Sau khi sắp xếp các quận 2, 9, Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức theo chủ trương đề án vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý thực hiện, UBND TP.HCM sẽ ban hành một số cơ chế đặc thù để phát triển TP Thủ Đức thành đô thị loại 1.
Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP Thủ Đức, trên cơ sở sắp xếp các quận 2, 9, Thủ Đức theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Ngay sau khi Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các Sở ngành và UBND của 03 quận trong diện sáp nhập sớm chỉnh sửa, hoàn tất đề án TP Thủ Đức trong tháng 8 này để báo cáo lãnh đạo TPHCM.
Trong số các đơn vị được giao nhiệm vụ này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP được giao phối hợp với đơn vị tư vấn, hoàn chỉnh dự thảo của đề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (tên tạm gọi là TP Thủ Đức) dựa trên ý kiến đóng góp của các sở ngành, quận/huyện. TPHCM cũng chủ trương tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước và quốc tế để tham gia vào quá trình góp ý, hoàn chỉnh đề án và trình Ban chỉ đạo xem xét, thông qua trong tháng 8.
Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở Xây dựng TP khẩn trương lập Chương trình phát triển đô thị thành phố phía Đông song song với Chương trình phát triển đô thị TP đến năm 2025. Mục tiêu thống nhất đánh giá đô thị để công nhận TP Thủ Đức là đô thị loại 1, với nguồn kinh phí sử dụng từ nguồn vốn xã hội hoá.
Tuy nhiên, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu trong quá trình hoàn chỉnh đề án, TP.HCM phải làm rõ được điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới này, không chỉ so với mô hình tổ chức hiện có trong nước mà còn so sánh với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á.
Mô hình chưa có tiền lệ
Theo đánh giá của giới chuyên gia, đề án TP Thủ Đức là chủ trương đầu tiên có mục tiêu phát triển với quy mô hoàn chỉnh của một thành phố. Nó cũng tạo lập một sự kiện chưa có tiền lệ, khi lần đầu tiên Việt Nam có “thành phố trong thành phố”. Đây chính là xu thế phát triển hiện nay trên thế giới, khi mà phát triển khu đô thị mới hiện đại văn minh cần thiết phải phải gắn kết với chỉnh trang đô thị.
PGG.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Giảng viên Đại học Bách khoa TP.HCM nhìn nhận, kế hoạch phát triển các đô thị vệ tinh đã được nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố nung nấu, kiên trì đề xuất qua từng nhiệm kỳ. Mô hình này nhắm đến phát triển khu đô thị trung tâm, song song với các đô thị vệ tinh, có giai đoạn gọi là các đô thị Đông, Tây, Nam, Bắc.
Ở phía Đông, có ba quận 2, 9, Thủ Đức là tương đối hoàn chỉnh về mặt hạ tầng đô thị, nên TP.HCM quyết tâm làm trước. TP từng tổ chức cuộc thi cấp quốc tế để chọn được phương án quy hoạch cho khu vực trọng điểm của đô thị phía Đông. Tuy nhiên, vào lúc đó thì lãnh đạo TPHCM cũng chưa tính đến một mô hình tách biệt “thành phố trong thành phố” với đầy đủ cấu hình của nó.
Cũng vì tầm quan trọng và chưa có tiền lệ kể trên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng, quá trình hoàn chỉnh đề án phải nhắm đến được các mục tiêu cơ bản của một đô thị, như quy hoạch hạ tầng; hệ thống tiêu thoát nước hiện đại; tiêu chuẩn cư dân đô thị; nguồn nhân lực; cơ sở về chất lượng cuộc sống…
Còn theo Kỹ sư Thạch Hà Đông, từng tham gia dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thì vấn đề về cơ chế tài chính cho một đô thị tự chủ là rất quan trọng. Nếu bị trói buộc bởi cơ chế cũ và quá nặng về tư duy kinh tế tập trung thì rất khó tạo đột phá trong khi phải bỏ công ra quy hoạch một đô thị hoàn chỉnh. Theo chuyên gia này, TPHCM đang thực hiện cơ chế đặc thù theo NQ54 của Quốc hội thì cơ chế này cũng cần nghiên cứu cho riêng thành phố phía Đông. Cơ chế đặc thù là rất quan trọng, vì nếu không thể dựa vào vốn ngân sách nhà nước thì cần cơ chế thoáng để thu hút nhà đầu tư, nhất là nguồn lực xã hội hóa.
Trong khi đó, ý kiến của KTS Nguyễn Văn Biểu, Giám đốc công ty Bhome tại TPHCM cho rằng, dù hạ tầng đô thị của khu đông TP.HCM bao gồm 03 quận có những ưu điểm cụ thể nhưng cũng chưa hẳn không có yếu điểm. Về ưu điểm, TP Thủ Đức có quy mô ban đầu khoảng 1,1 triệu dân, lấy khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) quy hoạch thành trung tâm tài chính kinh tế của thành phố; Khu công nghệ cao (Q.9) là nơi thực hành những ý tưởng sáng tạo và Khu Đại học Quốc gia (Q.Thủ Đức) là nơi ươm mầm cho nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, tồn tại của cả ba quận phía Đông hiện nay là 50% là đất đô thị hiện hữu, còn lại nhiều khu đang phát triển tự phát, với đường giao thông hẹp, thiếu hạ tầng kết nối Đông - Tây. Theo KTS Nguyễn Văn Biểu, nếu quy hoạch chỉnh trang, phải kiểm soát được tình hình xây dựng tự phát. Nếu tồn tại tình trạng xây nhà không phép, sai phép tràn lan như thời gian qua thì có thể dẫn đến mất kiểm soát, khiến cho các khu vực này có thể trở thành những khu ổ chuột mới của đô thị TPHCM trong tương lai.
Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh đến quá trình hoàn thiện đề án TP Thủ Đức cần phải đặc biệt chú ý đến chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu còn lộn xộn, trong đó không để sự phân hóa quá cao cả về hạ tầng cơ sở lẫn chất lượng dân cư khi hình thành đô thị hoàn chỉnh.
Dự kiến, TP Thủ Đức sẽ được hoàn chỉnh quy hoạch thành một đô thị vào cuối năm 2021 nếu được triển khai đúng tiến độ.
Sỹ Thành ( Theo chinhphu.vn)