Chuyện về người “bắt xác chết phải lên tiếng”

Còn gì hạnh phúc bằng khi được làm việc mà mình yêu thích. Nhưng “khám nghiệm, mổ xẻ tử thi” có là công việc yêu thích của một ai đó không? Câu trả lời sẽ được giải đáp qua bộ phim tài liệu “Câu chuyện Pháp y”.


Bác sĩ Pháp y là những người có mặt đầu tiên tại hiện trường các vụ án

Câu chuyện Pháp y sẽ kể về chuyện nghề của Bác sĩ Pháp y Trần Thanh Hà công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh Đồng Nai. 

Công việc chính của anh là mổ xẻ, bóc tách tử thi đủ các loại từ chết trôi, chết treo, chết do hỏa khí, đâm chém, tai nạn... và rất nhiều trường hợp chết đột tử, chết với những lí do li kì khác. Do đặc thù của công tác pháp y là phải nhanh chóng giám định trực tiếp trên đại thể và vi thể của các xác chết càng “tươi” càng tốt. Để qua đó có thể kết luận chính xác nguyên nhân, thời gian và cơ chế từng cái chết để cơ quan điều tra tiến hành các bước tiếp theo, đồng thời cũng giải tỏa thắc mắc của thân nhân các nạn nhân. Chính vì vậy nghề làm bác sĩ pháp y là một nghề thật đặc biệt và ít người muốn chọn công việc như thế. 

Những bác sĩ Pháp ý làm việc thầm lặng

Nhưng đối với Bác sĩ Trần Thanh Hà thì ngược lại. Ngay từ thời còn học trung học, anh đã thích công việc của các bác sĩ pháp y đến khám các nạn nhân chết vì bị tai nạn ở quê anh huyện Lý Nhơn, tỉnh Hà Nam. Từ việc khám nghiệm tử thi rồi chứng minh được nguyên nhân cái chết đã làm anh khâm phục. Anh tốt nghiệp Đại học Y năm 1985, đến năm 1993 anh chọn ngành Pháp y để phục vụ.

Đặc điểm của công tác pháp y là hiện trường có người chết xảy ra ở bất cứ không gian và thời gian nào đều đòi hỏi người bác sĩ pháp y phải luôn có mặt kịp thời. Do đó, đã bao năm qua, anh cùng đồng đội hầu như chưa lúc nào được nghỉ ngơi thật sự. Không phải xác chết nào cũng lên tiếng ngay. Bí mật của vụ án có thể theo nạn nhân xuống mồ mãi mãi. Và kẻ giết người sẽ không bị đền tội bởi tội ác mà mình gây ra. 

Các bác sĩ Trung tâm Giám định pháp y Đồng Nai trong một ca khám nghiệm

Hơn ai hết, bác sĩ Hà hiểu rằng: Pháp y chính xác là phải bắt được thủ phạm. Chính suy nghĩ ấy, anh đã tận tụy hết mình trong công việc. Hết ở hiện trường, anh lại giam mình trong phòng thí nghiệm. Điều anh sợ nhất là áp lực thời gian đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác chuyên môn. 

Trong giới kỹ thuật hình sự, nhiều người gọi bác sĩ Trần Thanh Hà là “Người bắt xác chết phải lên tiếng”, “Người soi tìm dấu vết tội phạm” và còn nhiều mỹ từ khác nữa. Tuy nhiên, xã hội vẫn còn nhiều định kiến về công việc của người bác sĩ Pháp y. Vậy lí do nào bác sĩ Trần Thanh Hà vẫn kiên định, lặng lẽ sống theo con đường mà mình đã chọn? 

Mời quý khán giả cùng xem phim “Câu chuyện Pháp y”, phát sóng lúc 8g ngày 15/7 để hiểu hơn và cảm thông những khó khăn của công việc này.

Thùy Trang