Cuộc đời bi tráng của Sơn Vương đã trở thành một huyền thoại. Người đương thời tặng cho ông nhiều mỹ danh như Tráng sĩ Gò Công, Nhà văn tướng cướp, Đề lao hiệp khách, Người tù thế kỷ...
Sơn Vương năm 1970 (sau khi ra tù)
Ông được xếp vào danh sách người Việt Nam thụ án lâu nhất thời Pháp thuộc. Tổng cộng các bản án do tòa “áo đỏ” của chính quyền Pháp tuyên dành cho ông gồm 79 năm tù. Trong đó, có 32 năm tù “giam biệt xứ” và 34 năm “khổ sai biệt xứ” tại Côn Lôn (Côn Đảo).
Hoạt động yêu nước từ thời niên thiếu
Sơn Vương là bút danh của Trương Văn Thoại, sinh tại Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) năm 1908. Ông lớn lên trong phong trào yêu nước giữa thập niên 20 mà từ đó chí sĩ Nguyễn An Ninh nổi bật lên như một thần tượng. Đầu năm 1926, Sơn Vương ở trong số người bị lính kín của Pháp bắt sau khi nghe Nguyễn An Ninh diễn thuyết ở xóm Lách. Sau đó, Nguyễn An Ninh lên tiếng tố cáo mạnh mẽ trên tờ báo La Cloche Fêlée (Cái chuông rè) của ông, nên thống đốc Nam Kỳ Cognacq ra lệnh cho trùm mật thám Bazin thả hết những người bị giam giữ.
Giữa năm 1927, Sơn Vương bị bắt thêm lần nữa trong lễ truy điệu chí sĩ Lương Văn Can, người có công lớn trong việc xây dựng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Cụ Lương mất vào ngày 13/6/1927. Trần Huy Liệu, chủ bút tờ Đông Pháp thời báo, đứng đầu một ban tổ chức lễ truy điệu gồm 14 người, trong đó có Sơn Vương. Cậu Thoại (tức Sơn Vương) trước đó từ Gò Công lên và làm việc cho tờ Đông Pháp thời báo. Sơn Vương lãnh việc phát truyền đơn và treo “băng đơ rôn” (biểu ngữ), thì bị mật thám bắt, nhưng chỉ giam vài tháng. Chuyện ở tù đối với Sơn Vương coi như “nghỉ mát”.
Sau đó, Sơn Vương tiếp tục viết báo và viết sách, cũng hoạt động chung với vài người bạn và Nguyễn Phương Thảo (sau này là trung tướng Nguyễn Bình trong kháng chiến chống Pháp). Trong tập hồi ký của mình, Sơn Vương nhắc đến Nguyễn Phương Thảo như một bậc đàn anh mà ông rất nể trọng. Chỉ trong hai năm 1930, 1931, Sơn Vương đã cho xuất bản trên 20 đầu sách. Đó là những truyện ngắn được in thành sách khổ nhỏ, mỗi cuốn chỉ có vài chục trang.
Pháp đình Sài Gòn những năm 1920 (nơi Sơn Vương nhiều lần bị kết án)
Trong số những truyện kể trên, riêng cuốn Chén cơm lạt của người thất nghiệp được tiêu thụ mạnh nhất, chưa tròn một tháng đã phải tái bản, nhưng lần này thì bị chính quyền thực dân cấm. Sau đó, thì Sơn Vương không còn điều kiện viết báo, viết sách. Cái bút danh Sơn Vương từ đó tuyệt tích giang hồ.
Sơn Vương bị kết án tù liên miên, tổng cộng số năm ông phải tụ án là 79 và số năm thực thụ ngồi tù là 34.
“Làm kinh tế mạo hiểm”
“Làm kinh tế mạo hiểm” là cách nói văn vẻ, còn thực chất là ăn cướp, tuy động cơ có thể không giống nhau. Sơn Vương thực hiện tất cả 5 vụ cướp lớn, nhưng chỉ có một vụ bị phát hiện và bị bắt giam. Đó là vụ cướp tiền của chủ sở cao su ở Gò Vấp do vệ sĩ René Gaillard áp tải từ Sài Gòn.
Trước khi thực hiện vụ cướp táo tợn này, Sơn Vương đã bỏ ra mấy tháng trời ngồi lê vỉa hè gần trụ sở Ngân hàng Đông Dương để bán tiểu thuyết do chính ông sáng tác. Vừa bán sách, Sơn Vương vừa chú ý quan sát. Ông thuộc nằm lòng giờ giấc, quy luật chiếc xe Peugeot chở tiền do René Gaillard áp tải. Sau khi vạch kỹ kế hoạch hành động, Sơn Vương nhận thấy không thể đánh cướp chiếc xe trong khu vực nội thành. Nếu phục kích chặn đường thì không thể đoán được chiếc Peugeot sẽ đi ngã nào ra ngoại thành. Cuối cùng, Sơn Vương chọn cách bám đuôi theo chiếc xe chở tiền. Muốn bám đuôi, cần có một chiếc xe nhanh hơn, mạnh hơn chiếc Peugeot.
Chiếc xe Clément Bayard chở Sơn Vương đi cướp tiền
Sơn Vương sực nhớ đến một người bạn tên Năm Đường là tài xế cho một công chức Pháp. Trước kia, mỗi lần chở ông chủ ra nhà băng, Năm Đường thường ngồi xuống chiếu bán sách của Sơn Vương đọc ké để giết thời gian. Năm Đường khoe với Sơn Vương chuyện ông chủ mới tậu chiếc xe hơi hạng sang Clément Bayard. Năm Đường còn khoe ông chủ vừa cùng gia đình về Pháp nghỉ hè, giao hẳn chiếc xe cho anh ta chăm sóc. Sơn Vương rủ Năm Đường dùng chiếc xe đi “hát” (cướp). Nghĩ tới số tiền được chia phần quá lớn, Năm Đường đồng ý.
Một ngày cuối tuần đầu tháng 7/1933, khi chiếc xe Peugeot chở tiền vừa rời ngân hàng, chiếc Clément Bayard đã thay biển số giả bám theo. Khi còn cách chiếc cầu sắt nối Sài Gòn với Hóc Môn vài cây số, chiếc Clément Bayard tăng tốc vượt chiếc Peugeot rồi chạy rề rà. Khi chạy đến giữa chiếc cầu sắt, chiếc Clément Bayard vờ chết máy nằm choán giữa cầu, mọi người từ trên xe cùng xuống mở nắp ca-pô vờ sửa chữa.
Nôn nóng chở tiền về sở, René Gaillard xuống xe, tiến đến cạnh chiếc Peugeot toan cự nự thì tá hỏa khi nhận ra một họng súng lục chĩa thẳng vào đầu. Tất cả số tiền trên chiếc Peugeot nhanh chóng được chuyển sang chiếc Clément Bayard. Chiếc Peugeot đồng thời bị tịch thu luôn chìa khóa công tắc.
Chiếc xe Peugeot có René Gaillard đi áp tải tiền
Chuyển tiền xong, Năm Đường nổ máy sẵn, Sơn Vương vẫn nhắm súng vào René Gaillardm đi giật lùi rồi nhảy vào xe. Chiếc Clément Bayard tung bụi, phóng thẳng về hướng Hóc Môn chạy đến Bà Quẹo, Năm Đường rẽ ngoặt xe về hướng Gò Vấp rồi trở lại trung tâm Sài Gòn, kiểm điểm số tiền cướp được 50.000 đồng Đông Dương.
Vụ cướp táo tợn này đã khiến các tờ báo Pháp ngữ lẫn Việt ngữ ở Sài Gòn đều thi nhau giật tít. Cay cú, tên vệ sĩ áp tải tiền René Gaillard, có ăn lương của Sơ Mật thám Đông Dương quyết truy xét vụ án đến cùng.
Bị kết án tù liên miên
Cuối cùng, vụ cướp tiền bị bại lộ. Người bị bắt đầu tiên là Năm Đường. Bị tra tấn, nhưng Năm Đường khai rằng mình chỉ là kẻ được Sơn Vương thuê lái xe, hoàn toàn không biết trước kế hoạch cướp tiền. Sáng hôm sau, Sơn Vương đang lúi húi dọn sách ra vỉa hè như thường lệ thì một chiếc xe “cây” (xe bắt tội phạm) thắng kịt sát bên. Sơn Vương chưa kịp phản ứng gì, thì bị hai viên cò khoác tay, đẩy lên xe “cây”.
Tên vệ sĩ René Gaillard được phép vào nhà tù để tra khảo Sơn Vương. Hắn dùng chiếc roi pin ngựa quất tới tấp vào người Sơn Vương, nhưng Sơn Vương không rên xiết, mà còn tỏ thái độ cười cợt, khí thế vẫn ngang tàng. Điều đó khiến cho René Gaillard cảm phục, chẳng những không truy cứu mà còn đề nghị bãi nại cho Sơn Vương nhưng tòa án không chấp nhận.
Trong thời gian Sơn Vương bị giam ở khám lớn Sài Gòn, René Gaillard là người duy nhất đi thăm nuôi Sơn Vương và còn đưa cả vợ đến thăm nhà văn tướng cướp.
Tòa tuyên án Sơn Vương 10 năm tù biệt xứ và bị đày ra Côn Đảo cho đến ngày Cách Mạng Tháng Tám 1945 thành công. Giám đốc nhà lao Côn Đảo là Lê Văn Trà bị tù chính trị tố cáo gây ra nhiều tội ác, nên bị đưa về đất liền để xét xử. Các tù nhân còn lại bầu Sơn Vương vào chức chủ tịch ủy ban hành chánh Côn Đảo.
Năm 1953, vì khử một tên đại gian ác trong tù có tên là cò Út, Sơn Vương bị chính quyền Sài Gòn bắt giam tại khám Chí Hòa để ra tòa lãnh thêm một án tù chung thân. Án sau chồng lên án trước, nhưng Sơn Vương ở không hết hạn tù. Ngày 18/11/1968 ông được trả tự do. Ra tù, mới biết vợ con đã chết hết. Từ đó, người ta không biết Sơn Vương đi đâu về đâu, mất năm nào, an táng ở đâu không ai biết.
Khám lớn Sài Gòn những năm 1920 (nơi Sơn Vương thường xuyên bị giam giữ
Nỗi lòng của Sơn Vương
Trong những tác phẩm của Sơn Vương, ngoài mấy chục truyện ngắn được in thành sách, đáng chú ý nhất là hồi ký Máu hòa nước mắt 1933-1968. Đây không phải là một quyển tự truyện mà là một bài thơ dài gồm 35 khổ, nói lên nỗi lòng của một người thanh niên yêu nước nhưng bị giam cầm chẳng khác nào chúa sơn lâm bị nhốt trong chuồng “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”.
Sau đây là trích một “khổ” (một đoạn) trong hồi ký nói trên:
Khóc để nói những lời chưa nói,
Cười để khuây những nỗi chưa khuây.
Lửa hồng máu thắm còn đây,
Oan kia chưa dứt, hận này chưa tan.
Cẩm tú giang san hồn nước Việt,
Anh hùng dân tộc giống nhà Nam.
Xưa nay oanh liệt mà ham,
Nay sao đồi trụy, thêm nhàm chán thôi.
Nhìn thế nước buồn thôi lại tủi,
Nát gan thù xã hội bất công.
Giống nòi chung một non sông,
Bởi ai tham vọng chia lòng riêng tây.
Ách lệ thuộc trâu cày ngựa cưỡi,
Cảnh tang thương, như gởi lòng ta.
Khắp trong bốn mặt sơn hà,
Bắc Nam đâu chẳng con nhà Lạc Long.
Trụ sở Ngân hàng Đông Dương những năm 1930 (gần vỉa hè, nơi Sơn Vương ngồi bán sách)
Ở Pháp, quyển Papillon (1970) nói về Henri Charrière, bị tù oan 11 năm (1933-1944), kể chuyện tù và những lần vượt ngục, rất nổi tiếng và hấp dẫn. Nếu so sánh thì hồi ký Máu và nước mắt 1933-1968 của Sơn Vương cũng hấp dẫn không kém, hơn nữa còn ghi lại một vài vụ việc cụ thể có giá trị lịch sử mặc dù có vài sai lệch về chi tiết.
Hồi ký của Sơn Vương bộc lộ tấm lòng yêu nước thiết tha, bất bình vì xã hội bất công, đau lòng vì nước nhà bị ngoại bang cai trị. Sơn Vương là con người của hoạt động có tính hiệp sĩ, nhưng hoạt động đơn lẻ, không gắn với một tổ chức nào nên dễ đi đến phiêu lưu, vô vọng. Trong hồi ký của Sơn Vương, ta còn thấy thấp thoáng khí khái của những nhân vật ở Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử của Trung Quốc.
Trần Vĩnh An