lời bài hát “Tự nguyện” của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh được anh cất cao trong trường quay chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” như bản tuyên ngôn cho chí hướng cuộc đời mình.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi