“Việc dịch chuyển là cần thiết vì ở mỗi giai đoạn cuộc sống chúng ta có một tư duy và nhu cầu khác biệt, đặc biệt là nhu cầu về cảm xúc”, đó là câu nói của MC Tùng Leo trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”.
Trương Lê Na và điểm "dừng chân" với nghề xuất bản sách
Trương Lê Na và “Chủ nghĩa dịch chuyển công việc”
Ở độ tuổi trên 30, Trương Lê Na đã có trong tay kinh nghiệm của 20-30 nghề khác nhau. Trong đó, một số nghề quan trọng mà cô đánh giá cao và có ảnh hưởng đến cuộc đời cô là nghiên cứu khoa học, nghề báo và xuất bản.
Bắt đầu cũng như bao bạn trẻ khác, Lê Na đã học về Khoa học tự nhiên và chuẩn bị bảo vệ Thạc sĩ ngành Di truyền học năm 2007, nhưng một biến cố về sức khỏe đã buộc cô không thể tiếp tục con đường nghiên cứu, chỉ còn lại hành trang về tư duy và phong cách khoa học theo cô tiếp tục trên con đường tìm việc kiếm sống. Từ những năm 2009, cô có những dự án về sách, đặc biệt là sách về giáo dục, nhưng điều kiện cần và đủ chưa xuất hiện, nên cô đã đến với nghề báo từ năm 2011. Năm 2015, khi đã đạt đến đỉnh cao trong công việc, cô lại rẽ hướng thực hiện ước mơ làm công việc xuất bản.
Một quãng đời sôi động của Lê Na với nhiều khúc quanh nghề nghiệp, nhưng vẫn có sự thống nhất ở một điểm chung là sự đam mê. Đam mê nghiên cứu và đam mê sách. Lĩnh vực nghiên cứu lớn nhất của cô là Giáo dục nghề nghiệp. Báo chí, xuất bản được cô sử dụng như “công cụ” để thu thập thông tin, và trải nghiệm nghề nghiệp đa dạng đã trở thành kho kiến thức thực tế sinh động trong những cuốn sách được cô xuất bản.
Như vậy, đến cuối cùng, sự thay đổi công việc của Lê Na là một quá trình vận động, xoay chuyển hiện thực để làm được công việc mình yêu thích. Một phong cách sống chủ động, dám nghĩ dám làm để mỗi khoảnh khắc đều đáng sống và có ý nghĩa, ít nhất là trong nhận thức của cô về cuộc đời mình.
Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ lấy việc thay đổi công việc làm sự trải nghiệm và thu thập kinh nghiệm sống. Câu hỏi đặt ra là thay đổi như thế nào là đủ và việc bắt đầu trễ thì có thiệt thòi gì trong nghề nghiệp?
Theo Lê Na, mỗi nghề nghiệp như một cuộc hôn nhân, nên trước khi thay đổi bạn cần trả lời: Điều gì khiến bạn đến với cuộc hôn nhân này, vì sao bạn muốn chia tay với người bạn đời và mỗi thay đổi là một thử thách của cuộc sống, bạn có sẵn sàng để vượt qua hay không?
Lê Na và quan điểm của mình về "Chủ nghĩa dịch chuyển công việc"
Mỗi lần chuyển nghề là một chuyến phiêu lưu mạo hiểm mới với nhiều thách thức và sự đánh đổi do rời khỏi vùng an toàn của sự ổn định. Nhưng nếu ước mơ đủ lớn để bạn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, thì việc dịch chuyển trở thành nhu cầu cần thiết. Hơn nữa, có một số nghề với tuổi đời càng lớn thì trải nghiệm nghề nghiệp càng sâu như nhà văn, giáo viên, đạo diễn chứ không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu sớm hay muộn.
Điều đó đồng nghĩa với việc theo đuổi ước mơ và sống vì đam mê không bao giờ dễ dàng. Và “chủ nghĩa dịch chuyển” trong công việc không hẳn là một tư duy tiêu cực, nó sẽ cho bạn sự trưởng thành về nhận thức cũng như khả năng thích ứng cao với cuộc sống vốn cũng luôn thay đổi.
Đỗ Thành Công - Phát triển tâm thức để tìm lại chính mình
Với tuổi đời 29 trẻ trung của một nhà báo, rồi một công chức hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, được đi nước ngoài nhiều, gia đình hạnh phúc, vật chất đầy đủ, hội đủ tiêu chuẩn lý tưởng của một môi trường ổn định, thế nhưng, anh Đỗ Thành Công lại chủ động từ bỏ tất cả để vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Một quyết định mà anh cho rằng, mình chịu ảnh hưởng của hội chứng khủng hoảng tuổi trung niên và một sự dịch chuyển có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời anh.
Ở môi trường mới, trong niềm trăn trở làm thế nào để làm cho cuộc sống có ý nghĩa, sau khi tiếp cận với Triết lý Phương Đông, anh đã tìm ra được giá trị sống mới, một con đường tương lai mà anh mong muốn. Theo đó, con người chú trọng vào đời sống hướng nội, tu dưỡng đạo đức, phát triển tâm thức để xây dựng thành trì cõi tâm uyên bác, giàu cảm xúc và an định. Con đường này đã giúp năng lực, trí tuệ, khả năng của anh được phát huy và anh cảm thấy hài lòng về nó.
Trà đạo kết nối những tâm hồn Việt
Viết thư pháp trên mười năm, thực hành trà đạo trên hai năm, nghiên cứu triết lý Phương Đông, cộng thêm mầm mống của một người hoạt động cộng đồng được nuôi dưỡng từ những chuyến đi nước ngoài, anh muốn đem những thành quả mà mình đạt được thông qua cách sống, lối tư duy mới để giúp ích cho xã hội.
Tham gia một số nghiên cứu, nhận thấy có những bạn trẻ hay bất an vì bị xáo trộn cuộc sống, một số sống không có mục tiêu lý tưởng, hoặc ứng xử thiên về mất kiểm soát cảm xúc mà chưa biết cách để khắc phục, anh đã sáng lập hệ sinh thái Thư trà quán, dưới bút danh Đỗ Gia, ở đó “thành trì tâm thức” sẽ được vun bồi trong một môi trường bình an, tĩnh tại.
Luyện chữ để luyện tâm
Trong không gian của Thư trà quán đơn giản và trang nhã, đủ để hấp dẫn cả người lớn lẫn trẻ em, người ta sẽ được “luyện chữ để luyện tâm” qua việc học Thư pháp chữ Việt, hay thanh lọc bớt tạp niệm tìm đến sự tĩnh tại, an nhiên và những giá trị văn hóa kết nối cộng đồng của trà đạo. Một hệ sinh thái giản dị nhưng có hiệu quả lớn lao trong việc bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và thế giới quan sinh động cho những người muốn hướng đến sự khám phá và thấu hiểu chính bản thân mình.
Lớp học Thư pháp chữ Việt dành cho Thiếu nhi
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Xuân Long