Cơ hội đến: Cuộc “đối đầu” của những dự án cộng đồng

Sau 2 tập phát sóng, chương trình “Cơ hội đến” đã tạo ra một làn sóng mới trong cộng đồng người khởi nghiệp.


Ba người chơi (Anh Nguyễn Văn Thảo và bạn Phan Thị Bé Ngọc, Diệp Phước Trung và Nguyễn Thành Gia, Nguyễn Văn Lâm) mang ba dự án khác nhau để thuyết phục nhà đầu tư nhằm có cơ hội được hỗ trợ vốn

Ngoài sự hấp dẫn, kịch tính, chương trình còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và mang tính truyền cảm hứng cao. Tiếp nối điều đó, tập 3 “Cơ hội đến” vừa được lên sóng với 3 dự án khá thú vị. Ba người tham gia chương trình mang ba dự án khác nhau để thuyết phục nhà đầu tư nhằm có cơ hội được hỗ trợ vốn. Bên cạnh đó, mỗi người còn thể hiện sự nhạy bén khi vượt qua những câu hỏi hóc búa từ đối thủ. Để nhận được số tiền hỗ trợ của chương trình, mỗi người phải trải qua 3 cấp độ thi gồm: Thuyết phục, Thu phục và Chinh phục. Tại vòng thi đầu tiên mang tên Thuyết phục, mỗi người sẽ trình bày một cách đầy đủ về dự án của mình để có thể mang đến cho nhà đầu tư cái nhìn tổng quát về từng dự án. 


Dự án làm máy rửa tay tự động đến từ hai bạn sinh viên Diệp Phước Trung – Nguyễn Thành Gia

Dự án đầu tiên đến từ hai bạn sinh viên Diệp Phước Trung – Nguyễn Thành Gia. Cả 2 cùng mang đến chương trình dự án có “một không hai” - máy rửa tay tự động Handyy. 

Ra đời với mục đích nâng cao sức khỏe cộng đồng, máy rửa tay tự động Handyy là thành quả nghiên cứu của nhóm Diệp Phước Trung – Nguyễn Thành Gia. Trong quá trình phát triển sản phẩm nhóm đã thực hiện trên dưới 50 sản phẩm cho các bệnh viện, trường học cũng như một số phòng khám trong và ngoài tỉnh Trà Vinh. Mong muốn nhận được số vốn để thực hiện 30 máy rửa tay để tặng lại cho các trường học, địa điểm khó khăn giúp trẻ em nâng cao ý thức rửa tay phòng chống dịch covid, dự án của 2 nam sinh được đánh giá khá cao. 


Anh Nguyễn Văn Lâm Dự với dự án mở thư viện ước mơ cho trẻ mồ côi 

Tiếp đến là dự án mở thư viện ước mơ cho trẻ mồ côi ở mái ấm tình thương Phúc Lâm của anh Nguyễn Văn Lâm. Đến với chương trình, “ông bố bất đắc dĩ” mong muốn thay 104 đứa con thực hiện ước mơ đó là có được một thư viện sách. Những hình ảnh về mái ấm và chia sẻ của anh Lâm nhận được sự đồng cảm từ phía khán giả. 


Anh Nguyễn Văn Thảo và bạn Phan Thị Bé Ngọc với mô hình trồng rau trong nhà phố 

Cuối cùng là mô hình trồng rau trong nhà phố của anh Nguyễn Văn Thảo và bạn Phan Thị Bé Ngọc. Mang đến chương trình mô hình tâm huyết và đặc biệt, người chơi đã chỉ ra hướng phát triển và những lợi ích mà dự án mang lại. Theo đó, ưu điểm thứ nhất là sử dụng trùn quế để xử lý đất. Ưu điểm thứ hai là dùng phần mềm hỗ trợ chăm sóc khách hàng, có hệ thống thu mua các loại rau mà những hộ gia đình trồng quá nhiều nhưng không thể tiêu thụ hết.

