Gắn bó với lớp học đặc biệt cho các bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cô Đinh Thị Kim Phấn nhận ra rằng mình không chỉ đến đó để dạy học, mà còn đến để học cách san sẻ yêu thương.
Bắt đầu gần gũi với các bệnh nhi ung thư từ chương trình Ước mơ của Thúy, cô Kim Phấn chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một trong những "trụ cột" tinh thần cho các em nhỏ, và cả phụ huynh trong một khoảng thời gian dài. Thậm chí, khi nhận lời mời giảng dạy từ nhà báo Tố Oanh - tác giả bài viết "Lễ khai giảng trong nước mắt" - cô Kim Phấn không nghĩ hoạt động này sẽ kéo dài vì đối tượng học là những em nhỏ không biết mình còn được bao nhiêu "ngày mai".
Khi về hưu, cô Kim Phấn càng có nhiều thời gian để dạy học cho các em nhỏ
Thời gian đầu nhận lớp, cô Kim Phấn đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ phía gia đình của các bé đến cả cơ sở vật chất tại bệnh viện. Một số phụ huynh cho rằng "con em tôi không biết sống nay chết mai thì học để làm gì?". Còn tại bệnh viện, thời gian đầu cô Kim Phấn phải dạy học ba buổi/tuần ngay tại phòng chăm sóc bệnh. Các em học sinh ngồi trên giường hoặc ngồi trên nền nhà, học mệt thì nằm xuống nghỉ ngơi. "Có những em đang học thì chia tay mình ngay tại chỗ" - cô Kim Phấn chia sẻ.
Điểm tựa tinh thần
Sau một thời gian, từ vai trò người thuyết phục phụ huynh cho các em nhỏ tham gia lớp học, cô Kim Phấn và những người đồng hành đã trở thành điểm tựa tinh thần cho các bệnh nhi và cả gia đình bệnh nhi. Thời gian đầu, cô Kim Oanh chỉ phụ trách các em tầm 5-7 tuổi, nhưng các em học sinh ở đây lại thuộc trường hợp đặc biệt vì không biết học được trong bao lâu, nên lớp học ngày càng đông hơn, nhiều độ tuổi hơn.
Sau những xót xa và sợ hãi sự chia ly, cô Kim Phấn học được bài học vô giá từ các em: Trân quý từng khoảnh khắc sống!
Nhà báo Phước Lập cảm động khi nhận ra rằng: "Trên mảnh đất tưởng chừng như chỉ có bệnh tật, đau khổ hủy diệt đi sự sống nhưng chúng ta đã gieo trồng trên đó mầm sống của tri thức và tình yêu thương. Những em học sinh đặc biệt ở đây có thể chỉ học được một vài ngày, vài tháng hoặc vài năm rồi ra đi, thời gian cũng qua đi nhưng không bao giờ vô nghĩa".
Học cứ gãy ngang, học cứ giữa chừng
Với cô Kim Phấn, cảm giác đầu tiên khi ngồi trong phòng sinh hoạt chung ở bệnh viện là một cảm giác xót xa. Có những em chỉ kịp tham dự buổi khai giảng, rồi ra về mãi mãi... Cô Phấn không biết mình sẽ phải đối mặt với những cuộc chia ly bất ngờ đó như thế nào, mình có thể trụ nổi với bục giảng đặc biệt này được bao lâu. Nhưng rồi cô cũng nhận ra rằng, dù có bao nhiêu thời gian để ở bên cạnh các em cũng không quan trọng bằng việc trân quý từng khoảnh khắc còn dạy - còn học cùng nhau. Thay cho những lo lắng về tương lai vô định thì bây giờ, niềm vui mỗi ngày lên lớp của cô là nghe thấy tiếng các em xôn xao "cô Phấn đến rồi" khi cô chỉ vừa bước chân đến cầu thang.
Đón xem Khoảnh khắc cuộc đời, phát sóng lúc 22g45 hàng ngày trên HTV9.
Bảo Châu