Kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019)
Bộ phim là những trang sử khắc họa hình ảnh những người cộng sản kiên cường ở ven sông sài gòn, năm xưa đã từng đi qua những cuộc kháng chiến đầy khốc liệt. vì nghĩa lớn, vì tổ quốc, những người cộng sản ấy đã phải hi sinh cả tình thân.
Đến khi hết giặc, họ lại về sống cùng con cháu với một cuộc đời giản dị. Đằng sau cuộc sống thanh bình hôm nay, là biết bao câu chuyện bi hùng thời chiến tranh…
Sông Sài Gòn nhìn từ trên cao – Đoạn Tam Giác Sắt
Câu chuyện thứ nhất
Mẹ Ðỗ Thị Tám, năm nay đã 84 tuổi và người con Trần Thu Tâm, sống trong ngôi nhà tình nghĩa ở phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Thời gian gần đây, hai mẹ con đã chuyển qua sống ở Củ Chi, gần cầu Bến Súc trong một ngôi nhà nằm cạnh bờ sông Sài Gòn.
Bà Ðỗ Thị Tám sinh ra trong gia đình nông dân yêu nước. Thời đánh Pháp, gia đình ba mẹ bà là cơ sở cách mạng. Tuổi thiếu niên của bà đi vào ký ức không bao giờ quên là những đêm được ba giao nhiệm vụ canh gác. Hễ nghe tiếng giày lộp cộp của lính Tây thì lập tức gõ cóc, cóc, cóc vào mõ, báo hiệu cho mọi người. Cứ thế, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, bà sống không rời chiếc mõ cách mạng.
Sông Sài Gòn nhìn từ trên cao – Đoạn Cầu Phú Long
Ðến thời kháng chiến chống Mỹ, bà tham gia hoạt động cách mạng với những nhiệm vụ cụ thể hơn, đó là: Tạo cơ sở mật hoạt động trong lòng địch ngay chính căn nhà của mình nằm sát bờ sông Sài Gòn. Khi cơ sở bị lộ, bà bị địch bắt giam bỏ lại đứa con gái mới 12 tuổi - Trần Thu Tâm bơ vơ một mình. Chồng bà - ông Trần Tấn Lộc đi lính cộng hòa theo sự sắp đặt của tổ chức bà cũng không hay biết. Thương mẹ tù đày, em Trần Thu Tâm bỏ học, hàng ngày phải đi nhặt rau vào khu Lò Chén bán lấy tiền mua cơm vào thăm mẹ. Ðến nhà tù, lính không cho vào, em tìm mọi cách để được nhìn thấy mẹ, cuối cùng, em cũng bò được ra cửa sau, đứng ngoài hàng rào nhìn mẹ rồi ném cơm vào cho bà. Hai mẹ con lúc ấy chỉ biết nhìn nhau mà khóc.
Khi Trần Thu Tâm được 16 tuổi, với lòng căm thù giặc được hun đúc từ lâu, chị hăng hái tham gia cách mạng, xung phong làm công tác giao liên, đưa tài liệu mật cho bộ đội. Ngày 30/4/1975, Trần Thu Tâm đã cùng với hàng trăm thanh niên rầm rộ xuống đường, hòa vào dòng người đang bừng bừng khí thế, kêu gọi địch buông vũ khí đầu hàng. Sau này chị Trần Thu Tâm được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì.
Cảnh quay phim đang tác nghiệp tại nhà mẹ Đỗ Thị Tám
Cũng trong ngày 30/4/1975, ngày quân ta tiến về giải phóng tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương), bà Ðỗ Thị Tám và chị Trần Thu Tâm cũng không ngờ rằng ông Trần Tấn Lộc (tức chồng bà Tám, cha chị Tâm) lại là cán bộ dẫn đầu đoàn quân giải phóng tiếp quản thị xã. Thì ra, việc ông đi lính cho địch là do tổ chức ta cài vào. Và việc trước đây ông mặc bộ đồ sĩ quan Ngụy vào tận nhà tù chửi bà Tám xối xả chỉ là nhằm đánh lạc hướng kẻ thù. Chiến tranh là thế! Dù là vợ chồng, cha con vẫn phải giữ bí mật với nhau. Ðó cũng là một sự hi sinh vô bờ bến mà biết bao gia đình người Việt Nam đã phải trải qua.
Câu chuyện thứ hai
Vợ chồng cựu chiến binh Trần Minh Sáng và bà Nguyễn Thị Nga, ở ấp Phú Thứ, xã Phú An, Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Hai ông bà đến với nhau trong những ngày chiến tranh đạn lửa giày xéo quê hương. Mối tình thời chiến bao giờ cũng đẹp, trong sáng như pha lê và mãi mãi thủy chung. Ở hai người có một điểm chung là đều dâng hiến tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc, với những vinh quang và đau thương cho đến bây giờ vẫn chưa nguôi.
Cảnh quay ông Tư Cang (Anh hùng tình báo Nguyễn Văn Tàu)
Bà Nga thoát ly vào căn cứ hoạt động cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ, đã nhiều lần cái chết cận kề nhưng bà vẫn vượt qua được, cùng đồng đội kiên cường bám trụ quê hương chiến đấu cho đến ngày đất nước toàn thắng. Ông Trần Minh Sáng thì được tổ chức giao một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đó là Phó ban Kinh tài huyện Bến Cát, tổ chức mật chuyên lo kinh tế, hậu cần thời chiến trong những năm đánh Mỹ. Thời gian này, cách mạng rất cần lương thực, thực phẩm để tiếp tế cho bộ đội. Bằng nỗ lực của bản thân, ông Sáng đã xây dựng được rất nhiều cơ sở tài chánh cả bí mật và công khai. Thành tích của ông đã góp phần giúp quân ta vượt qua những giai đoạn khó khăn, thiếu thốn.
Mùa xuân rực lửa năm 1975, bà Nguyễn Thị Nga được cấp trên giao nhiệm vụ cắm cờ trên bót Tân Ðịnh. Trong lúc bà Nga đang thực hiện nhiệm vụ vinh dự cắm cờ giải phóng tại quê hương, thì chồng bà, ông Trần Minh Sáng cũng theo đoàn quân tiến về giải phóng huyện Bến Cát. Sau ngày giải phóng, cựu chiến binh Trần Minh Sáng và Nguyễn Thị Nga tiếp tục cống hiến cho quê hương cho đến ngày nghỉ hưu. Trở về cuộc sống đời thường, ông bà thực hiện công việc thầm lặng là đi tìm hài cốt những người đồng đội đã hy sinh.
Cảnh quay bà Nguyễn Thị Một – người cắm cờ nhà Việt Phú Cường Bình Dương ngày 30/4/1975
Từng câu chuyện, từng lời kể của chính những người trong cuộc xuyên suốt 2 tập của bộ phim tài dài 40 phút Chuyện kể ven sông Sài Gòn, đạo diễn Phạm Hữu Lia đã dẫn dắt người xem đến những cuộc gặp gỡ đầy thú vị, qua cách thể hiện bằng ngôn ngữ, hình ảnh, đã khắc họa được cuộc sống đời thường của những người chiến sĩ kiên trung năm xưa đã quên mình vì Tổ quốc.
Đón xem phim tài liệu “Chuyện kể ven sông Sài Gòn” phát sóng lúc 15g ngày 29/4 và 30/4 trên kênh HTV9.
Thùy Trang