Sau phần trình bày về mô hình kinh doanh và hướng phát triển của từng dự án, người chơi chuyển sang phần tranh luận. Đây là lúc để nhà tư vấn có thêm nhiều dữ kiện và cơ sở để tạo tiền đề đưa ra quyết định xem đâu là dự án xứng đáng nhận được sự hỗ trợ từ chương trình.

Kết thúc phần tranh luận, hai đội chơi nhận được số phiếu ủng hộ cao nhất có quyền bước tiếp vào vòng sau với cấp độ 2 vòng thi Thu phục. Nhận được 2 lá phiếu đến từ đối thủ và một lá phiếu đến từ nhà tư vấn, dự án của anh Văn Thảo và chị Bé Ngọc giành quyền bước vào vòng tiếp theo. Hai dự án còn lại sở hữu số phiếu ủng hộ bằng nhau. Lúc này, nhà tư vấn sẽ là người quyết định dự án bước vào cấp độ 2. Mô hình của Phước Trung và Thành Gia là dự án được Doanh nhân - Hoa hậu Ngọc Diễm lựa chọn. Chia tay chương trình, anh Lâm và mái ấm Phúc Lâm bất ngờ nhận được 1000 quyển sách, một món quà đến từ nhà tư vấn. 

Kết thúc cấp độ 1, hai dự án bước tiếp vào cấp độ 2 mang tên Thu phục. Từ vòng này, hai đội chơi sẽ trực tiếp đối diện với nhà đầu tư. Sau khi lắng nghe phần trình bày về kế hoạch kinh doanh của cả 2 người chơi, nhà tư vấn tiến hành chất vấn từng mô hình để giúp người chơi hoàn thiện kế hoạch kinh doanh nhằm tối ưu hóa cách sử dụng nguồn vốn ở mỗi dự án. 


Giữ vai trò nhà tư vấn cho tập 3 “Cơ hội đến” là Doanh nhân – Hoa Hậu Ngọc Diễm 

Với phần trình bày của đội anh Văn Thảo và chị Bé Ngọc, nhà tư vấn Ngọc Diễm khai thác với một câu hỏi về khách hàng và thị trường mục tiêu. Câu trả lời của đội chơi khá tự tin và đầy đủ, nhà tư vấn đánh giá cao ý tưởng mô hình khép kín và có thể ứng dụng tại hộ gia đình.

Về phía dự án của hai bạn sinh viên Phước Trung và Thành Gia, nhà tư vấn đặt ra câu hỏi về loại hình doanh nghiệp: “Các em muốn triển khai như một dự án xã hội hay như một doanh nghiệp?”. Trả lời câu hỏi của nhà tư vấn, 2 chàng sinh viên cho biết sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một, tặng máy rửa tay cho những nơi khó khăn, tạo thói quen cho trẻ em Việt Nam. Giai đoạn 2 sẽ phát triển doanh nghiệp và tái đầu tư từ nguồn doanh thu thu được. Cuối cùng, nhà tư vấn Doanh nhân - Hoa hậu Ngọc Diễm quyết định trao cơ hội cho anh Văn Thảo và chị Bé Ngọc với tình yêu với nền nông nghiệp. 

Tại cấp độ 3, anh Văn Thảo và chị Bé Ngọc đã lựa chọn ngẫu nhiên 1 trong 3 cánh cửa tương ứng với số vốn là 20 triệu, 25 triệu và 30 triệu đồng. Cuối cùng, dự án đã nhận được số vốn 20 triệu đồng từ chương trình. Với số vốn nhận được và lời khuyên từ nhà tư vấn, người chơi sẽ hoàn thiện dự án của mình. 

“Cơ hội đến” do Đài truyền hình TP.HCM và Công ty Truyền thông Khang phối hợp sản xuất. Chương trình được phát sóng vào lúc 20g30 thứ Ba hàng tuần trên kênh HTV7.
Nga Nguyễn