Dù chỉ đếm trên đầu ngón tay và không được truyền thông sôi nổi, song gameshow, talkshow, truyền hình thực tế dành cho người cao tuổi vẫn nhận được sự yêu thích của khán giả, bởi không chỉ giải trí mà còn lan tỏa giá trị nhân văn tốt đẹp.
Cảnh trong chương trình “Vũ điệu vàng”
Đầu tháng 10, chương trình Vũ điệu vàng đã chính thức lên sóng HTV7. Đây là một trong số ít gameshow nói riêng và chương trình giải trí trên truyền hình nói chung dành cho người cao tuổi. Đến với Vũ điệu vàng, các thí sinh từ 40 tuổi đến trên 80 tuổi, người là viên chức nhà nước, cựu ca sĩ, giáo viên, chủ doanh nghiệp, người là công nhân, tài xế, thợ may, nội trợ… có cơ hội thể hiện niềm đam mê với khiêu vũ, nhảy múa của mình. Ngoài những bước nhảy đẹp mắt, chương trình còn mang đến những câu chuyện xúc động về cuộc sống, tình yêu, tình bạn, ước mơ chưa thành của thời tuổi trẻ… của các thí sinh, qua đó chuyển tải những nguồn cảm hứng, động lực tích cực để luyện tập thể thao, lạc quan, sống vui, sống khỏe và sống đẹp cho khán giả, nhất là khán giả cao tuổi.
Cảnh trong chương trình “Tình trăm năm”
Lần nào xem cũng khóc, ngưỡng mộ hạnh phúc của ông bà, tình yêu ngày xưa giản dị mà sâu sắc quá, khâm phục sự hi sinh của phụ nữ thời đó là những cảm xúc chung của khán giả xem chương trình talk show Tình trăm năm đang phát sóng trên HTV7. Đúng như tên gọi, Tình trăm năm đem đến những câu chuyện tình yêu thời son trẻ của các cụ ông cụ bà U70 trở lên. Qua những tập đã phát sóng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thì các nhân vật đều gặp nhau ở điểm chung là sự thủy chung sâu sắc dành cho nhau. Những bí quyết hôn nhân bền vững đúc kết hết sức đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Tình trăm năm nhắc mọi người, nhất là giới trẻ về những giá trị tốt đẹp của hôn nhân, của tình yêu bất chấp thời gian hay tuổi tác.
Đang phát sóng trên HTV9, chương trình truyền hình thực tế Vui cùng con cháu dành cho mỗi gia đình gồm ông bà, cha mẹ và các cháu cùng trải qua ba vòng thi (Thử tài hiểu ý, Gia đình chung sức, Cả nhà cùng vui). Ra đời trong bối cảnh cuộc sống hiện đại bận rộn rất nhiều người có xu hướng dành quá nhiều thời gian cho các mối quan hệ bên ngoài xã hội còn gia đình, ông bà, bố mẹ thì lại quên chăm chút, quan tâm. “Với Vui cùng con cháu, chúng tôi muốn tạo cơ hội cho các gia đình cùng chơi, cùng có những khoảnh khắc vui vẻ. Từ đó, khuyến khích con cháu dành thời gian gần gũi với cha mẹ, ông bà nhiều hơn” - MC Quyền Linh chia sẻ.
Cảnh trong chương trình “Vui còn con cháu”
Trước ba chương trình đang phát sóng kể trên, trên sóng HTV từng có những chương trình như Mãi mãi thanh xuân dành cho thí sinh từ 60 tuổi trở lên được đứng trên sân khấu thể hiện tài năng trong các lĩnh vực như: ca hát, nhảy múa, hài kịch, nhạc kịch, chơi nhạc cụ, ngoại ngữ, ảo thuật, xiếc, hoạt náo… Tiếng hát mãi xanh – “sân chơi” âm nhạc dành cho người yêu ca hát từ 40 tuổi trở lên. Từng câu chuyện được kể, từng giai điệu vang lên của các thí sinh tuy giản dị mà đầy niềm đam mê khiến nhiều người xúc động. Hát cùng mẹ yêu là chương trình ca hát dành cho các cặp thí sinh là nghệ sĩ tuổi trung niên trở lên và con cháu của họ. Một số chương trình khác như Gia đình tài tử, Thách thức danh hài, Và tôi vẫn hát, Hát mãi ước mơ… đều dành thời lượng cho thí sinh cao tuổi tham gia.
Cảnh trong chương trình “Mãi mãi thanh xuân”
Theo Tổng cục Dân số, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Năm 2011, số người trên 60 tuổi chiếm 9,9% dân số thì tới năm 2018, con số này đã là 11,95%. Những năm tới, dự báo đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, từ 10 - 20 năm nữa chúng ta sẽ có một tỉ lệ dân số già “hiện đại”. Tiềm năng là vậy nhưng những năm qua và hiện nay, không gian văn hóa - giải trí nói chung cho đối tượng này vẫn còn rất ít ỏi. Riêng trên màn ảnh nhỏ thì những chương trình giải trí đặc thù dành riêng cho những người cao tuổi còn khiêm tốn, trong khi có rất nhiều chương trình hướng đến giới trẻ. Do vậy, người cao tuổi vốn là đối tượng xem truyền hình nhiều nhất thì lại phải chịu tình trạng xem chung với giới trẻ từ phim nước ngoài đến các gameshow, talkshow, truyền hình thực tế mang tính giải trí.
Dù đều có chất lượng khá tốt, nội dung sâu sắc, nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả và lan tỏa giá trị nhân văn tích cực… nhưng vì sao chương trình gameshow, truyền hình thực tế, talkshow dành riêng cho người cao tuổi còn chiếm số lượng ít? Nguyên nhân chính là việc tổ chức sản xuất luôn gặp khó khăn vì liên quan đến yếu tố thí sinh. Trong khi các chương trình gameshow, talkshow, truyền hình thực tế muốn thu hút khán giả thì yếu tố thí sinh là rất quan trọng, mà hầu hết người cao tuổi không đủ sức khỏe để tham gia “dài hơi”. Hay chương trình dành cho người cao tuổi thì không thể tạo scandal, nhưng vẫn phải đảm bảo tính giải trí cao.
Cảnh trong chương trình “Hát cùng mẹ yêu”
Một người trong ê-kíp sản xuất Hát cùng mẹ yêu kể, khi tham gia chương trình nghệ sĩ cải lương Phương Dung (73 tuổi) và con trai là diễn viên hài Dũng Nhí (42 tuổi) đều cao tuổi. Để đảm bảo sức khỏe cho nghệ sĩ, ê-kíp sản xuất phải tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ sĩ tập luyện tại nhà và hạn chế dàn dựng phức tạp. Ngoài ra, người cao tuổi vẫn thích xem các chương trình giải trí chung với con cháu. Cho nên thực tế các chương trình mà người cao tuổi có thể xem như sức khỏe, du lịch, khoa học, phim truyện, ca nhạc… hiện đang rất nhiều và phong phú trên màn ảnh nhỏ. Thế nên, làm sao để người cao tuổi cùng tận hưởng các chương trình với số đông công chúng thì sẽ giúp họ trẻ hơn và vui hơn.
Điều cần thiết là các chương trình sức khỏe, du lịch, ca nhạc…được làm với chất lượng tốt hơn, tính tương tác cao hơn, sẽ hài hòa tất cả yếu tố, vừa đáp ứng được nhu cầu của người xem cao tuổi, vừa dễ “tương thích” hơn với tất cả khán giả - một đại diện của nhà sản xuất Mega GS nhận định.
Đan Khanh