Phóng sự ảnh

Chợ hoa Bến Bình Đông 28 Tết: Những góc cảm xúc ngược xuôi

Đằng sau những sắc màu rộn rã của mùa Xuân, đằng sau dòng người tấp nập, là nỗi lòng của những người bán hoa...

11 giờ 30 đêm 28 Tết, dòng người đã vãn dần trên chợ hoa Bến Bình Đông, để chúng tôi có dịp ghi nhận lại những góc cảm xúc trái ngược từ các chủ vườn, tiểu thương, những người đã lựa chọn nghề bán hoa Tết như một phần không thể thiếu trong cuộc đời.

Trồng hoa đã cực, bán hoa lại còn cực hơn, nhất là trong những ngày cận Tết. Cả năm vui buồn với hoa, với từng thay đổi nhỏ nhất của thời tiết, khí hậu, mỗi một loài hoa đều có những đặc tính khác nhau, và với những loại cây hoa đặc biệt như hoa mai chỉ có thể bán được đúng một mùa trong năm, thì những người trồng hoa đều trông mong vào dịp Tết này để tận hưởng thành quả của mình.

Một năm chỉ có khoảng dăm ngày để bán, họ họp chợ, chấp nhận "ăn ngủ" ngoài đường, chấp nhận gió bụi, nắng gắt hay sương đêm, chỉ mong bán được thật nhiều hoa để thỏa cái công sức mình đã bỏ ra, hoặc đơn giản là kiếm đủ tiền để cho gia đình một cái Tết ấm no, sung túc.

Rất dễ bắt gặp những giấc ngủ "luân phiên" như thế này trên bến

Bữa cơm tối lúc 12 giờ đêm

Giấc ngủ trong chiếc mùng giăng ngay trên bến thuyền, đây là hình ảnh thường thấy dọc theo chợ hoa...

Và rất nhiều những ánh mắt mong ngóng, trông chờ khách đến lựa hoa từ những người chủ, những người làm công, thậm chí là những anh lái xe ba gác máy chuyên chở hoa về tận nhà cho các khách hàng. 

Đêm đã khuya, nhưng họ vẫn chờ đợi và hy vọng sẽ có một khách nào đó chịu khó đi mua hoa trễ một chút, biết đâu...?!

Tiếp xúc với anh Hoàng - một chủ vườn đến từ Bến Tre cho biết: "Hoa năm nay bán chậm lắm, do có quá nhiều chợ hoa trong thành phố mở ra, nên lượng khách đổ về đây không còn nhiều như những năm trước. Khách năm nay không bằng một nửa khách năm ngoái, tui còn một ghe bông không biết khi nào mới bán kịp".

Anh Hoàng - chủ vườn từ Bến Tre

... và ghe bông "không biết khi nào mới bán kịp"

Ngồi giữa những sắc màu rực rỡ của hoa, lòng người liệu có rộn ràng...?!

Thế nhưng, không phải tất cả những người bán hoa hay những tiểu thương tại đây đều "mất mùa", dọc theo tuyến đường chợ hoa vẫn có thể thấy được những niềm vui từ cả người bán lẫn khách hàng.

"Đây chị lấy chậu này nghen, giá này em bớt rồi đó nghen, rồi bỏ lên xe em cột luôn cho nè."

Chị khách hàng phấn khởi với chậu tắc rất to vừa mua được, vẫn vui vẻ đứng lại nói chuyện cùng với chủ hàng, "tui chở được, yên tâm đi, mấy anh này cột chắc lắm rồi".

Trò chuyện với chị Minh Liên, cũng là một tiểu thương từ Bến Tre, chị cho biết: "Năm nay chị bán cũng được, mang lên 320 cây rồi cả nhà chia nhau ra bán ở 3 điểm, thì chợ hoa ở đây là bán được nhiều nhất, tới giờ là hơn phân nửa rồi. Mỗi năm mình đặt mục tiêu bán hơn phân nửa là tốt rồi, mình không mong nhiều hơn, để người ta còn bán nữa chứ". 

Chị Minh Liên - tiểu thương từ Bến Tre

Ánh mắt tràn đầy hy vọng và niềm vui khi có khách đến hỏi lựa hoa

Một trong những điều khiến cho chúng tôi càng bất ngờ hơn với những người bán, là vì dù có bán được nhiều hay không thì họ vẫn luôn luôn có một sự lạc quan và vui vẻ. Tiếp xúc với anh Tâm, một người luôn nở nụ cười, anh nói: "Năm nay giá tắc bị giảm xuống thấp lắm, tui bán chậm, tại người ta mê chơi mấy loại kiểng lạ khác và không có chơi tắc nhiều. Nhưng không sao, năm nay bán không lời thì năm sau tui bán thêm cái khác, tại tui mê."

Và khi được hỏi rằng mong ước lớn nhất của anh là gì, anh trả lời ngay: "Tui chỉ muốn người mua bớt đợi tới cận ngày mới đi mua hoa, rồi ép giá người bán, tụi tui cũng cực khổ lắm với lại ở đây là bán giá không có thách. Bán hết hay không, tui cũng lui ghe về với vợ con sớm, đặng còn đón giao thừa".

Anh Tâm, người đàn ông luôn lạc quan và luôn cười, và dù năm nay hàng bán chậm, nhưng "năm sau vẫn sẽ bán, tại mê"

Đêm đã rất khuya, một vài sạp hàng hoa giăng lưới rào dọc sạp của mình, rồi chìm vào giấc ngủ. Đâu đó văng vẳng tiếng hát cải lương vang vọng ra từ những chiếc loa nhỏ di động, như thói quen của những người nông dân chân chất. 

Bài và ảnh: Mai Anh